Hành trình Tây du Phật quốc của “Tam Tạng” Việt Nam
Thứ bảy, 01/06/2013 15:56

Ông là người Việt Nam đầu tiên dám một mình Tây du Phật Quốc.

Thiền sư Minh Tịnh

Thiền sư Minh Tịnh

Không những thế, ông còn vinh dự thỉnh Xá lợi Phật về Việt Nam, điều mà trước kia chưa từng có tiền lệ. Ròng rã 2 năm 4 tháng, ông đã nếm mật nằm gai để tự mình tìm đạo tại nơi khai sinh Phật giáo. Tấm lòng của ông khiến quốc vương xứ Tây Tạng vô cùng nể phục và xúc động, đã sắc phong pháp danh cao quý bậc nhất cho vị thiền sư đến từ đất Việt.

Để tìm hiểu về cuộc đời và hành trình của thiền sư Minh Tịnh, chúng tôi đã tìm đến chùa Tây Tạng, Bình Dương – nơi Hòa thượng Minh Tịnh đã lập nên và về làm trụ trì đời thứ nhất. Tại đây, chúng tôi được Hòa thượng Thích Chơn Hạnh, trụ trì đời thứ ba chùa Tây Tạng kể lại những điều lưu truyền về vị chân tu đầu tiên thỉnh Xá lợi Phật về Việt Nam.

Vị “Tam Tạng” của Việt Nam

Đó là Thiền sư Minh Tịnh, người được mệnh danh là Tam Tạng của Việt Nam.  Thiền sư Minh Tịnh tên thật là Nguyễn Tấn Tạo (còn gọi là ông Mười Tạo) sinh năm 1888, tại thôn An Thạnh, (thuộc quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một cũ, nay là Bình Dương). Sinh ra trong một gia đình trí thức tiểu tư sản, từ nhỏ cậu bé Tấn Tạo đã được giáo dục vô cùng nghiêm nhặt nên chỉ mới mười mấy tuổi đầu, ông đã nổi tiếng là người tinh thông Tây học lẫn văn hóa và truyền thống phương Đông. Năm 16 tuổi, như một cơ duyên, ông bắt đầu nghiên cứu Phật học. Thế sự nhiễu nhương, bản thân lại ngộ ra những điều giải thoát cuộc đời khỏi dục vọng, sân si, nên khi đương chức trong ngành y tế thời Pháp thuộc, Tấn Tạo vẫn quyết định từ bỏ danh lợi để xuất gia. Nhưng ông vẫn một lòng hướng đạo, và lui về tu tập với Hòa thượng Ấn Thành – chùa Sắc Tứ Thiên Tôn, được ban cho pháp danh Nhơn Phổ - Nhẫn Tế. Sở dĩ ông có thêm pháp danh Minh Tịnh là do cầu pháp học đạo với tổ Huệ Đăng và thụ giới với Hòa thượng Ngộ Định -Từ Phong.

Bút tích của Thiền sư Minh Tịnh về chuyến Tây du Phật quốc

Những năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo đang bùng lên mạnh mẽ ở khắp mọi miền trên đất nước. Là một người con của Phật, thiền sư cũng đau đáu không yên, ông thường tự nhủ: “Muốn chấn hưng Phật pháp phải biết cội nguồn của Phật pháp”. Bởi vậy, từ lâu ông đã ấp ủ giấc mơ được đặt chân đến nơi khai sinh ra Phật giáo. Ròng rã một thời gian chạy đi chạy lại lo thủ tục xuất ngoại, thông hành, lại phải lo ngại sở mật thám nghi ngờ động cơ mà ngăn trở, cuối cùng, chiều ngày 17/04/1935, ông bắt đầu xuống tàu viễn dương, hành hương về đất Phật.

Ít ai ngờ rằng, để chuẩn bị cho hành trình đầy gian lao đó, thiền sư Minh Tịnh chỉ mang theo bên mình vỏn vẹn mấy đồng bạc lẻ, vài thức chay, một túi đựng kinh và một túi gói mấy bộ y phục cũ sờn. Như được Phật trời phù trợ, trước khi lên tàu, thiền sư Minh Tịnh đã gặp một người gốc Ấn, là đại diện cho Hội phó Hội xã tri Madras - Ấn Độ, thuộc đường Catinat, Sài Gòn (nay là Đồng Khởi, Q.1 TP.HCM). Cảm kích niềm tin và tấm lòng sẵn sàng đối diện thử thách của Minh Tịnh, người này đã thảo hai lá thư tay với nội dung gởi gắm, nhờ đồng đạo, dân bản xứ giúp đỡ vị thiền sư khi ông đến đất lạ quê người.

Và ngay trên xứ sở Phật giáo, thiền sư Minh Tịnh đã tận mắt chứng kiến mọi sự tu hành khổ hạnh, ép xác, nhịn ăn, nhịn uống và rất nhiều lối tu cực kỳ đau khổ của các nhà sư hành đạo nơi đây. Ngoài đạo Phật, Hồi giáo, … Ấn Độ còn xuất hiện nhiều tín ngưỡng kì dị với lối tu phù thủy, bùa chú. Đạo thờ thần cũng có, mà Đạo thờ quỷ cũng có. Họ thờ sơn thần, thọ thần, … la sát, quỷ điểu, chằn tinh, yêu tinh, ... Các đạo này có trước thời đức Phật, với những nghi thức tu hành khổ hạnh. Tất cả những điều kì dị ấy, đều được thiền sư Minh Tịnh ghi lại cặn kẽ, và ông chỉ biết ngậm ngùi thương cảm.

Thỉnh Xá lợi Phật

Ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, năm 1936 dương lịch, thiền sư Minh Tịnh khởi hành đi Nepal. Đường đi mất sáu ngày, vừa ngồi xe lửa, xe hơi, lẫn cả đi bộ. Sinh ra và lớn lên ở một đất nước nhiệt đới, từ nhỏ đã quen với thời tiết ẩm nóng của phương Nam, vậy mà giờ đây thiền sư Minh Tịnh lần đầu tiên đối diện với cái lạnh khắc nghiệt của hành trình vượt qua Hy Mã Lạp sơn. Là một người con nhà Phật, kiệm lời đã quen, nên sự gian khó vô vàn đó, chỉ được ông mô tả bằng vài lời ngắn ngủi: “Đường đi gay go lắm, núi này cao hơn các núi khác, trèo non, lên đèo, xuống ải, đầu non tuyết đóng như vôi, dải dọc, dải ngang không biết mấy trăm mà kể. Tuyết sa ngập cẳng, lạnh thấu ruột non”. Lại còn bảo: “tự mẹ đẻ tới nay, 48 tuổi mới biết tuyết”. Nhưng cực khổ đói cơm khát nước, ông không hề sợ, chỉ sợ nhất là phải qua 6 trạm ải. Quan binh tra xét rất gắt gao, lúc nào cũng súng ống lăm le chỉa vào người vị thiền sư, để có gì sơ suất là tiện bề vây bắt.

Mới nhập thành Nepal, thiền sư đã vội sắm lễ hành hương, tìm đến tháp Bodhi Gaya (nơi đức Phật thành đạo). Tại đây, như một nhân duyên tốt lành, Minh Tịnh được dịp tận mắt lễ bái những chiếc bình đựng Xá lợi Phật, là tro cốt của đức Phật. Trước kia, Xá lợi Phật được chia ra cho nhiều tháp cùng thờ cúng. Nhưng chiến tranh loạn lạc, đền chùa bị tàn phá, Xá lợi Phật vì thế mà tứ tán khắp nơi. Tháp Bodhi Gaya ở tận Hy Mã Lạp sơn, đường đi gian nan, thời tiết khắc nghiệt nên tránh được họa đổ nát, cũng chính vì thế mà Xá lợi Phật hầu hết được tập trung về đây để thờ cúng, bảo quản. Tuy đã lễ bái, nhưng thiền sư Minh Tịnh lại chưa tận mắt thấy được Xá lợi Phật. Bởi lẽ đó, cả đêm hôm ấy ông trở về nhà trọ mà lòng thổn thức không yên. Sáng ngày mai, Minh Tịnh lại tiếp tục đến Bodhi Gaya. Nhưng đây là chốn linh thiêng, đã được viếng rồi thì không có lần hai. Một lần nữa, nhờ lòng thành tâm, Minh Tịnh được soạn lễ để vào tận mắt thấy Xá lợi Phật. Nhưng thấy được rồi lại muốn thỉnh về, bởi đồng đạo, Phật tử quê nhà không có điều kiện để đi xa ngàn dặm như Minh Tịnh thì làm sao chiêm bái được Xá lợi Phật. Nghĩ như vậy, nên vị thiền sư buồn bã, quên ăn mất ngủ.

Thỉnh Xá lợi Phật từ trước cho đến nay là một điều chưa có tiền lệ. Điều này chính vị quản tháp cũng thừa nhận rằng: “Sáu đời hằng giữ chỗ này, chưa ai có được hồng phúc ấy”. Không lần này thì lần khác, Minh Tịnh cứ kiên nhẫn đến viếng tháp để tỏ lòng thành tâm. Và hồng phúc hiếm có ấy đã được ban cho vị thiền sư người Việt, tuy nhỏ bé nhưng ý chí phi thường. Và cái tâm luôn hướng Phật ấy đã khiến vị quản tháp động lòng và chiếu cố cho ông đặc ân thỉnh Xá lợi Phật về quê hương. Ngày được trao Xá lợi Phật, Minh Tịnh lòng vui không thể giấu. Ông bút tích kể lại như sau: “Nói rồi vị quản tháp bưng bửu bình xuống, bảo bần tăng lấy một cái khăn vải vàng của Bổn đạo để trên đầu trải ra. Ngài trút cả bình trên khăn rồi bần tăng bèn túm khăn lễ bái đi ra. Bần đạo kiếu luôn về chỗ ngụ được dùng bữa ngọ, lòng mừng khấp khởi. Nếu như từ trước tới nay ngàn vạn người thập phương tới viếng tháp mà không được ý nguyện thì riêng một người An Nam đã làm được”. 

Trở thành nhà hoạt động cách mạng

Ngày 14/06/1937, thiền sư  Minh Tịnh trở về Việt Nam và kết thúc cuộc hành trình Tây du Phật quốc. Ông về tới Sài Gòn vào lúc 7h sáng ngày 30/6/1937 (nhằm ngày 22/05 năm Đinh Sửu) sau 2 năm 4 tháng ròng rã.

Thiền sư Minh Tịnh về nước, tiếp tục tu tập tại chùa Thiên Chơn, thuộc địa phận chợ Búng, Bình Dương. Năm 1937, ông Hương cả Trượng ở Phú Cường nghe danh thiền sư Minh Tịnh từ xứ Phật về, nên ông thỉnh thiền sư về trụ trì chùa Bửu Hương tại làng Phú Cường. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng năm 1930, do ngài Cao Minh và ông Huyện Trương vận động bà con xây dựng. Thiền sư Minh Tịnh sau khi nhận trụ trì chùa Bửu Hương, đã đổi thành tên Tây Tạng Tự để đánh dấu chuyến hành hương Tây du Phật quốc của mình.

Vào năm 1945, Hòa thượng Minh Tịnh được cử làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một. Vào tháng 06/1946, ông được làm thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Trong khoảng thời gian này, với lòng yêu nước Hòa thượng Minh Tịnh hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi. Ông là người có công trong phong trào kháng chiến chống Pháp trong giới Phật giáo. Vào năm 1950, thiền sư Minh Tịnh được cử làm cố vấn quân, dân chính tỉnh Thủ Dầu Một. Hòa thượng từng kêu gọi trong giới Phật giáo phải dồn hết sức mình tham gia vào cuộc kháng chiến. Ông dõng dạc khuyên chúng Phật tử: “Khi nào còn chiến tranh thì một viên ngói, một viên gạch cũng không được xây chùa...”.

Một góc kiến trúc chùa Tây Tạng

Tuy công trạng chưa thể sánh bằng với các vị tiền nhân, nhưng ý chí kiên cường và lòng mộ đạo của vị “Tam Tạng Việt Nam” vẫn đủ để người dân khắp nơi và giới Phật tử tự hào. Thiền sư Minh Tịnh viên tịch vào ngày 17/05/1951 (năm Tân Mão), thọ 63 tuổi. Di hài được đưa về chùa Thiên Chơn, và được đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa, nay vẫn còn di tích vẹn nguyên. Thiền sư Minh Tịnh là bậc cao tăng, Phật học, ngài để lại quyển Nhật ký hành trình Tây Thiên Trúc và dịch bộ kinh Lăng Nghiêm Tông Thông (do Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản 1997).

ĐƯỢC SẮC PHONG CỦA QUỐC VƯƠNG TÂY TẠNG

Thỉnh được Xá lợi Phật, thiền sư Minh Tịnh lại viễn du đến Tây Tạng. Ròng rã một thời gian dài, lạnh thì thấu xương, mà nắng thì cháy da người. Nhưng Minh Tịnh không hề quản ngại, ông đi bằng đủ thứ phương tiện, xe lửa, cưỡi ngựa và cả đi bộ. Vừa đi, Minh Tịnh vừa học thêm tiếng Tây Tạng. Vừa đặt chân đến đây, thiền sư Minh Tịnh đã tìm đường đi viếng quốc tự của Tây Tạng, một ngôi chùa to lớn được làm toàn bằng vàng với hàng chục nóc nhà uy nghi, tráng lệ. Sau đó, ông đến viếng quốc vương và dâng lễ vật theo đúng tục lệ, nghi thức của Tây Tạng. Ở đất nước này, quốc vương cũng là một vị Lama (Lạt ma). Vị quốc vương nghe tùy tùng kể về câu chuyện thiền sư Minh Tịnh tự mình vượt hàng ngàn dặm đường, không quản gian lao để một lòng hướng đạo, thì tỏ ra vô cùng cảm mến.

Chính vì thế, ngày 04/10/1936, Thiền sư Minh Tịnh được quốc vương sắc phong pháp danh vô cùng cao quý tại đất nước này là Thubten - Osall Lama. Thubten là tên của Lama Thái thượng hoàng, cha ruột quốc vương. Thubten cũng có nghĩa là viên kim cương, còn Osall có nghĩa là mặt trời, cũng là tên của vị quốc vương. Vì thế, pháp danh Thubten - Osall Lama mang nhiều ý nghĩa cao quý, được thần dân nơi đây cung kính, nể trọng. Thiền sư Minh Tịnh là một trong những vị thiền sư hiếm hoi có được vinh dự này trên xứ sở Tây Tạng, sử sách ghi chép đây như là một trường hợp hy hữu.

Công Vương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Hòa thượng Minh Tịnh , Thiền sư Minh Tịnh , Đạo phật , Xá lợi Phật , Phật tổ , Tây Tạng , Thỉnh chân kinh