Khoảng vài năm gần đây, “phượt” đã là một từ quen thuộc và thời thượng với giới trẻ.
Bức ảnh ngồi trên cột mốc gây tranh cãi về sự phản cảm |
Vào thời điểm đầu tháng 11/2012, cộng đồng mạng đã dậy sóng khi chuyến đi Hà Giang của một nhóm “phượt” gồm gần 50 người do Phong Van (nick trên Facebook) dẫn đầu được cập nhật thông tin lên Facebook và diễn đàn phượt.
Dậy sóng không chỉ bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang bị giẫm nát, thậm chí có thành viên nhóm phượt còn phi xe máy vào giữa cánh đồng hoa (có 58 ý kiến trên sáu trang của diễn đàn bình luận về việc này). Dậy sóng không chỉ bởi người dẫn đầu chụp ảnh với cột mốc Hà Giang 0km bằng cách ngồi lên trên (bình luận về việc này trên diễn đàn Phượt, bạn Q.G. nói: “Đây là cột mốc thiêng liêng ở địa đầu Tổ quốc, những người lính biên phòng mỗi khi đi tuần tra phải đứng chào cột mốc theo điều lệnh. Thế nhưng, hành động của bạn không những phản cảm, nguy hiểm mà còn khiến nhiều người phải lo sợ về phông kiến thức của lớp trẻ ngày nay”.
Dậy sóng hơn vì bức ảnh cả đoàn phượt nằm ngủ qua đêm ở một khúc cua trên đường núi, bất chấp an toàn giao thông. Bình luận về sự liều mạng này, Cu Trí trên Facebook đã nói về trách nhiệm của người dẫn đầu: “Sau khi xem bức ảnh anh hướng dẫn những người bạn đồng hành của mình yên lành ngon giấc tại khúc cua hẹp miền sơn cước, nếu cuối năm nay có giải bình chọn Người hùng của năm, em sẽ mua 20 triệu tiền thẻ để nhắn tin bầu cho anh, anh xứng đáng nhận điều đó hơn nhiều người... Nếu trong đêm hôm đó có một chiếc xe tải quáng gà, anh sẽ còn được đề cử thêm huân chương “Thanh niên ưu tú trong công tác giảm dân số VN”. Kịch bản đó thật may mắn không xảy ra và anh đã mang lại hạnh phúc cho 50 gia đình có con cái theo anh chinh phục thiên nhiên toàn vẹn trở về!”. Lời bình luận này đã nhận được 939 like (thích) và 198 bình luận.
Lật giở một số trang mạng mới thấy những thông tin chia sẻ của không ít người đi phượt về những gì họ đã trải qua trên đường. “Ngã xe khi phượt xe máy lên các vùng núi cao là chuyện đã xảy ra khá nhiều, nhưng những hành trình ấy vẫn vô cùng hấp dẫn người trẻ. Riêng cuối tuần vừa qua, chúng tớ đã ghi nhận bốn vụ tai nạn của các đoàn phượt Hà Giang. Nguyên nhân do đường sá hiểm trở cũng có nhưng phần nhiều tai nạn lại bởi tính hiếu thắng, máu liều của các tay lái thích phóng nhanh vượt ẩu” - Minh, 20 tuổi, thành viên đoàn phượt xe máy lên Hà Giang tuần cuối tháng 10/2012, chia sẻ trên trang ione. Cũng trên trang này, bạn Nguyễn Giang kể về một trường hợp phải chuyển từ Hà Giang về Hà Nội cấp cứu vì tay lái yếu, lại điều khiển chiếc xe cà tàng... để rồi đập vào vách đá ở đoạn cua từ Quảng Bạ sang Yên Minh, mũ bảo hiểm vỡ, xe giập nát...
Bức ảnh “dậy sóng” cộng đồng mạng về sự hiểm nguy đến tính mạng của 50 “dân phượt” nằm ngủ qua đêm ở khúc cua hẹp miền sơn cước (từ Facebook của Phong Van - người dẫn đầu đoàn phượt Hà Giang đầu tháng 11/2012)
Khoảng vài năm gần đây, “phượt” đã là một từ quen thuộc và thời thượng với giới trẻ. Nick anghia có định nghĩa: phượt chính là những chuyến đi, những chuyến đi bụi và ngẫu hứng đôi khi không có sẵn lịch trình, đôi khi chẳng biết trước mình sẽ đi đâu, không người dẫn đường, không dịch vụ rườm rà, chỉ đi bằng lòng đam mê và khám phá”. Có phải vì chất “bụi” và tính ngẫu hứng này nên yếu tố an toàn đã không được xem trọng và không ít chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Phượt không xấu, nhưng nếu phượt nghĩa là bất chấp mọi nguyên tắc về an toàn cho chính cá nhân mình để được tiếng là liều mạng, là “dân phượt” chuyên nghiệp thì cái giá phải trả đã không rẻ chút nào!
Hãy biết cẩn trọng từng bước chân
Nhà báo Hoàng Minh Trí (báo Công An Nhân Dân) - người có nick name Cu Trí, một “dân phượt” có tiếng lâu năm - chia sẻ:
“Mơ ước khám phá cuộc sống xung quanh luôn trong tâm hồn mỗi con người. Trong những năm gần đây thì thú vui đi du lịch bụi mà giới trẻ hay gọi là đi “phượt” phát triển rất mạnh. Với sự phổ dụng của Internet thì việc chia sẻ, kết nối của những người cùng sở thích du lịch bụi lại càng dễ dàng hơn. Chính sự “dễ dãi” đó nhiều khi cũng tiềm tàng nguy hiểm cho những bạn trẻ non nớt khám phá khi chưa đủ kinh nghiệm, bạn đồng hành lại thường xa lạ. Tất nhiên, theo tôi, du lịch bụi rẻ, thú vị hơn nhiều so với cách du lịch “salon” truyền thống theo lịch trình cứng nhắc và bởi thế tỉ lệ rủi ro cũng cao hơn.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chúng ta đang sống ở một thế giới phẳng, đi được đây đó bổ sung vào tâm hồn thêm nhiều điều hay. Nhưng thật đáng tiếc không ít “dân phượt” trẻ tuổi đang coi những chuyến đi như để lập thành tích, để khoe khoang. Tôi biết mỗi nhóm phượt đều có những quy tắc chung về an toàn, nhưng không phải ai cũng chấp hành một cách tuyệt đối, chỉ một sơ sểnh sẽ phải ân hận. Trong hai năm qua đã có một số trường hợp bạn trẻ đi “phượt” mất mạng trên đường thiên lý với nhiều lý do khác nhau... Có lẽ không nên nhắc lại những chuyện buồn đó, hãy biết cẩn trọng từng bước chân...”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?