Giếng làng - nét văn hóa thú vị
Thứ tư, 25/01/2012 15:53

Giếng làng, nói không ngoa, là báu vật của nông thôn Việt. Ấy là nơi tình yêu bắt đầu. Là hình bóng thân thương cùng với cây đa, sân đình…

Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, người dày công nghiên cứu về văn hoá làng xã có nhìn nhận thú vị về di sản giếng làng từ Bắc Bộ vào đến miền Trung.

Giếng làng là nơi được coi trọng bởi đó là nơi sẻ chia bao thời sự biến cố của làng.

Ở Bắc bộ, làng Việt (kẻ, thôn…) là một thiết chế xã hội, một đơn vị tổ chức chặt chẽ trên cơ sở địa vực, địa bàn cư trú; là sản phẩm tự nhiên phát sinh từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt. Thiết chế ấy gắn với cây đa, giếng nước sân đình. Mỗi làng được khu biệt bằng tường cao, cổng kín. Giếng làng, không chỉ phổ quát các nhu cầu giao tiếp văn hoá làng kiểu tự cung tự cấp, mà còn xoáy sâu các nhu cầu sinh hoạt thường ngày.

Khi vào miền Trung, giếng làng có một cách định hình khác. Có hai cách xuất hiện giếng làng. Một cách cộng đồng dân cư có trước, sau đó những thầy địa lý tìm mạch để khơi giếng làng. Đó cũng là long mạch của làng để muôn đời sinh sôi, thịnh vượng.

Ở cách còn lại, người Việt kế thừa những mạch nguồn giếng nước người Chăm. Người Chăm làm giếng vuông, họ là những bậc thầy về xử lý các mạch nước. Dẫu hạn hán quanh năm thì giếng Chăm không bao giờ cạn, luôn trong vắt và mát lạnh. Nhưng người Việt với đặc tính của mình thường không kế thừa nguyên vẹn mà luôn tìm cách cải tiếng. Giếng làng không phải ngoại lệ, dấn ấn Việt trên giếng Chăm chính là bờ gạch bó tròn xây trên lòng giếng hình vuông.

Miếu thờ thần giếng ở Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Dọc dài làng của Bắc miền Trung, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ giếng làng còn thể hiện tính hữu dụng của nó cả về giá trị sử dụng lẫn những lớp trầm tích văn hoá. Làng của người miền Trung không kín cổng, cao tường, mà làng này với làng kia định ranh giới bằng một con đường nhỏ, một hàng tre, nhà này định giới nhà kia bằng hàng dâm bụt và bụi chè tàu. Vì sao? Đó là cách “tối lửa tắt đèn có nhau” của những lưu dân Việt đi mở mang bờ cõi, tiến về phương Nam thuở xa xưa.

Nhưng có một cách đặc biệt mà giếng làng miền Trung tải vào lòng dân là khi cạn, dân làng này có thể sang làng bên xin nước. Sự chia sẻ ấy dẫn đến những trạng huống, sắc thái tình cảm khác nhau, cưu mang nhau, truyền thụ cảm hứng cho nhau, học hỏi nhau giữa những ngôi làng vừa định hình trên dải đất miền Trung.

Từ sẻ chia giọt nước, người ta sẵn sàng sẻ chia, nhường nhịn cả vật dụng khác để rồi cả một vùng văn hoá được dựng lên, keo sơn, gắn bó.

Giếng làng không còn đơn giản là nơi cung cấp nguồn sống mà đã trở thành nguồn năng lượng cố kết lòng người, khơi gợi lòng yêu nước.

Văn hoá làng vì thế mà trở nên bất biến. Dâu dâu bể, dẫu các triều đại đổi thay thì thiết chế làng xã vẫn bền vững.

Giếng làng, biểu tượng thương nhớ.

Giếng làng là nơi xếp lớp các trầm tích văn hoá, là chứng nhân của thời đại. Và đó là tình yêu, là tấm lòng của cộng đồng để bảo vệ quê hương đất nước.

Không chỉ ở miền Trung mà với bất cứ ngôi làng Việt nào, giếng làng cũng là nơi lưu giữ cho con người giá trị cuối cùng của hình ảnh bản quán. Lúc giặc giã, giếng thành nơi lưu giữ cất giấu những vật dụng thiết yếu, nhất là lư hương, đỉnh đồng, bài vị thờ tổ tiên. Thậm chí, khi giặc tràn vào giữa lúc cả làng nấu bánh chưng, đưa bánh xuống giếng cất giấu. Khi bình yên, trở về, có khi là hàng tháng sau, vớt bánh lên, luộc lại như thường, khôt chút lạt phai phong vị quê nhà, như sử sách ở Quảng Bình từng ghi chép.

Có thể nói, thiếu giếng làng là thiếu đi một thành tố tâm linh, thành tố văn hóa vật chất của văn hoá gia đình, văn hoá làng xã. Và khi tồn tại cùng với những trái ngang, càng tăng lên gấp bội giá trị của hình ảnh giếng làng.  vì thế mà mọi làng xã của người miền Trung làng nào, nhà nào cũng thờ thần giếng, thần nước, coi đó như một “Totem” (vật tổ) thờ phượng bên cạnh thần đất, thần bếp.

Đất Việt
Tag: Làng quê , Giếng làng , Văn hóa , Truyền thống , Làng quê Việt Nam , Bảo tồn