Giai thoại về bói toán Sài Gòn
Chủ nhật, 12/02/2012 13:55

Đã có rất nhiều trường hợp vì tin lời "phán" của các thầy, bà bói toán mà nhiều gia đình, nhiều trường hợp làm ăn, nhiều đôi uyên ương đã phải hối hận cả đời.

Người xưa có câu "Bói ra ma, quét nhà ra rác" quả là không sai. Đã có rất nhiều trường hợp vì tin lời "phán" của các thầy, bà bói toán mà nhiều gia đình, nhiều trường hợp làm ăn, nhiều đôi uyên ương đã phải hối hận cả đời. Nhưng những "thầy, bà" này, ở Sài Gòn trước đây, cũng đã để lại cho người đời nhiều giai thoại thú vị...

Thực thực hư hư …

Hồi những năm đầu thế kỷ 20, đất Sài Gòn có hai ông thầy tướng số rất nổi danh mà mãi đến sau này vẫn không ai bì kịp. Đó là thầy Tư Nên và thầy Vi Kính Trang. Theo lời kể của người xưa, vào khoảng năm 1915, thầy Tư Nên có văn phòng... coi tướng mở ở Mỹ Tho (Tiền Giang).

Một ngày, thầy đang ngồi chơi thì gặp một ông khách từ Huế cùng dăm ba người bạn bước vào. Người khách lạ đứng im không nói gì và trước khi ngồi, ông khách tay cầm cây can vẽ một đường, gần như mơ hồ xuống nền nhà, thành một gạch ngang trong không khí, chẳng ai để tâm. Thấy ông khách có cử chỉ như vậy, thầy Tư Nên lật đật đến trước mặt ông khách, sụp lạy và nói: "Tâu Ngài, cây can ngài vẽ một vạch ngang trên mặt đất thành một chữ Vương. Ngài là người có chân mạng đế vương.". Người khách lạ phì cười bởi ông chính là Hoàng tử Bửu Đảo. Ông ghé Mỹ Tho chơi cùng với mấy người bạn, coi đá gà và đờn ca tài tử đã mấy ngày. Trước khi về, mấy ông bạn rủ hoàng tử đi coi bói chơi. Cũng chẳng ai nói trước ông là hoàng tử cả. Ông phì cười chỉ vì không tin.

Không ngờ, chỉ vài tháng sau khi vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại ở Huế và bị lưu đày (năm 1916) hoàng tử Bửu Đảo được toàn quyền Paul Bert đưa lên ngôi vua, lấy hiệu là Khải Định. Còn thầy Vi Kính Trang, thời đó ai muốn đến ông thầy này coi bói phải trả 5 cắc (mua được 1 giạ lúa). Kiếm được thầy đã khó, chờ cho đến lượt mình được thầy kêu còn khó hơn. Ban đầu "văn phòng" của thầy là một căn gác ở đường Đồng Khánh, sau dời về một căn phố lầu, dưới là tiệm mì, hủ tiếu ở đường Tản Đà gần vũ trường Arc-En-Ciel. Người ta đồn rằng ông nói đâu trúng đó, nhất là tiên đoán về hậu vận.

Một lần, thầy tiếp cô Ba Trà, lúc đó là người đàn bà ăn chơi, giàu có nhất miền Nam. Nhìn sơ qua tướng tá, ông nói trúng phóc mọi việc xảy ra trong quá khứ, như đọc lý lịch cô vậy. Đến khi cô Ba Trà hỏi chuyện hậu vận, ông nhìn kỹ một hồi rồi nghiêm trang cho nói: "Xin lỗi, số cô là số Đạm Tiên. Là: Sống làm vợ khắp người ta/Hại thay thác xuống làm ma không chồng...". Cô Ba cười có vẻ không tin nhưng cũng thoáng chút lo lắng. Và ác thay, theo “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển, thì số phận cô Ba Trà "y chang" như lời phán của thầy Vi Kính Trang.

Khoảng thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước, tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng trong Chợ Lớn như: Bát Đạt, Đồng Khánh, Phượng Hoàng... thường có các "văn phòng" coi bói, xem tướng, lấy tử vi, chỉ tay, bói bài, phong thủy... của cơ man các "thầy", được quảng cáo là nổi danh đệ nhất ở Hong kong sang. Và để nổi danh hơn nữa, các "thầy" tự đặt cho mình những cái tên nghe rất ư huyền bí như: Sơn Đầu Bạch Vân Đại Sư, Đại Lục Tiên, Hà Thiết Ngôn Đại Sư, Sơn Đầu Mã Ngọa Long, Mã Cơ Sanh...

Tuy đặt "văn phòng" ở những khách sạn hạng sang, nhưng cách ăn mặc, đi đứng, lời nói của các bốc sư này đầy vẻ kỳ quái như trong... phim kiếm hiệp. Đi đến đâu là còn một đoàn tùy tùng vệ sĩ, người phiên dịch tiền hô hậu ủng. Y như Đinh lão quái trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Tuy luôn cho rằng mình là tiên ông giáng trần, cứu giúp thiên hạ, nhưng để trả tiền thuê "văn phòng", các "tiên ông" vẫn phải thu tiền như thường. Họ sống như vua chúa, bay đi bay về Sài Gòn-Hong Kong như cơm bữa, xe đưa người đón, ăn toàn cao lương mỹ vị, ở khách sạn sang. Tất cả đều do tiền các thân chủ tự nguyện "nạp mạng".

Tranh minh họa

"Hòn đất mà biết nói năng…"

Vào những năm ở thập niên 60 của thế kỷ trước, hầu hết các tờ báo lớn ở Sài Gòn đều có đăng quảng cáo cho các "thầy bà", với những ngôn từ kêu như chuông: "quỷ cốc đại sư, giáo sư thần học, chiêm tinh gia...". Thậm chí, tại phòng khách của thầy Vũ Hùng (trên đường Nguyễn Trãi), ấn tượng nhất là bức tranh sơn mài tuyệt đẹp, có cẩn hàng chữ "Ông Nguyễn Bá Lương, Chủ tịch Hạ nghị Viện, kính tặng nhà tướng số Vũ Hùng", như là một "nhãn hiệu cầu chứng" cho uy tín của mình. Rồi có một xuân nọ, giám đốc Việt Tấn xã còn mời ba ông thầy Khánh Sơn, Minh Nguyệt, Huỳnh Liên lên truyền hình để bà con nghe ba ông "phán" về vận mệnh quốc gia (?). Những dữ kiện trên cho thấy, giai đoạn này là giai đoạn "hoàng kim" của đủ các loại "thầy bà" làm ăn khắp cả miền Nam.

Về nữ, nổi tiếng nhất bà thầy Nguyệt Hồ, ngụ ở đường Đinh Công Tráng (tân Định). Bà từng là hoa khôi do báo Đời Mới của ông Trần Văn Ân tổ chức. Bà Nguyệt Hồ rất hay ngự giá, lên đồng. Kiêm nhiệm các việc xem chỉ tay và giới thiệu tình duyên, gỡ rối tơ lòng. Khách hàng là các nữ thân chủ giàu có, cứ mỗi khi nghe đức lang quân của mình có "mèo chuột" gì là kiếm đến bà, xin những lời tư vấn vàng ngọc. Bà sống xa hoa, rất sung sướng. Nếu còn sống, giờ bà Nguyệt Hồ cũng đã trên 80 tuổi.

Còn nổi tiếng nhất Sài Thành về khả năng chấm lá số tử vi, rồi đoán trúng  phóc diện mạo, tầm vóc, màu da, nghề nghiệp... phải kể tên thầy Gia Cát Hồng. "Thầy" tên thật là Phạm Bảo, người miền Bắc, sau khi vào Nam thầy hành nghề... thầy bói. Thầy mở "văn phòng" ở đường Trần Quốc Toản, quận 10 hiện nay. Ngoài nghề bói, thầy còn kiêm nhiệm nghề bốc thuốc chữa... bá bệnh, như: phong ngứa, kinh phong và... phong tình (?). Nhờ có nhiều...nghề như vậy, "thầy" có cơ ngơi rất khá, là chủ nhiều biệt thự và nhiều miếng đất lớn nhỏ trong nội ngoại thành.

Một "thầy" khác cũng khá độc đáo là Minh Nguyệt, tự quảng cáo trên báo là giáo sư, mở văn phòng ở đường Đề Thám. Ngoài chấm tử vi và coi chỉ tay, "thầy" còn rành rẽ thập bát ban võ nghệ và có cái giọng du dương như nghệ sĩ. Bởi thế, "thầy" có hàng ngàn thân chủ, rất nhiều là nữ giới. Đã có hàng chục cô lỡ thì, mong được theo hầu "thầy" một cách miễn phí, nhưng thầy luôn từ chối.

"Thầy" Nguyễn Văn Canh, bị mù từ lúc mới sinh nên được gia đình cho học nghề coi bói để... sinh nhai. Nổi tiếng nhờ bấm quẻ tử vi, rồi nói vanh vách các cung, các sao, tiền vận hậu vận rành rọt, khiến thân chủ rạp đầu bái phục.

"Thầy" Khánh Sơn, hành nghề từ những năm 1945, kiếm rất nhiều tiền và có tướng mạo đào hoa phong nhã. Còn "bốc sư" Ba La, lấy tên như một đạo sĩ Ấn Độ giáo cho... kỳ bí. "Thầy" mở văn phòng ở đường Nguyễn Phi Khanh (Tân Định). Rất thông thạo Hán văn tuy bị mù từ nhỏ. Chính vì có Nho học uyên thâm, lại thêm vẻ tiên phong đạo cốt nên thân chủ đến văn phòng "thầy" rất nhiều trí thức.. "Thầy" chấm tử vị cực hay và có giai thoại về việc thầy đã "giải được tiền kiếp" cho một thân chủ. Nhưng thực ra tất cả chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ...

Dân gian, từ xa xưa đã đả phá mạnh mẽ những trò điêu trá của các "thầy, bà", tục ngữ đã có câu: "Hòn đất mà biết nói năng/Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn", để tỏ rõ thái độ này. Nhưng sao cho đến nay, nhiều người vẫn tin, vẫn đi coi bói, cho dù "tiền mất tật mang"?

GiadinhNet
Tag: Chuyện thành phố , Bói toán , Sài Gòn , Mê tín , Lịch sử , Thầy bói