Giá điện sẽ không ngừng tăng
Thứ ba, 20/03/2012 13:53

Với chủ trương đến năm 2013 giá điện sẽ phải theo cơ chế thị trường, thì nhiều người đang lo ngại giá điện trong nước sẽ khó có cơ hội giảm khi biến động giá cả không ngừng tăng lên.

Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, thì giá bán điện bình quân chỉ được điều chỉnh (tăng, giảm) khi các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Bao gồm cơ cấu sản lượng điện phát, tỷ giá ngoại tệ và giá nhiên liệu (khí, than và dầu).

Cùng với đó, các thông số đầu vào khác của giá bán điện chỉ đượng xem xét để điều chỉnh giá bán điện, sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán quy định. Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.

Ngoài ra, Tập đoàn điện lực Việt Nam được điều chỉnh (tăng, giảm) 5% so với giá hiện hành, khi mà biến động các thông số đầu vào cơ bản lớn hơn hoặc nhỏ hơn 5%. Cùng với đó, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và được chấp thuận phương án điều chỉnh giá điện.

Theo thống kê, thực hiện lộ trình giá điện và cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, từ năm 2009 đến nay, giá điện bình quân đã  từng bước được điều chỉnh.

Cụ thể, năm 2009, giá điện bình quân tăng thêm 8,92% so với năm 2008; năm 2010 tăng thêm 6,8% so với năm 2009. Riêng năm 2011, giá điện bình quân được điều chỉnh hai lần: Từ ngày 1/3/2011 tăng thêm 15,28%, tương đương 165 đồng/kwh so với năm 2010 (từ mức 1.077 đồng/kwh lên 1.242 đồng/kwh); từ ngày 20/12/2011 tăng thêm 5%, tương đương 62 đồng/kwh (từ 1.242 đồng/kwh lên 1.304 đồng/kwh.

Như vậy có thể thấy, trong suốt năm 2009 đến nay giá điện chỉ tăng mà không giảm. Điều này một lần nữa khẳng định chủ trương của Nhà nước là giá điện sẽ phải từng bước điều chỉnh theo cơ chế thị truờng, nhưng có lộ trình.

Tuy nhiên, đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho rằng, mặc dù thời gian qua giá điện đã từng bước được điều chỉnh theo lộ trình, nhưng thay đổi của giá bán chưa phản ánh hết được biến động của các chi phí sản xuất kinh doanh điện đầu vào hợp lý.

Bởi vì năm 2012, ngoài các chi phí sản xuất, kinh doanh năm 2010 chưa tính vào giá điện, giá điện bình quân 1.304 đồng/kwh cũng chưa  tính giá mua bán điện chuyển đổi theo quy định tại Thông tu số 41 ngày 14/12/210 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự, thủ tục xây dựng…

Cùng với đó là, không tính lợi nhuận trên vốn sở hữu đối với các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công truyền tải điện quốc gia và năm Tổng công ty điện lực. Ngoài ra, giá bán than cho điện mới chỉ bằng 57% đến 63% giá thành tiêu thụ than năm 2010 chưa có lợi nhuận (đã được kiểm toán)…

Chính vì những yếu tố này mà Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá điện cần phải tiếp tục tăng vào thời điểm thích hợp, phù hợp với mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Điều này một lần nữa cho thấy giá điện trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng, để dần bù đắp vào chi phí thực tế, hợp lý mà ngành điện bỏ ra. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là giá điện sẽ tăng lên đến mức nào khi mà Quyết định 24 của Chính phủ đã đưa ra rằng, ngành điện có thể điều chỉnh giá 4 lần/năm, tối đa lên đến 20% (tính luỹ kế các lần điều chỉnh).

Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, giá điện chỉ có một chiều tăng không có giảm thì cũng giống như ở hầu hết các nước trên thế giới. Mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy an sinh xã hội đều không theo kịp và giá điện cũng không thể giảm trong khi tất cả đều tăng.

Cũng theo ông Cường, thực hiện lộ trình mà Chính phủ đã đưa ra thì đến năm 2013 một số mặt hàng thiết yếu sẽ theo cơ chế thị trường (trong đó có giá điện). Như vậy với lộ trình này, rõ ràng giá điện cần phải có mức điều chỉnh tăng giá phù hợp đề bù đắp chi phí.

“Lộ trình tăng thế nào và phải tăng trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu thì Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ bàn bạc, trình xin ý kiến của Chính phủ. Cùng với đó, việc bù đắp thua lỗ của EVN trong thời gian bao nhiêu năm cũng phải có lộ trình, nên chưa thể nói trước được”, ông Đặng Huy Cường cho biết.

VnMedia
Tag: Tăng giá điện , Kinh doanh điện , Giá điện , EVN , Điều chỉnh giá điện