Ghét loa phường, đánh 'bom bẩn' tổ trưởng dân phố
Thứ hai, 07/04/2014 15:53

Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá, nắng mai chưa kịp ló dạng để chào ngày mới, người dân khu phố 5 đã rậm rịch thức dậy nhờ chiếc loa phường...

Bức thư nặc danh đe dọa chủ hai chiếc loa phường

Bức thư nặc danh đe dọa chủ hai chiếc loa phường

Buổi sáng một ngày đầu tháng 3/2014, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Bé (vợ ông Nguyễn Đăng Tuấn - tổ trưởng tổ dân phố 5, khu vực 1, phường Thuỷ Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đẩy xe bánh mỳ ra quán nhỏ của mình nằm nép bên góc đường. Chợt bà rùng mình, nhảy dựng lên muốn ói vì mùi xú uế nồng nặc cùng cảnh tượng kinh người: Khắp nền quán nhầy nhụa chất thải. Góc quán, lá thư nặc danh nét bút nghệch ngoạc: “Tao cảnh cáo mi, sáng sớm mở loa, nếu còn làm nữa, sẽ có nữa (ý nói sẽ tiếp tục phóng uế - PV) nghe chưa”. Tổ trưởng tổ dân phố “vò đầu bứt tóc” ấm ức kẻ “đánh bom bẩn” vào nơi gia đình ông kiếm cơm: “Công việc mở loa là để bà con trong khu phố nghe tin tức, đâu phải mình tôi nghe. Tôi làm việc cho địa phương chứ có phải làm việc riêng cho tôi đâu, sao lại đe dọa, rồi đổ phân vào nơi vợ tôi buôn bán?”.

Mang “bom bẩn” tấn công “ông chủ” hai chiếc loa phường

Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá, nắng mai chưa kịp ló dạng để chào ngày mới, người dân khu phố 5 đã rậm rịch thức dậy nhờ chiếc loa phường. Dù phố vẫn tranh tối tranh sáng nhưng nhiều người đã ra đường tập thể dục. Tiếng trò chuyện lao xao. Người ta vừa hít thở không khí trong lành buổi sáng, vừa nghe thông tin phát trên đài rồi bàn tán, bình luận. Thông tin kinh tế, chính trị… địa phương được cập nhật thường xuyên nên bà con thấy rất tiện lợi. Hi hữu, có sáng ông tổ trưởng cắm phích chiếc loa muộn một chút là bà con thấy vắng, hỏi thăm liền. Ấy vậy mà không biết kẻ nào tỏ ra khó chịu với cái loa của phường đến nỗi có hành động “bẩn” đến vậy.

Bà Nguyễn Thị Bé vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cảm giác “rùng rợn” lúc đó: “Quán bánh mỳ nhỏ nơi góc đường ấy là “nồi cơm” của gia đình, chứ lương tổ trưởng dân phố của chồng tôi đáng là bao? Vậy nên dù mưa dù nắng, tôi đều đẩy xe bánh ra quán từ sớm, kịp bán cho khách quen trước lúc họ đi làm đi học. Hôm đó đẩy xe bánh mì ra, mới gần đến thôi tôi đã ngửi thấy một mùi hôi tanh tưởi bốc ra từ quán. Nghĩ là do chó mèo ban đêm vào phóng uế, tôi vội vã vào để dọn đi, thì rùng mình nhận ra trên sàn quán nhớp nháp chất thải”.

Trong lúc vẫn còn đứng như “trời trồng”, người dân chạy thể dục ngang qua dù phải bịt mũi vì mùi hôi và cảnh tượng xú uế, nhưng bất bình trước hiện tượng “kỳ quái”, cũng dừng lại trợ giúp người phụ nữ khốn khổ. Lúc này họ mới phát hiện bức thư nặc danh để ở góc khuất trong quán. Hành động bỉ ổi của thủ phạm giấu mặt nào đó bị người dân khu phố lên án. Công an và chính quyền địa địa phương cũng đã có cuộc họp với người dân trong tổ để “răn đe, cảnh cáo”, nếu thủ phạm còn lặp lại hành vi xấu thêm một lần nữa, tất sẽ bị điều tra ra và phải chịu trách nhiệm.

Nhắc lại sự việc “kinh hoàng” từng làm “chấn động” cả khu phố nhỏ, bà Bé cho biết: “Họ khuấy chất thải trong nước, sau đó mới đổ khắp quán. Sàn quán là nền đất nên nước bẩn thấm sâu xuống đất, không cách gì lau quét sạch được”. Sáng hôm đó, bà phải dẹp tiệm bánh mì để lau dọn quán, nhưng không cách gì khử được mùi hôi. “Tôi liên tục dùng nước comfo xả áo quần dội lên sàn, nhưng đến chiều vẫn không hết mùi”, bà Bé cho biết. Cũng vì bị kẻ giấu mặt chơi xấu, công việc buôn bán của gia đình bà Bé bỗng dưng lâm cảnh lao đao. Dù sự việc trôi qua một thời gian, nhưng xe bánh mì của bà vẫn ế ẩm. “Có lẽ người ta vẫn còn ngại nên không dám mua”, bà Bé thở dài khi nghĩ đến xe bánh mì, cần câu cơm của cả gia đình đang bị đe dọa.

Chồng bà Bé làm tổ trưởng tổ dân phố, lương bổng chẳng nhiều nhặn gì, xe bánh mì là kế sinh nhai của gia đình. Tiền lo hai con ăn học cũng từ xe bánh mì mà ra. “Mỗi sáng đẩy xe bánh mì ra quán, tôi lại thấy hồi hộp. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ kẻ xấu tiếp tục “đánh bom” quán mình. Nếu bị “chơi xấu” lần nữa, chắc tui bỏ nghề vì cả nhà không còn ai ăn nổi bánh mì thay cơm”. Bà Bé nói lên nỗi lo lắng trong lòng, không quên cười mà như mếu: “Mấy hôm nay xe bánh mì bán ế. Gia đình tui ăn riết đến độ, người cũng giống ổ bánh mì mất rồi”.

Ông Tuấn vò đầu bứt tai, khổ sở không hiểu nổi “ai đó” lại có hành vi như vậy. Ông cho biết, trong thời gian qua, ông làm tổ trưởng tổ dân phố. Quá trình công tác, ông được giao nhiệm vụ mở đài phát thanh để cập nhật thông tin cho bà con trên địa bàn. Cũng vì đảm nhiệm công việc mở đài nên hệ thống loa truyền thanh được đặt ở nhà ông. Ông cũng phân trần, “có lẽ người ta thấy mở đài vào buổi sáng ồn ào không ngủ được mới làm vậy. Nhưng nếu nói là ồn ào, thì nhà tôi là ồn nhất, vì hệ thống loa đặt ở hai bên mái nhà của tôi. Hơn nữa 5h cũng sáng bảnh mắt rồi”.

Nỗi niềm người mở loa phường

Từ ngày nhận được bức thư nặc danh, tuy vụ việc chưa nghiêm trọng nhưng ông Tuấn cũng e dè hơn trong việc mở đài. Thay vì mở đài vào 5h như thường lệ, thì nay 5h30 ông Tuấn mới “dám” mở. “Ở đây, buổi sáng rất nhiều người trở dậy tập thể dục. Hễ sáng nào tôi quên mở đài, họ lại nhắc, “sao hôm nay chú Tuấn không mở đài để mọi người nghe tin tức”. Nói thật, vừa chạy thể dục, vừa nghe tin tức buổi sáng, rất tiện. Bởi ai cũng bận bịu mưu sinh, ít người có thời gian để ngồi xem vô tuyến”, ông Tuấn nói. Ông còn cho biết, hệ thống loa truyền thanh của phường do để ngoài mưa nắng lâu ngày, nên đôi khi cũng “chập cheng”. Để thông tin đưa đến người dân tốt nhất, ông Tuấn phải trèo lên tự sửa chữa lấy.

Hệ thống đài ở phường được phát tự động vào 3 lần. Sáng: 5h00 – 6h00, trưa 11h00 – 12h00, chiều 17h00 – 18h00. Thấy phát tự động, chất lượng âm thanh kém, ông Tuấn lại bỏ tiền túi ra mua một chiếc đài rồi tự mở, tự cắm micro vào để bà con trong khu vực nghe được âm thanh tốt nhất. “Buổi sáng tôi dậy ngồi rà đài. Phải rà tới rà lui, đến đúng tần sóng rõ nhất mới cắm micro vào cho bà con nghe”. Nhận thấy vào buổi trưa và chiều, không khí ồn ào, nhộn nhịp, người dân chủ yếu sum họp gia đình, xem vô tuyến nên cũng ít người chú tâm nghe đài nên ông Tuấn chỉ mở đài vào cữ sáng. “Đài thành phố và đài tỉnh chỉ phát tin tức vào buổi sáng, chứ buổi trưa và buổi chiều phát ca nhạc là chủ yếu nên không cần mở cũng được”, ông Tuấn cho biết.

Một người dân trong phường cho hay, sau khi sự việc nhà ông Tuấn nhận thư nặc danh, mọi người trong khu vực bàn tán xôn xao, ai cũng lên án kẻ “đánh bom bẩn” là thiếu văn hóa. “Người ta lên án dữ dội lắm, nếu nó (chỉ chủ nhân bức thư nặc danh) nghe được chắc cũng điên đầu”, người này còn nói thêm, “Buổi sáng dậy sớm, vừa uống trà, vừa nghe tin tức rất tiện”.

Khi PV đến tìm hiểu sự việc, hỏi thăm từng nhà, mọi người đều cho biết, việc mở đài ở phường hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của họ. “Nếu có ảnh hưởng thì gia đình tôi mới ảnh hưởng nhất. Nói phát loa ồn ào, thì gia đình tôi cũng ồn nhất, vì loa đặt trên mái nhà tôi. Còn nếu ảnh hưởng đến cuộc sống, thì tôi mới ảnh hưởng nhất. Vào những sáng rét mướt, trong lúc mọi người quấn mình trong chăn, nằm thảnh thơi nghe đài, tôi phải lò mò trở dậy, mở đài để mọi người được nghe. Nếu tôi không nghĩ đến bà con, cứ để đài phát tự nhiên cả ba cữ, với âm thanh nhão nhẹt, thì chắc bà con còn mệt gấp trăm lần”, ông Tuấn bức xúc nói.

Theo ông Nguyễn An Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuỷ Xuân: “Hiện nay tôi đã chỉ đạo bên phía công an phường triển khai rà soát tìm kiếm kẻ khả nghi”. Công an phường Thủy Xuân cũng cho biết, song song, triển khai giáo dục trong dân, phía công an cũng đã phối hợp tổ chức họp dân, đưa vấn đề ra trước cuộc họp để giáo dục, răn đe.

Nguyễn Hà (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Đánh bom bẩn , chất thải , ghét loa phường , ghet loa phuong danh bom to truong dan pho , tin , bao