Sau rất nhiều những mày mò, tìm kiếm, Thơ đã đúc kết được rằng: Một bài văn cũng như một bài toán vậy, nó đều có công thức để cho ra kết quả và bắt buộc học sinh phải tư duy hòng tìm ra những công thức đơn giản nhất.
|
Khi hầu hết chúng bạn cùng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đua nhau theo học các môn chuyên tự nhiên thì Chu Minh Anh Thơ lại chọn cho mình một hướng đi rất khác. Với cô học trò nhỏ này, văn chương đã gắn bó từ nhỏ, khi trong những câu hát à ơi ru con thuở lọt lòng, mẹ cô là một giáo viên dạy văn đã rất biết cách truyền cảm hứng.
Lớn lên, nhận thức rõ hơn về những giá trị văn chương cùng với tư duy mới về cách học, cách ứng dụng thực tế, Anh Thơ càng quyết tâm theo đuổi đam mê. Cô học trò đoạt giải Nhất Văn Quốc gia năm 2011 - 2012 đã chia sẻ những bí quyết rất riêng trong ngày nhận được tin vui.
Giỏi Văn nhờ học lỏm
Sinh ra ở miền quê nghèo thuộc xóm 7 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), văn chương gắn với Chu Minh Anh Thơ ngay từ khi còn rất nhỏ. Mẹ là giáo viên dạy Văn ở một trường cấp 2 gần nhà còn bố là nghệ sỹ nhiếp ảnh nên Thơ sớm được tiếp xúc với những tác phẩm văn học qua lời kể của mẹ, sự đam mê sáng tạo qua những bức ảnh của cha. Chị gái rồi đến Thơ, có lẽ bởi tác động của môi trường sống nên say mê và ngay từ khi học tiểu học đã bộc lộ những năng khiếu về văn thơ.
Kỷ niệm ngày đầu của Thơ là những lần núp sau nhà, nghe lỏm mẹ dạy Văn cho các anh chị (mẹ Thơ mở lớp dạy thêm Văn ở nhà). Những lần học “vụng trộm” ấy càng khiến đam mê của Thơ thêm cháy bỏng. Sau này, hiểu được mong muốn của con nên mẹ Thơ đã đầu tư nhiều hơn thời gian để trang bị thêm những kiến thức về văn học cho Thơ và chị gái. Nhờ sự quan tâm, truyền đạt tận tình của mẹ, năm học lớp 9, Thơ đã xuất sắc giành giải Nhất môn Văn toàn tỉnh Nghệ An, riêng chị gái Thơ, khi ấy đang là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu còn xuất sắc hơn khi đạt giải Ba Văn toàn quốc.
Vào trường chuyên của tỉnh với số điểm xuất sắc, Thơ có quyền chọn cho mình một môn chuyên có đầu ra tốt hơn vì Thơ học đều các môn, nhưng sau cùng cô học trò nhỏ này vẫn chọn Văn để tiếp tục đam mê của mình. Ở một mình nơi thành phố xa lạ (lúc này chị gái đã chuyển ra Hà Nội học ĐH Ngoại Thương), không có mẹ kèm cặp hướng dẫn thường xuyên nhưng cũng từ đây Thơ học được thói quen tự lập và nghĩ ra những cách học, cách ứng dụng thực tế rất đặc biệt.
Phóng viên trò chuyện với em Chu Minh Anh Thơ.
Làm văn bằng công thức toán học
Năm lớp 11, lần đầu tiên được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi quốc gia HSGQG môn Văn và Thơ đã giành giải Ba. Chứng minh được bản thân không hề thua kém người chị gái đi trước nhưng Thơ quan niệm rằng, mình còn có thể làm được nhiều hơn thế nếu nghĩ ra cách học hiệu quả hơn. Sau rất nhiều những mày mò, tìm kiếm, Thơ đã đúc kết được rằng: Một bài văn cũng như một bài toán vậy, nó đều có công thức để cho ra kết quả và bắt buộc học sinh phải tư duy hòng tìm ra những công thức đơn giản nhất.
Cứ như thế, khi tham khảo qua sách báo cũng như học ứng dụng vào bài vở, Thơ đều tư duy rất nhiều. Thơ cho biết: Làm văn thì yêu cầu phải có cảm hứng, nhưng để có được cảm hứng thì bản thân người viết phải biết cách tạo ra nó. Để có một bài văn hay cần rất nhiều yếu tố và trước khi đặt bút viết, bản thân phải xác định được mình viết cái gì, viết như thế nào, viết cái nào trước, cái nào sau. Nói tóm lại, dàn ý cho một bài văn cũng giống như một công thức để giải một bài toán vậy, nó phải đầy đủó, chi tiết, không được sót bất cứ chi tiết nào. Xưa nay, học sinh phổ thông thường coi nhẹ dàn ý cho các bài văn và sau đó tự làm khó mình, bởi giải văn khi bị tắc thì rất khó để tìm lại cảm hứng viết tiếp, thành ra tác phẩm không được như ý mình mong muốn.
Câu chuyện của Thơ là một ví dụ. Nhớ lại lần đầu tiên thi HSGQG, Thơ chú trọng nhiều hơn tới văn từ mà quên mất rằng, phải làm dàn ý thật kỹ và vì thế, em chỉ giành giải Ba. Đến lần thi thứ 2 vừa được tổ chức, Thơ rất tự tin khi đã rút được kinh nghiệm từ lần thi đầu tiên và giải Nhất là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của em suốt thời gian qua.
Làm văn bằng công thức toán học, một cách suy nghĩ táo bạo nhưng chính bí quyết đó đã mang lại thành công lớn cho Chu Minh Anh Thơ. Đang là học sinh cuối cấp, Thơ cũng đang nghiên cứu công thức để thành công trong tương lai và trước mắt là việc chọn cho mình một ngôi trường đại học thích hợp để theo học. Trong câu chuyện với người viết, Thơ cho thấy bản thân không hề chịu sức ép trước việc bạn bè đua nhau chọn các ngành khối tự nhiên để theo học. Thơ tâm sự rằng, là người trẻ phải biết sống và hành động theo lý tưởng, sự đam mê của mình, nếu cứ ép bản thân theo một thứ không phải là đam mê của mình thì rất dễ bị thui chột.
Ước mơ của cô bé hạt tiêu
Đã là học sinh cuối cấp, chuẩn bị vào đại học nhưng Thơ trông bé xíu, chẳng khác gì một học sinh Trung học cơ sở. Bạn bè và thấy cô đùa rằng: "Chắc trong người Thơ có quá nhiều chữ nên không lớn lên được và đặt cho Thơ biệt danh cô bé hạt tiêu. Cô Lê Thị Tâm, giáo viên chủ nhiệm của Thơ cho biết: Thơ có đam mê văn chương và học giỏi ngay từ khi mới bước vào trường. Tuy nhiên, ngoài Văn với điểm tổng kết 9,6, Thơ còn học đều các môn và điểm tổng kết đều trên 9.
Nói về những dự định trong tương lai, Thơ cho biết: "Em phải học thật giỏi để chứng minh cho bạn bè thấy, văn chương có những giá trị rất hay và không ai được phép coi rẻ. Em rất buồn khi đi ra đường, nhiều người hỏi rằng, em học môn chuyên gì ở trường Phan Bội Châu, và nếu câu trả lời là Văn thì ngay lập tức nhận được cái bĩu môi coi thường. Xã hội và thậm chí là chính các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường đang có những suy nghĩ lệch lạc về những giá trị văn chương, lịch sử và bản thân em rất muốn góp một chút gì đó để thay đổi nhận thức của mọi người. Khi xưa trong lịch sử, văn chương rất được coi trọng và dường như nó là tiêu chí để đánh giá người tài thì nay nó cũng xứng đáng được coi trọng
Không tiết lộ về dự định sẽ thi và học trường gì trong tương lai nhưng Thơ cho biết, em sẽ quyết tâm theo đuổi đam mê văn chương của mình. Mong muốn của em là sau này trở thành một nhà phê bình văn học để có thể giúp thế hệ đi sau hiểu và trân trọng hơn những giá trị văn chương.
Năm nào trường chuyên Phan Bội Châu của Nghệ An cũng có HSG Quốc gia. Thế nhưng, giải Nhất của Anh Thơ mang nhiều ý nghĩa khiến tất cả phải để ý, bởi đơn giản khi văn chương chưa được nhiều người nhận thức đúng đắn về giá trị thì đó là dịp để mọi người cùng suy ngẫm, vì suy cho cùng, học văn không chỉ để kiếm tìm nghề nghiệp mà còn giúp con người nâng cao tầm văn hóa.
“Giải nhất của Thơ là một thông điệp”
"Nhà trường rất lấy làm tự hào khi em Chu Minh Anh Thơ giành giải Nhất môn Văn quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng cho Thơ vì trong thời gian qua, em đã rất nỗ lực và đặc biệt là có những bí quyết rất riêng, rất đặc biệt để học Văn một cách hiệu quả. Thành công của em Thơ cũng là thông điệp mà nhà trường muốn gửi tới các phụ huynh, các em học sinh rằng, môn Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung cũng có rất nhiều giá trị và cần suy nghĩ và học tập một cách nghiêm túc. Nếu chọn một ngành tự nhiên cho nghề nghiệp tương lai thì những giá trị văn học, lịch sử cũng rất cần thiết bởi nó nâng tầm văn hóa, đưa văn hóa vào thực tiễn giúp con người sống có văn hóa hơn".
Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2011-2012, tỉnh Nghệ An có 84 học sinh dự thi ở 11 môn. Kỳ thi đã diễn ra trong 2 ngày 11,12/1/2012. 84 học sinh dự thi HSGQG của tỉnh Nghệ An đều là học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Kết quả, có 70 học sinh đoạt giải HSG Quốc gia. Trong đóỏ, ba giải Nhất môn Tin học, Hóa học, Văn học thuộc về 3 em: Thái Đình Phúc- học sinh lớp 11A2 (Tin), em Trương Đình Thống học sinh lớp 12A4 (Hóa học), em Chu Minh Anh Thơ học sinh lớp 12C1 (Văn học); 14 em đoạt giải Nhì; 34 giải Ba và 19 giải Khuyến khích.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành