EVN thừa nhận có trên 80 trận động đất ở Sông Tranh 2
Thứ năm, 19/04/2012 14:32

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Tỉnh Ủy Quảng Nam, EVN thừa nhận đã có trên 80 trận động đất xảy ra ở Thủy điện Sông Tranh 2 vì vậy thân đập bị chuyển vị đứng, chuyển vị ngang và có 10/30 khe nhiệt của đập bị dịch chuyển rộng ra khoảng 6mm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 18/4, đoàn công tác của Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kiểm tra, giám sát vụ Thủy điện Sông Tranh 2.

Sau khi thị sát trong thân đập, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Quản lý dự án thủy điện 3 và cho biết: “Đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra nước rò rỉ qua thân đập. Mực nước hồ chứa đã giảm xuống 20m nhưng trong thân đập nước vẫn còn thấm”.

Đoàn công tác Tỉnh ủy Quảng Nam thị sát bên trong thân đập sáng 18/4

Đoàn công tác Tỉnh ủy Quảng Nam thị sát bên trong thân đập sáng 18/4

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án thủy điện 3, đến ngày 31/3, trên 95% lượng nước thấm ra bề mặt bê tông hạ lưu tại các khe nhiệt đã thu được về các hành lang thân đập. Các vị trí thấm ra hạ lưu tại các khe nhiệt chỉ còn làm ẩm bề mặt bê tông, một số ít khe nhiệt còn chảy rất nhỏ có lưu lượng rất nhỏ.

Việc giảm lượng thấm là do từ ngày 22/3-31/3 các đơn vị đã tiến hành thu gom nước thấm vào các hành lang trong thân đập bằng cách khoan 9 lỗ khoan phi 100mm tại các khe nhiệt trong các hành lang. Hiện tổng lưu lượng nước thấm 75 lít/giây vẫn còn lớn nên phải có biện pháp làm giảm lưu lượng thấm.

Giải pháp để khắc phục việc này là khoan và phụt chất keo chống thấm Poluyrethan vào phía thượng lưu khe và dán vật liệu chặn nước là tấm nhựa SR vào bề mặt thượng lưu khe.

Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 khẳng định: “Giải pháp trên đã được Bộ Công Thương, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, EVN, cơ quan tư vấn thiết kế, Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tổng thầu thống nhất cao.

Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị để triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay. Công tác quan trắc động đất, các thông số lưu lượng thấm, độ co giãn khe nhiệt, áp lực thấm nền đập, ứng suất trong bê tông thân đập, nhiệt độ thân đập đang được theo dõi thường xuyên, chặt chẽ”.

“Đã có trên 80 trận động đất xảy ra ở Thủy điện Sông Tranh 2, ít nhiều có ảnh hưởng đến Thủy điện Sông Tranh 2. Vì vậy thân đập có bị chuyển vị đứng, chuyển vị ngang nhưng vẫn nằm trong con số cho phép. Trong 30 khe nhiệt, có đến 10 khe nhiệt bị nở ra tương đối lớn với bề rộng 6mm, chiếm đến 78% lượng nước thấm qua đập bằng các khe này”, ông Hải thừa nhận.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam  đề nghị: “Tôi đi kiểm tra, thị sát trong thân đập sáng nay, được biết bê tông thân đập rất dày, nhưng nước vẫn thấm qua thân đập. Nếu như vậy, về lâu dài chắc chắn sẽ không an toàn cho công trình. Đề nghị Ban Quản lý dự án thủy điện 3 giải thích rõ việc này”.

Tuy nhiên ông Trần Văn Hải chưa được ra được câu trả lời chính thức tại cuộc họp.

Sau ý kiến của lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Nam Dương Chí Công khẳng định: “Sáng nay, tôi đi vào trong thân đập thấy nước chảy ào ạt như báo chí đã phản ánh. Đề nghị EVN dùng thiết bị, máy móc chuyên dụng đo để kiểm tra thật kỹ xem có vết nứt nào trong thân đập mà mắt thường không nhìn thấy được không”.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn yêu cầu EVN giải thích về lượng nước thấm qua thân đập lên đến 75 lít/giây; vết trám dài trên phía thượng lưu thân đập như báo chí thông tin; biện pháp xử lý, khắc phục của EVN như thế nào…

Ông Trần Văn Hải cho rằng: “Theo quy phạm đập đầm lăn ở Việt Nam chưa có chỉ tiêu nào đánh giá nước thấm qua thân đập. Vì chỉ tiêu này xác định rất phức tạp. Con số nước thấm qua thân đập do EVN đưa ra dựa trên “kinh nghiệm” thôi! Việc xử lý, khắc phục dưới nước, chúng tôi không làm được, hiện chúng tôi đang thuê chuyên gia nước ngoài làm việc này”.

 Sáng 18/4, hiện tượng nước chảy qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 đổ về hạ lưu vẫn xuất hiện.

Sáng 18/4, hiện tượng nước chảy qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 đổ về hạ lưu vẫn xuất hiện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang bức xúc: “Yêu cầu EVN không được nói chung chung. Nói là đến 30/7 tới sẽ khắc phục xong, nếu không khắc phục xong chúng tôi sẽ không cho tích nước nữa để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn người dân vùng hạ lưu. EVN cần phải minh bạch, nói cho chắc chứ không được “thậm thò thậm thụt” như trước đây!”.

Trả lời ý kiến của Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Văn Hải nói: “Hội đồng các nhà khoa học tham gia phản biện công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đủ để tin cậy rồi vì đây là các nhà khoa học “trùm” về đầu ngành đang giảng dạy, quản lý ở các trường đại học trong nước”.

Kết luận, ông Lê Phước Thanh khẳng định: “Vấn đề Thủy điện Sông Tranh 2 bị sự cố là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhân dân Quảng Nam vùng hạ lưu. Yêu cầu phải xác định lại chất lượng công trình có đảm bảo hay không để an dân mặc dù công trình đã được nghiệm thu. Nước thấm qua thân đập hạ lưu là không được phép, làm cho dư luận xôn xao.

Nếu có sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ di dời người dân và Quảng Nam sẽ xây dựng phương án di dời người dân ngay. Trước mùa mưa bão năm nay, nếu EVN không xử lý được sẽ không cho tích nước trong hồ chứa. Đảm bảo an toàn cho dân và an dân là trên hết. Chính quyền Quảng Nam sẽ tiếp tục kiến nghị việc này với Chính phủ và Quốc hội”.

Bee
Tag: Sự cố thủy điện Sông Tranh 2 , Vết nứt thủy điện Sông Tranh 2 , Thủy điện Sông Tranh bị nứt , Đập thuỷ điện , Động đất , Quảng Nam