Euro 2012: Triết lý nào sẽ lên ngôi?
Thứ hai, 28/05/2012 10:59

Gần như tất cả các đội bóng lớn đều chuyển sang chơi với sơ đồ 4-2-3-1. Thế nên, sự khác biệt giữa họ, nếu có, sẽ là sự khác biệt về triết lý, về tư duy, chứ không phải về sơ đồ...

Mấy năm gần đây, người ta cứ hay nhắc đến 4-2-3-1 như một thứ đội hình chiến thuật thời thượng. Đúng là thời thượng thật vì nó được áp dụng ở khắp các đội bóng. Đơn giản, nó có thể linh hoạt trở thành 4-3-3 hay 4-4-2, 4-2-4 trong tấn công và dễ dàng co về lại là 4-5-1, thậm chí là 4-6-0 khi phòng ngự. Nhìn Chelsea lên ngôi ở FA Cup, ở Champions League; nhìn Man City vô địch Premiership, nhìn Montpellier lần đầu làm vua Ligue 1 hay xem Real thống trị La Liga đều với sơ đồ 4-2-3-1 là đủ hiểu đội hình ấy được ưa chuộng như thế nào. Nhưng thực ra, nền tảng của 4-2-3-1 đã được đặt ra từ 15 năm trước, với một cái tên đáng được lưu danh: Aime Jacquet.

Euro 2012, triết lý nào sẽ lên ngôi?

Khi nhận tuyển Pháp, Aime Jacquet vứt ngay sơ đồ 4-4-2 với viên kim cương truyền thống ở giữa để đổi sang chơi 4-1-4-1 và ông đã bị người Pháp chỉ trích vì tội “làm mất đi vẻ đẹp hào hoa phong nhã của bóng đá Pháp”. Nhưng sau đó ông đã đưa Pháp trở thành pháo đài bất khả xâm phạm. Thực chất, Aime Jacquet đã hình dung ra 4-2-3-1 nhưng vì lý do nhân sự, ông không xếp hai tiền vệ trung tâm chơi cạnh nhau như ngày nay mà để một người quét ở dưới (Deschamps) và một người chơi nhô cao hơn (Karembeu). Roger Lemerre đã tiếp tục ý tưởng của Jacquet khi thay Karembeu bằng Vieira và Pháp chính thức dùng 4-2-3-1 ở EURO 2000. Từ đó, đội hình được coi là chuẩn ấy đã trở thành thời thượng.

Gần đây giới chuyên môn lại nhắc đến TBN với tiqui-taca và nhiều người nghĩ rằng họ  chơi 4-3-3 nhưng thật ra là sai lầm. TBN cũng chơi 4-1-4-1 ở EURO 2008 như Pháp 1998 và sau đó là 4-2-3-1 ở World Cup 2010 với Busquets thay Senna ở trung tâm hàng tiền vệ. Nhưng vì sao sơ đồ 4-2-3-1 của TBN lại tạo ra khác biệt so với các sơ đồ 4-2-3-1 khác? Đơn giản, 4-2-3-1 chỉ là cái định dạng. Còn tinh thần của TBN lại lấy từ cảm hứng Catalan với tiqui-taca, tức chuyền bóng sệt, ngắn và bóng vận hành liên tục. Như vậy, bản sắc đội bóng không nằm ở 4-2-3-1 hay 4-3-3 mà nằm ở triết lý chơi bóng.

Mùa EURO này chắc chắn sẽ vẫn không thể thoát khỏi sự thống trị của 4-2-3-1 vì tính khoa học của nó. Bóng đá là cuộc chơi nhân sự đau đầu khi chỉ trong giới hạn 11 người, HLV phải toan tính quân số công thủ sao cho hiệu quả nhất. 4-2-3-1 cho phép giải bài toán ấy tối ưu ở giai đoạn này và nó là lựa chọn của nhiều HLV. Vậy thì đừng hỏi sơ đồ chiến thuật nào sẽ lên ngôi mà hãy hỏi “Triết lý nào sẽ lên ngôi trong định dạng 4-2-3-1 thời thượng hôm nay?”.

BongdaPlus
Tag: Euro 2012 , Tây Ban Nha , Hà Lan , Pháp , Bóng đá