Euro 2012: Cuộc chiến giữa Đông và Tây
Thứ sáu, 15/06/2012 10:00

Những ngày qua, cả châu Âu nóng rực chuyện các cổ động viên quá khích của Nga và Ba Lan đã khiến cho giải bóng đá Euro 2012 sặc mùi chính trị.

Tổng thống Nga đã có cuộc nói chuyện với thủ tướng Ba Lan chung quanh vấn đề bạo loạn tại giải đấu này. Những cáo buộc trước đó về phân biệt chủng tộc càng làm đậm thêm việc giải đấu giảm đi ý nghĩa của tinh thần thể thao, tính cao thượng.

“This is Russia” (Đây là nước Nga), lá cờ khổng lồ được cổ động viên Nga căng ra tại sân vận động quốc gia ở Warsaw, Ba Lan khiến nhiều người Ba Lan khó chịu.

Biến cố chính trị hơn 20 năm trước đã dẫn tới sự sụp đổ của khối Đông Âu, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh giữa phương Đông và phương Tây kéo dài hơn bốn thập kỷ. Ba Lan, nằm sát biên giới với Đức, đã ngả hẳn về phương Tây bằng việc lần lượt gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) rồi Liên minh châu Âu (EU).

Nga, với vai trò là linh hồn của khối Đông Âu trước đây, vẫn muốn tiếp tục giữ một vị thế riêng ở phía EUFA. Biên giới phương Tây không ngừng được mở rộng suốt 20 năm qua, khiến Nga không thể yên tâm. Nga vẫn bị “mang tiếng” luôn tìm cách kiểm soát Ba Lan, biến nước này thành một vùng đệm giữa mình với phương Tây.

Ngày 12.6, khi Ba Lan đối đầu Nga trên sân vận động quốc gia ở Warsaw, là ngày quốc lễ ở Nga, đánh dấu sự kiện nước này chính thức tách khỏi Liên bang Xô Viết vào năm 1992. Trên khán đài, cổ động viên Nga căng ra một lá cờ lớn với hình người lính cầm khiên và kiếm cùng dòng chữ “This is Russia” (Đây là nước Nga).

Thông điệp đó gợi lại quá khứ đau thương giữa hai dân tộc, khi Nga từng chiếm đóng Ba Lan trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hay ảnh hưởng lớn đến Ba Lan với vai trò người anh cả trong khối Đông Âu. Chính hành động đó của cổ động viên Nga đã làm gia tăng căng thẳng với những người Ba Lan vốn chưa chịu quên chuyện quá khứ.

Ở Warsaw, cổ động viên Nga vẫn vô tư đi lại, hò hét và nhảy múa trên đường phố như đang ở nhà mà không e ngại bất cứ rắc rối nào có thể đến từ người Ba Lan. Cần đánh nhau, người Nga đủ liều lĩnh và lỳ lợm để tấn công cả cổ động viên lẫn lực lượng an ninh của nước chủ nhà, gây ra một sự cố đáng xấu hổ trong ngày hội của bóng đá châu Âu mà EUFA gọi là “vết nhơ”.

Nhưng người Nga đủ khôn ngoan, họ đánh nhau khi cần ra tay, và biết rút lui khi tình thế không cho phép. Trận đấu kết thúc, giữa vòng vây của lớp lớp cảnh sát chống bạo động Ba Lan, người Nga lặng lẽ rút khỏi sân vận động. Trong khi đó, do không thể trả thù những người Nga cho vụ ẩu đả trước trận, cổ động viên Ba Lan lại quay sang tự gây sự với chính cảnh sát của nước mình, tạo ra những vụ trấn áp và bắt bớ ở trung tâm Warsaw khiến cổ động viên các nước một phen hốt hoảng vì vạ lây.

Liên minh châu Âu giúp Ba Lan xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó những con đường cao tốc hiện đại mà một nhánh đang hướng về biên giới Ukraine – tấm lá chắn cuối cùng ngăn cách Nga với phương Tây về mặt địa lý. Dù có nhiều biến cố đã xảy ra, dù Ba Lan đã ngả hẳn về phương Tây, thì ảnh hưởng của nước Nga ở Ba Lan vẫn còn đó.

Ngay tại thủ đô Warsaw, cạnh Fanzone, cung Văn hoá – khoa học do những người Nga xây dựng vẫn nằm sừng sững, như một dấu ấn không thể phai mờ của nước Nga ở Ba Lan. Công trình cổ kính và hùng vĩ mang tính biểu tượng của Warsaw ấy, nơi tái hiện những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học của đất nước Ba Lan, là toà nhà cao nhất nước này, và cao thứ tư tại châu Âu.

Khi Liên đoàn bóng đá châu Âu, với nòng cốt là những thành viên có tiếng nói đáng kể như Đức, Anh hay Pháp, cho phép Ba Lan và Ukraine đăng cai EURO 2012, đó không còn là một quyết định mang tính thể thao đơn thuần. Thông qua con đường bóng đá, ảnh hưởng của phương Tây lên Ba Lan, và đặc biệt là Ukraine, sẽ ngày càng lớn hơn.

Cuộc chiến trên sân cỏ giữa Ba Lan và Nga đã kết thúc bất phân thắng bại. Nhưng ngoài sân cỏ, những cuộc chiến khác, lôi kéo, tranh giành sự ảnh hưởng giữa phương Đông và phương Tây, chắc chắn sẽ còn kéo dài bắt đầu từ việc UEFA sẽ phạt Nga và Ba Lan như thế nào và ra sao?!

SGTT
Tag: Euro 2012 , Anh , Pháp VCK Euro 2012 , Bóng đá , Vô địch châu Âu , Anh - Pháp , Chính trị ,