Euro 2004: Chuyện thần thoại Hy Lạp
Thứ năm, 31/05/2012 14:59

Hy Lạp dưới sự dẫn dắt của HLV Otto Rehhagel đã làm nên một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử của Euro khi lên ngôi trong sự ngỡ ngàng của giới túc cầu giáo.

Top bàn thắng đẹp ở Euro 2004

Trước khi VCK Euro 2004 khởi tranh, người ta nói nhiều đến những siêu sao và những đội tuyển hàng đầu sẽ cạnh tranh cho danh hiệu vô địch châu Âu. Nhưng rốt cuộc, một tập thể gồm những cầu thủ có trình độ trung bình đã bước lên đỉnh châu Âu.

Hy Lạp bước vào giải đấu với phận của kẻ ngoài cuộc. Song cũng có ít người để ý đến sự thăng tiến của ở chiến dịch vòng loại. Sau hai trận thua đầu tiên, Hy Lạp thắng liền 6 trận còn lại và không thể lọt lưới để giành vé dự VCK.

Và trong gần một tháng trời ở Bồ Đào Nha, với lối chơi chắc chắn và thực dụng, Hy Lạp đã lần lượt vượt qua hết đội bóng này đến đội bóng khác, để lên ngôi vô địch dưới sự chèo lái của nhà cầm quân người Đức dày dạn kinh nghiệm - Otto Rehhagel.

Hy Lạp viết nên một câu chuyện thần thoại ở Euro 2004

Rehhagel đã tài tình siết chặt tình đoàn kết của toàn đội với một kỷ luật thép và họ sớm tạo được bất ngờ khi hạ đội chủ nhà Bồ Đào Nha 2-1 ở trận mở màn. Họ cầm hòa Tây Ban Nha 1-1 sau đó, nên dù để thua Nga 1-2 ở trận cuối cùng, họ vẫn may mắn góp mặt ở tứ kết.

Tại tứ kết, nhà ĐKVĐ Pháp không thể đối đầu được sự quyết tâm và nỗ lực của Hy Lạp. Đến bán kết, nạn nhân tiếp theo của Hy Lạp là CH Séc, đội được đánh giá rất cao khi đó với màn trình diễn hết sức thuyết phục, bị loại theo luật bàn thắng Bạc, với ngôi sao Pavel Nedved dính chấn thương phải rời sân ngay trong hiệp 1.

Trận chung kết ở Lisbon là cuộc tái đấu giữa hai đội đã gặp nhau ở trận khai mạc. Bồ Đào Nha dưới sự dẫn dắt của Felipe Scolari hy vọng sẽ báo thù thành công từ sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà, nhưng dĩ nhiên người Hy Lạp lại có suy nghĩ khác.

Video Clip trận chung kết Euro 2004

Giống như những trận đấu trước, hàng thủ của Hy Lạp tỏ ra vô cùng chắc chắn dưới sự chỉ huy của Traianos Dellas, bên cạnh một hàng tiền vệ giàu sức cạnh tranh với sự có mặt của cầu thủ xuất sắc nhất giải Theodoris Zagorakis, cùng một tiền đạo chớp thời cơ rất giỏi là Angelos Charisteas đã phá vỡ tan nát hàng triệu con tim Bồ Đào Nha. Pha đánh đầu chính xác của Charisteas từ quả phạt góc đã biến giấc mơ của người Hy Lạp trở thành hiện thực.

Các ngôi sao được kì vọng lớn lao để lại nỗi thất vọng. Zidane và Pháp, dù làm nên một cú lội ngược dòng trước tuyển Anh, song không thể vượt qua được chính mình. Tuyển Anh và Beckham cũng được hứa hẹn nhiều, cùng sự bùng nổ của thần đồng Rooney.

Tây Ban Nha và Italia thậm chí còn không thể vượt qua vòng bảng, trong khi Hà Lan được kỳ vọng đã dừng bước ở bán kết trước Bồ Đào Nha. Và cuối cùng, đội bóng không có ngôi sao đã chinh phục toàn châu Âu. Thành công bất ngờ của Hy Lạp để lại một công thức thành công cho toàn châu lục: nỗ lực, tin tưởng, vận may cần thiết, tinh thần thi đấu không khoan nhượng thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Kết quả cụ thể:

Bảng A:

Bồ Đào Nha 1 - 2 Hy Lạp

Tây Ban Nha 1 - 0 Nga

Hy Lạp 1 - 1 Tây Ban Nha

Nga 0 - 2 Bồ Đào Nha

Tây Ban Nha 0 - 1 Bồ Đào Nha

Nga 2 - 1 Hy Lạp

Bảng B:

Thụy Sĩ 0 - 0 Croatia

Pháp 2 - 1 Anh

Anh 3 - 0 Thụy Sĩ

Croatia 2 - 2 Pháp

Croatia 2 - 4 Anh

Thụy Sỹ 1 - 3 Pháp

Bảng C:

Đan Mạch 0 - 0 Italy

Thụy Điển 5 - 0 Bulgaria

Bulgaria 0 - 2 Đan Mạch

Italy 1 - 1 Thụy Điển

Italy 2 - 1 Bulgaria

Đan Mạch 2 - 2 Thụy Điển

Bảng D:

CH Czech 2 - 1 Latvia

Đức 1 - 1 Hà Lan

Latvia 0 - 0 Đức

Hà Lan 2 - 3 CH Czech

Hà Lan 3 - 0 Latvia

Đức 1 - 2 Czech

Tứ kết

Bồ Đào Nha 2 - 2 Anh (BĐN thắng luân lưu 6-5)

Pháp 0 - 1 Hy Lạp

Thuỵ Điển 0 - 0 Hà Lan (Hà Lan thắng luân lưu 5-4)

Czech 3 - 0 Đan Mạch

Bán kết

Hà Lan 1 - 2 Bồ Đào Nha

Czech 0 - 1 Hy Lạp (Hy Lạp ghi bàn thắng bạc)

Chung kết

Bồ Đào Nha 0 - 1 Hy Lạp

Bạn có biết:

Italia bị loại tức tưởi dù ghi bàn ở những phút cuối để giành chiến thắng trước Bulgaria, bởi ở trận cùng giờ Thụy Điển và Đan Mạch hòa nhau với tỷ số 2-2, cùng dắt tay đi tiếp.

HLV Scolari dẫn dắt Bồ Đào Nha vượt qua Anh ở tứ kết, tái lặp hình ảnh ông đưa Brazil đánh bại Tam sư ở tứ kết World Cup 2002.

Hy Lạp đánh bại  Bồ Đào Nha ở trận khai mạc, rồi tiếp tục vượt qua đội bóng này ở trận chung kết để lên ngôi vô địch.

Top ghi bàn

5: Milan Baros (CH Czech)

4: Wayne Rooney (Anh), Ruud van Nistelrooy (Hà Lan)

3: Jon Dahl Tomasson  (Đan Mạch), Zinédine Zidane (Pháp), Frank Lampard (Anh), Henrik Larsson (Thụy Điển), Angelos Charisteas (Hy Lạp)

2: Rui Costa (Bồ Đào Nha), Marek Heinz (CH Czech)

Đội hình tiêu biểu:

Petr Čech (CH Czech), Traianos Dellas (Hy Lạp), Ricardo Carvalho (Bồ Đào Nha), Giourkas Seitaridis (Hy Lạp), Gianluca Zambrotta (Italia), Maniche (Bồ Đào Nha), Pavel Nedvěd (CH Czech), Theodoros Zagorakis (Hy Lạp), Milan Baroš (CH Czech), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Wayne Rooney (Anh)

Hướng tới Euro 2012, lịch sử các vòng Chung kết Euro sẽ liên tục được chúng tôi cập nhật trong chuyên mục Bóng đá của Xahoi.com.vn. Mời quý vị độc giả đón xem Lịch sử Euro 2008 vào 15h ngày 3/6!

 

Thiên Thanh
Tag: Euro , Euro 2012 , Lịch sử Euro , Euro 2004 , Bóng đá