Ép học sinh 'tự nguyện học thêm'
Thứ ba, 11/11/2014 13:42

Để thích ứng với quy định mới của Sở GD-ĐT TP.HCM về dạy thêm học thêm, nhiều trường THPT trên địa bàn TP đã tìm cách lách để thu hút học sinh học thêm tại trường.

Ép học sinh 'tự nguyện học thêm'

Ép học sinh 'tự nguyện học thêm'

Khó tìm được một học sinh bậc trung học tại TP.HCM mà không học thêm. Không chỉ học thêm ở nhà thầy cô hay các trung tâm bên ngoài, các em còn phải học thêm ngay tại trường mình.

“Đơn xin tự nguyện học thêm”

Đầu năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản quy định nhà trường không tiếp tục tổ chức dạy học tăng tiết trái buổi có thu tiền của học sinh như đã tiến hành ở những năm học trước.

Hình thức “cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ” trong trường cũng buộc phải dừng hoạt động. Thay vào đó, các trường muốn tổ chức tăng tiết phải lập hồ sơ xin cấp phép tổ chức dạy thêm học thêm và được sở phê duyệt.

Sở hướng dẫn rất rõ việc dạy thêm học thêm này: thu học phí theo quy định, không cắt nội dung chính khóa đưa vào dạy thêm, không dạy trước chương trình, học sinh tham gia tự nguyện, có sự đồng ý của học sinh, không được biên chế lớp học thêm theo danh sách như lớp chính khóa mà phải chia lớp tùy theo trình độ và nhu cầu học sinh.

Học sinh mừng rỡ với quy định mới này, song các hiệu trưởng thì đau đầu bởi chất lượng dạy học của trường có thể đi xuống khi chỉ sử dụng thời lượng chính khóa sẽ không đảm bảo học sinh theo được chương trình. Chính vì vậy, nhiều biện pháp ép học sinh “tự nguyện” học thêm cũng được triển khai theo tình hình mới.

Quy định ra đời, tờ “Đơn xin đăng ký/tự nguyện học thêm” cũng ra đời để “hợp thức hóa” quy định. Chị Y.L., một phụ huynh tại Q.Bình Thạnh, cho chúng tôi xem tờ “đơn xin đăng ký học thêm” mà nhà trường phát cho học sinh và phụ huynh.

Nội dung được in sẵn: “Nay em làm đơn này kính xin ban giám hiệu sắp xếp cho em được học thêm một số môn văn hóa, nhằm tăng thêm giờ làm bài tập, hiểu rõ hơn bài học, nâng cao kiến thức, ôn luyện thật tốt nhằm làm nền tảng cho việc vào đại học sau này”.

Phía dưới là ý kiến, chữ ký đồng ý của phụ huynh và chữ ký của học sinh. Kèm theo đơn là một phiếu đăng ký học thêm có kẻ ô sẵn để học sinh đăng ký môn học, tên giáo viên, thông tin liên lạc của gia đình.

Chị L. bức xúc: “Một hình thức bắt buộc nhưng lại nói là tự nguyện. Nói học thêm không ép buộc nhưng lại phát phiếu khắp lớp, học sinh và phụ huynh không muốn phiền toái đành đăng ký học, bởi không học thì bị dọa là ảnh hưởng đến kết quả chung”.

Khá nhiều trường THPT phát hành mẫu đơn này cho học sinh và phụ huynh sau khi sở có hướng dẫn vấn đề “học thêm tự nguyện”.

B.M., học sinh lớp 11 tại Q.Gò Vấp, cho biết: “Trường vừa tổ chức họp phụ huynh và cho ba mẹ tự đăng ký học thêm nên ý kiến của chúng em cũng không được coi trọng, dù trường nói học thêm bây giờ là do học sinh tự nguyện. Học chính khóa rất mệt mỏi rồi, em muốn buổi còn lại được nghỉ ngơi, vui chơi, tuổi học trò không chỉ có học và học. Việc học thêm ở trường khiến chúng em bị gò bó, không thoải mái, kiến thức thu nạp được cũng rất ít vì các thầy cô dạy cả ngày cũng đã mệt”.

Trường không dám “buông tay”

Qua khảo sát một số trường đã cho học sinh tự nguyện đăng ký học thêm, nhiều trường có tỉ lệ đăng ký chỉ 20-30%, trong khi các năm học trước tỉ lệ học sinh học thêm (tức học tăng tiết trái buổi) luôn nằm ở tỉ lệ “vàng”: 80-90%.

Tại một trường THPT ở Q.Phú Nhuận, tỉ lệ học sinh tham gia học thêm tại trường năm học trước là 100%, năm nay cho học sinh tự nguyện đăng ký chỉ còn 25%.

Hiệu trưởng trường này lo lắng: “Bốn năm nay mình tổ chức hoạt động tăng tiết, điểm trung bình thi đại học tăng dần theo từng năm, phụ huynh rất yên tâm. Năm nay học sinh đăng ký ít, quy định tổ chức lớp theo đăng ký từng môn chứ không theo biên chế lớp chính khóa, có lớp 40 học sinh nhưng có lớp chỉ mười mấy em. Việc này sẽ dẫn đến chuyện học sinh báo với cha mẹ là đi học nhưng lại không đến lớp mà đi chơi, trường không thể kiểm soát nổi. Những học sinh có học lực dưới trung bình lại là những em không bao giờ tự nguyện đăng ký học thêm”.

Nhà trường phải tự tăng tiết học chính khóa ở một số môn như vật lý, hóa học, toán, văn cho học sinh mà không thu tiền nhằm đảm bảo học sinh theo được chương trình.

Tương tự tại Q.11, một hiệu trưởng cho biết số học sinh đăng ký học thêm tại trường chỉ khoảng 35%, trong khi năm học trước tỉ lệ này là 85%. Trường đang tiến hành cho học sinh đăng ký lần hai để lấy ý kiến học sinh chính thức trước khi bắt đầu khóa học thêm theo quy định mới.

Trong khi đó, một đơn vị có số học sinh đăng ký trên 80% cho biết: “Phải tổ chức đăng ký đến lần thứ ba mới có được kết quả này, vì ban đầu học sinh tự đăng ký rất ít. Giáo viên chủ nhiệm phải làm công tác tư tưởng với phụ huynh, thuyết phục họ thấy cái lợi của việc học thêm tại trường, đỡ khâu đưa đón, quản lý dễ, học phí thấp hơn các trung tâm bên ngoài (từ 5.000-6.000 đồng/tiết), lực học của học sinh có tiến bộ, khả năng đậu các kỳ thi cao hơn, rồi có thêm sự tác động của phụ huynh thì học trò mới đăng ký. Bởi học sinh đa số là muốn nghỉ, hiếm em nào muốn đi học”.

Đa số các trường có mức thu học phí học thêm thấp (dưới 7.000 đồng/tiết) có tỉ lệ học sinh đăng ký học cao hơn những trường khác. Theo một số hiệu trưởng thì mức thu tối đa sở cho phép là 12.000 đồng/tiết và nhiều trường đang áp dụng mức thu này.

Trong khi đó, một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ở Q.5 cho biết: “Phải thừa nhận nhà trường được hưởng lợi từ việc tổ chức dạy thêm ngay tại trường. Tận dụng được cơ sở vật chất, chỉ phải chi 60-65% học phí thu được cho giáo viên, số còn lại chi cho các bộ phận gián tiếp khác giúp nâng cao phúc lợi của trường. Nhưng việc này cũng tránh được chuyện các giáo viên ra ngoài mở trung tâm, kéo đồng nghiệp về dạy, thu học phí cao, ép học sinh đi học bằng nhiều cách.

Tuy nhiên, phải nói rằng dù có tâm hay không, việc giáo viên dạy nhiều ca khiến họ thấm mệt dẫn đến dạy qua loa, không chú tâm và không tận dụng hết thời gian chính khóa vì cho rằng đã có giờ dạy thêm trái buổi. Học trò thì ức chế và quan trọng hơn là mất khả năng tự học vì làm gì có thời gian tự học khi đã học thêm từ sáng đến đêm."

Học thêm suốt tuần

Mặc dù học sinh học chính khóa, lại học thêm ở trường nhưng ban đêm và cả cuối tuần các em đều tiếp tục đi học thêm ở các thầy cô đang dạy chính mình hoặc tại các trung tâm văn hóa ngoài giờ khác.

Tôi hỏi: “Các em đã học ở trường cả ngày, sao ban đêm không ở nhà tự học mà lại đi học thêm tiếp?”, các em trả lời: “Học tăng tiết không hiểu gì cả nên phải đi học thêm ban đêm”.

Tôi đã thấy nhiều học sinh học thêm suốt tuần đuối sức, không nhớ gì cả, chỉ biết cứ tới giờ là cắp cặp đi học. Phụ huynh cực khổ kiếm tiền cho con đi học vì sợ con bị phân biệt với các bạn và không theo bài kịp. Về phần giáo viên dạy nhiều quá nên đuối sức, nhiều thầy cô chỉ dạy cho có trong giờ chính khóa và giờ tăng tiết, còn lại tập trung sức lực cho lớp dạy thêm ở nhà vì thu nhập cao hơn. 

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: dang ky hoc them , ep hoc sinh hoc them , day them , hoc them , tin , bao