Đột phá mới trong điều trị HIV
Thứ hai, 01/10/2012 22:15

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm y khoa Nagoya và Bệnh viện Nagoya (tỉnh Aichi, Nhật) vừa công bố bản đồ cấu trúc phân tử của một loại protein có tên APOBEC3C.

HIV tấn công bạch cầu - (Ảnh: istock photo.com)

HIV tấn công bạch cầu - (Ảnh: istock photo.com)

Đây là loại protein thường bám trên bề mặt của các tế bào miễn dịch (như tế bào lympho T) với chức năng ngăn chặn các loại virút xâm nhập cơ thể.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu loại protein này, các nhà khoa học Nhật nhận thấy cấu tạo của nó chứa một khoang vừa khít để protein của virút HIV bám vào. Khi xâm nhập cơ thể, HIV tiết ra một loại protein được gọi là Vif và tìm các mục tiêu là những protein trên bề mặt bạch cầu để bám vào. Protein Vif gặp APOBEC3C tạo thành một bulông hoàn chỉnh ghép vào nhau. Khi cả hai kết hợp, protein miễn dịch APOBEC3C sẽ bị phân hủy. Từ đó, HIV nhanh chóng bám vào tế bào lympho, phá hủy chúng khiến hệ miễn dịch bị vô hiệu và bệnh nhân nhanh chóng bị các bệnh cơ hội (lao, nấm...) giết chết.

Việc công bố bản đồ cấu trúc protein APOBEC3C mở ra hướng bào chế các loại thuốc điều trị HIV tác động vào cấu tạo khoang của protein này, khiến protein Vif của HIV không thể bám vào và phá hủy chúng. Đây là chìa khóa để chữa trị HIV/ AIDS.

Tuổi Trẻ/Japan Times
Tag: HIV , Sức khỏe , Điều trị HIV , Y học , Y tế , Thành tựu y học