Kết thúc kỳ thi Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 sáng 10/7, PV đã thu thập được nhiều câu chuyện bi hài từ phụ huynh và thí sinh.
Con thi đại học, phụ huynh thi cờ... |
Bi hài cái điện thoại
Năm nào cũng vậy, mùa tuyển sinh đến đồng nghĩa với nỗi lo của các bậc phụ huynh, nhất là dân ngoại tỉnh đưa con “lên kinh” đi thi, có những câu chuyện cười “ra nước mắt”. Dù quê nghèo nhưng các bậc làm cha mẹ vẫn cố gắng “chắp cánh” ước mơ vào cổng trường đại học của các con.
Cha đi trước, con... vội bước theo sau (Ảnh: Song An)
Bác Bùi Văn Nghiên quê ở Như Thanh (Như Xuân, Thanh Hóa) vóc dáng nhỏ bé, chân chất, ngồi tách biệt một góc mắt không ngơi nhìn về cánh cổng sắt đã khép. Qua cuộc trò chuyện mới biết, lỗi ở “cái điện thoại”… Do bác bất cẩn nên đánh mất điện thoại - đây là phương tiện duy nhất để 2 cha con liên lạc với nhau và sau mỗi đợt thi là gọi điện về nhà thông báo tình hình. Bác nói: “Tôi phải ngồi ở đây để đón con chứ giờ mất điện thoại rồi không liên lạc được. Hôm qua 2 cha con suýt nữa thì lạc nhau, tôi phải trèo lên bờ tường cao để tìm cháu đấy…”. Bác phân trần thêm: “Đường phố Hà Nội đông người quá, trọ ở đây 3 ngày rồi mà tôi không nhớ được ngõ để vào nhà mình, mỗi lần đi thi là gọi chú xe ôm đầu ngõ, đọc số nhà, địa điểm thi là họ đưa tới tận nơi… Giờ mà cho một mình mò tìm đường thì tôi chịu…”. “Cũng muốn kết thúc đợt thi này cho con đi thăm Lăng Bác nhưng đường sá không thuộc, mỗi khi ra đường đông là sợ lạc con nên hôm nay đợi cháu thi xong môn cuối là 2 cha con ra bến xe về nhà luôn…”.
Nhà nghỉ “siêu” thoáng giá “siêu” chát
Cùng tâm trạng với bác Nghiên, bác Trần Thị Bình quê ở Nho Quan (Ninh Bình) bộc bạch: “2 mẹ con vừa xuống xe khách thì bị một đám người lôi kéo, cứ túm ba lô rồi lôi tay như bị bắt cóc, tôi sợ quá cứ nắm chặt tay con. Sau khi đi xe ôm từ bến Mỹ Đình tới địa điểm thi của con thì có một bác ra làm quen và nói có nhà trọ gần đây, đi chỉ 5 phút thôi, nhà rộng rãi thoáng mát. Vốn tin người, cũng tưởng giống ở quê mình nên đồng ý về trọ, ai dè nhà trọ được dựng lên bằng những tấm bờ lu xi măng màu xanh 4 phía, bác chủ hét giá 1tr/2 người trong 3 ngày thi. Vì xót tiền nên tính rủ thêm 2 người nữa ở cùng, tưởng đâu ở đông người thì giá phải giảm đi chứ, lúc này bác chủ nói là ở thêm người thì giá 1tr5… Tôi sợ Hà Nội quá, giờ thì biết Hà Nội rồi. Tôi mới ở 3 ngày mà như mấy tháng, đợi cháu thi nốt thì về quê chứ không ở lại thêm nữa".
Nhà trọ... (Ảnh: Song An)
“Hà Nội không tuyệt vời như trong tưởng tượng của em” là câu nói của một thí sinh sau khi kết thúc môn thi cuối. Trong tưởng tượng của những người dân lao động chưa một lần đặt chân ra đất Thủ đô thì luôn nghĩ Hà Nội thanh lịch, con người lịch sự lắm. Nhưng thực tế, nét văn hóa thanh lịch của con người Hà Nội đã bị “lai tạp” bởi lối sống, văn hóa “chặt chém”.
Thí sinh "xui xẻo" nhất
Thí sinh Nguyễn Đức Trọng (THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) có lẽ là thí sinh xui xẻo nhất tại điểm thi của Học viện Hành chính. Kết thúc môn thi cuối cùng, với một bên chân trái bó băng trắng, Trọng được một số sinh viên Đội Tiếp sức mùa thi của Học viện Hành Chính dìu ra cổng trường ngồi quán nước chờ phụ huynh đến đón. Lúc này, Trọng kể với PV: “Sáng hôm qua ở buổi thi môn Văn, lúc 6h30 em đến phòng thi thì phát hiện ra quên kính ở nhà. Em bị cận từ bé nên không có kính là không nhìn thấy được bài thi. Lúc đó không có điện thoại trong người, em phải chạy xuống cổng, mượn tạm điện thoại của bác bảo vệ để gọi bố em mang kính đến. Khi trở lên phòng thi, đến cầu thang em vội quá, vấp ngã trẹo cả chân. Đến giờ vẫn còn phải dùng băng y tế để bó lấy vết thương. Suốt 3 môn thi, em phải đi khập khiễng để đến phòng thi”.
Trọng chia sẻ thêm: “Hôm nay em làm tốt môn Địa, cũng bởi đề thi Địa năm nay dễ. Em đoán có thể được 9 điểm. Hai môn trước là Văn và Sử em cũng làm bài tốt. Mấy anh chị sinh viên trường Hành chính lúc nãy vừa bảo, hẹn gặp em ở trường Hành chính”.
Thí sinh Nguyễn Đức Trọng (đeo kính) hồ hởi trao đổi bài làm với bạn cùng thi sáng 10/7 (Ảnh: Nguyễn Hoàng)
Khi PV hỏi: “Em có kỷ niệm vui nào trong kỳ thi năm nay không?”. Trọng cười và nói: “Có chứ ạ. Hôm thi môn Sử, lúc thời gian làm bài còn lại 30 phút, em thấy trong phòng thi còn có mỗi một mình em với mấy giám thị. Các thí sinh khác họ ra từ trước đó”.
PV hỏi tiếp: “Thế sao em không ra theo các bạn?”.
Trọng đáp: “Em nhớ kỹ lời cô giáo dặn, nếu có làm xong bài trước thời gian cũng không nên ra sớm. Mà nên ngồi xem lại thật kỹ bài làm, có cần sửa thay thêm gì không. Lúc đó cả phòng thi còn mỗi mình với giám thị, cũng vui vui, hồi hộp. Nhưng em không sao, em ngồi soát lại bài làm, thấy có phần thiếu nên bổ sung, chắc cũng được thêm 0,25 điểm. Đến hết giờ em ra, em thấy có cô giám thị cười mỉm, chắc thấy em ngồi một mình nên cô cười”.
Đó là những câu chuyện PV có được trong đợt 2 kỳ thi đại học năm nay. Bi có, hài có. Kết thúc kỳ thi, chúng tôi mong rằng thí sinh sẽ đạt được kết quả cao trong đợt công bố điểm thi sắp tới.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?