Dortmund: Hành trình từ đỉnh cao xuống vực sâu và từ vực sâu đến đỉnh cao
Thứ sáu, 24/05/2013 15:54

8 năm sau chiến thắng lớn nhất trong lịch sử CLB, Champions League 2007, Borussia Dortmund đối mặt nguy cơ phá sản.

 Cùng với Klopp trên ghế huấn luyện, Dortmund đang đứng trên đỉnh cao

Cùng với Klopp trên ghế huấn luyện, Dortmund đang đứng trên đỉnh cao

Chủ tịch Gerd Niebaum và tổng giám đốc Michael Meier đã phải trả giá cho triết lý dùng tiền tìm kiếm thành công vào những năm 1990.

Trong những năm 1990, Dortmund chi tiêu điên cuồng để đưa về các ngôi sao lớn, Andreas Moller, Stefan Reuter, Jurgen Kohler, Matthias Sammer, Karl-Heinz Riedle, Julio Cesar và Paulo Sousa. Cùng HLV Ottmar Hitzfeld, Dortmund giành 2 chức vô địch Đức liên tiếp và vươn tới đỉnh cao với Champions League 1997. Nhưng từ sau đó là quá trình tụt dốc không phanh.

Hitzfeld, đã mệt mỏi và thỏa mãn, bị đẩy lên chiếc ghế giám đốc thể thao hữu danh vô thực vừa được tạo ra. Năm 1998, ông bỏ Dortmund để trở lại với công việc huấn luyện ở Bayern Munich. Thay Hitzfeld là Nevio Scala, người tuyên bố mình đã được dẫn dắt “đội bóng mạnh nhất thế giới”. Nhưng Scala chỉ trụ được 1 mùa. Những chấn thương làm tình hình thêm tồi tệ. Sammer, cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu năm 1996, chơi trận cuối cùng ở Bundesliga ngày 4/10/1997 và chính thức tuyên bố giải nghệ vào năm 2000.

Sau chiến thắng ở Champions League là hàng loạt mùa giải thất vọng tại Bundesliga và những vụ mua hớ tệ hại với các cầu thủ Victor Ikpeba, Fredi Bobic hay Sunday Oliseh. Dortmund kết thúc mùa 1997/98 không được dự cúp châu Âu, rồi bị loại khỏi vòng bảng Champions League năm 1999. HLV Michael Skibbe, nhường chỗ cho Bernd Krauss, người lập kỷ lục đáng buồn với cả lịch sử Dortmund: 8 trận liên tiếp không thắng.

Niebaum và Meier vẫn cố xoay xở. Họ bổ nhiệm Udo Lattek và Sammer làm đồng HLV và niêm yết đội bóng trên sàn chứng khoán tháng 10/2000, thu về 140 triệu euro. “Đây là sinh nhật thứ 2 của CLB”, Chủ tịch Niebaum nói khi đó. Để ăn mừng, Dortmund lại mua sắm điên cuồng. Họ mua về Tomas Rosicky, Jan Koller, Marcio Amoroso và Sebastian Kehl. Cho tới giờ, khoản tiền 25 triệu euro bỏ ra cho Amoroso vẫn là kỷ lục chuyển nhượng của CLB. Đó thực sự là canh bạc lớn khi Dortmund hy vọng có thể dự Champions League liên tục những năm sau.

Ngoài ra, triển vọng đăng cai một trận bán kết World Cup 2006 càng khiến niềm tin của BLĐ Dortmund thêm mù quáng. Bộ đôi Niebaum và Meier vay thêm tiền nâng sức chứa của sân Westfalenstadion lên 83.000 chỗ (sau đó giảm còn 81.264 chỗ), tiêu tốn 75 triệu euro, đều là tiền bán cổ phần. Tháng 8/2003, họ thua ở trận sơ loại Champions League trước Club Brugges và vài tháng sau  xuất hiện những tin tức đầu tiên về tình trạng tài chính thảm hại ở Dortmund. Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, Niebaum và Meier đe dọa kiện những nhà báo đã đưa tin. Họ không bao giờ dám làm thế. Tháng 2/2004, Dortmund công bố khoản thua lỗ 29,4 triệu euro chỉ trong 6 tháng.

Mùa hè năm đó, họ phải bán tên sân vận động (tới nay vẫn chưa mua lại được), thanh lý 5 cầu thủ, bao gồm Rosicky. Con đường xuống vực nhanh như tên bắn. Tháng 10, CLB thông báo thua lỗ 67,7 triệu euro và nợ 118,8 triệu euro. Niebaum buộc phải từ chức. Nửa sau mùa giải, các cầu thủ Dortmund ra sân trong một trận gặp Hannover với tấm băng-rôn “chưa bán nhé” chào đón họ. Vài ngày sau, tân tổng giám đốc Aki Watzke thừa nhận CLB có thể phải xin phá sản và xin nhà nước bảo trợ.

Tháng 3/2005, tình hình xoay chuyển chậm chạp. Các cổ đông lớn chấp nhận bơm thêm tiền trong một cuộc gặp tại sân bay Dusseldorf để giúp đội bóng tồn tại. Chủ tịch Reinhard Rauball sau này kể lại về cuộc họp báo sau đại hội cổ đông: “Tôi không bao giờ muốn ở trong tình thế đó nữa. Đó là những giờ tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi”. Một năm sau, Dortmund bắt đầu lại từ con số 0, dù khoản nợ đã được thanh toán gần hết. Năm 2007, suýt nữa thì họ rớt hạng và tổng giám đốc Michael Zorc bị truyền thông địa phương chỉ trích dữ dội vì định dùng một cầu thủ tên là Michael Rummenigge, em trai của chủ tịch Bayern Karl-Heinz Rummenigge, trong đội hình Dortmund.

Vào lúc Juergen Klopp gia nhập Dortmund từ đội hạng Nhì Mainz, BVB có tương lai không lấy gì làm sáng sủa. Nhưng nhờ Klopp, mùa tiếp theo họ suýt giành suất dự Europa League. Năm 2010, lần đầu tiên Dortmund trở lại đấu trường châu Âu sau nhiều năm chờ đợi. Những cầu thủ như Nuri Sahin, Ilkay Guendogan, Shinji Kagawa lần lượt được mua về, trong khi Mario Goetze trưởng thành từ đội trẻ. Còn sau đó thì tất cả mọi người đều đã biết câu chuyện ra sao.

Bongdaplus.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Dortmund , Bayern Munich , Chung kết champions league , Bóng đá quốc tế , Chung kết cúp c1 , Munich