Điều chỉnh giá đất phải sát giá thị trường
Thứ bảy, 09/06/2012 20:46

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về việc điều chỉnh khung giá đất hiện nay.

Thưa Phó Thủ tướng, rất nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật đất đai hiện nay còn quá chậm trong khi người dân rất sốt ruột?

Sửa đổi Luật đất đai vội là không được, bởi vì một quy trình làm luật phải tuân theo quy trình của luật pháp như phải dự thảo bao nhiêu lần, đưa ra hội thảo bao nhiêu cơ quan, lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng. Nếu bây giờ làm vội, bảo cuối năm nay ấn định luôn vào thì quy trình luật đất đai sẽ ngắn lại. Một vấn đề phức tạp như vậy mà ngắn lại thì rất là nguy hiểm.

Vấn đề giá đất đền bù, bồi thường luôn là câu chuyện nóng trong công tác thu hồi đất hiện nay, Chính phủ sẽ có thay đổi như thế nào về việc này, thưa Phó Thủ tướng?

Vấn đề ở đây bây giờ chỉ còn là giá đất xử lý thế nào cho sát với thực tế, đất giáp ranh giữa hai phường thì xử lý thế nào. Thứ hai là phải xử lý đền bù thu hồi đất, chủ yếu vẫn là do giá đất và việc còn lại xác định nguồn gốc đất. Đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi tái định cư, đất cho người dân tộc xử lý thế nào; đất cho nông lâm trường hiện vẫn còn 4 triệu ha thì xử lý thế nào. Đó là những vấn đề cần phải làm rõ hơn.

Điều chỉnh giá đất phải sát giá thị trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh Xuân Hải)

Giá đất là vấn đề khó. Giá đất phải sát giá thị trường. Bởi nếu như giá thị trường thì không bao giờ được, vì thị trường rất biến động và tất cả các quốc gia đều dùng từ là sát giá thị trường.

Vấn đề bây giờ làm thế nào để sát với giá thị trường, từ trước đến nay chúng ta điều chỉnh giá đất một năm một lần. Khi quy định như vậy thì có một vấn đề xảy ra là năng lực các địa phương trong việc điều chỉnh giá đất hàng năm rất vất vả, bởi vì có rất nhiều thủ tục liên quan cập nhật giá đất.

Thứ hai là sinh ra tâm lý chờ đợi, tức là kỳ vọng về tăng giá cao. Chính vì vậy gây ảnh hưởng đến tất cả các dự án công trình. Bây giờ muốn có bảng giá đất thị trường, mà đã thị trường thì không còn khái niệm điều chỉnh theo năm nữa. Vậy thì khi làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nơi nào có biến động thì điều chỉnh. Thế nghĩa là không cần biết có dự án hay không có dự án, nếu có biến động lớn là phải điều chỉnh ngay. Ví dụ giá đất quy định ở địa phương thấp hơn giá thị trường từ 15-20% thì phải điều chỉnh. Và bảng giá đó luôn luôn được cập nhật. Còn trong trường hợp động đến một lô đất có biến động mà chưa kịp xử lý cập nhật thì phải điều chỉnh trực tiếp vào ngay dự án đang triển khai. Như vậy giá đất vẫn sát với giá thị trường.

Thưa Phó Thủ tướng, như vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu sẽ rất là lớn?

Vì vậy các tổ chức định giá, các cơ quan chuyên môn thực hiện việc định giá đất đang là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Nhưng việc phát triển các tổ chức định giá, các tổ chức tư vấn độc lập vẫn phải có bước đi. Kiểu gì vùng miền núi cũng có khó khăn hơn. Do vậy cũng phải có lộ trình vì các vùng miền có sự khác nhau về giá đất.

Còn vấn đề đấu thấu đất các dự án của doanh nghiệp tư nhân xử lý thế nào?

Đây là quy định đã có từ trước. Trước đây khi chúng ta đưa ra như thế nhưng luôn vướng vào đất sạch. Vẫn biết nếu lấy đất đấy ra đấu thầu thì bao giờ hiệu quả cũng cao hơn là giao trực tiếp cho doanh nghiệp. Thế nhưng để đấu thầu được thì phải làm được việc có đất sạch, để có đất sạch thì phải có vốn để làm quy hoạch từ trước. Sau khi quy hoạch xong rồi thì lại phải có tiền đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư để có đất sạch, sau đó mới đem ra để đấu giá. Như vậy, đa số các địa phương hiện nay đang bị vướng là do không có nguồn vốn cho việc này.

Trong thời gian vừa qua chỉ có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là có nguồn kinh phí nhiều, còn một số địa phương khác thì làm được ít hoặc rất khó làm. Ở địa phương nào khi có nguồn vốn nhiều thì họ làm trước, bởi vì khi đặt vấn đề triển khai dự án thu hồi đất là phải làm khu tái định cư trước, lúc đó có quỹ đất sạch để đấu giá thì hiệu quả nhất. Tức là khi đấy chúng ta gọi rằng toàn bộ chênh lệch địa tô là nhà nước được hưởng, lợi ích vào nhà nước nghĩa là vào toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đa số bị vướng về vốn, cho nên khi địa phương định triển khai dự án thì các doanh nghiệp tự nhận để ứng vốn ra đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư vì địa phương không làm được.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Infonet
Tag: Điều chỉnh giá đất , Giá đất , Thị trường bất động sản , Khung giá đất