Dịch bệnh tay - chân - miệng bùng phát trên cả nước: Địa phương vẫn “lừng khừng” công bố dịch
Thứ năm, 15/03/2012 10:26

Mặc dù cuối năm 2011, Bộ Y tế khẳng định bước sang năm 2012 sẽ khống chế được hàng loạt dịch bệnh trong đó đặc biệt có tay-chân-miệng (TCM).

Tuy nhiên, mới hơn 2 tháng của năm 2012, TCM bùng phát dữ dội trên cả nước. Hiện đã có khoảng 13.000 ca mắc và cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2011, thế nhưng tới thời điểm này vẫn chưa thấy địa phương nào công bố dịch mặc dù nhiều tỉnh, thành... đều bị quá tải do TCM.

Tăng cao bất thường

Theo Cục Y tế dự phòng (YTDP) Bộ Y tế, nếu như năm 2011, cuối tháng 5 mới ghi nhận những trường hợp mắc TCM và có ca tử vong đầu tiên thì chỉ trong gần 10 tuần của năm 2012, cả nước đã ghi nhận TCM xuất hiện tại 60 tỉnh, thành, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Khu vực miền Nam có số mắc TCM cao nhất với gần 7.000 ca. Các tỉnh, thành có tỉ lệ mắc TCM cao là Hải Phòng, Hậu Giang, Lào Cai, Cà Mau, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Đắc Lắc. Theo Cục YTDP dự báo, tỉ lệ chết/mắc bệnh do TCM tăng cao bất thường báo hiệu năm nay dịch TCM sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Viện Pasteur TPHCM, cùng thời điểm này năm trước, số ca mắc TCM tại đây rất ít thì ngược lại, năm nay số ca mắc bùng phát dữ dội ngay từ đầu năm. Đồng Tháp là địa phương có số ca mắc TCM rất cao trong khu vực với gần 600 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Năm trước toàn tỉnh có đến 6.000 ca mắc TCM và làm 9 trường hợp tử vong, tuy nhiên, bệnh xuất hiện trễ từ khoảng tháng 5 trở về sau. Năm nay, bệnh TCM xuất hiện sớm ngay từ đầu năm, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 80 ca, cao điểm có tuần hơn 330 ca. Tại Vĩnh Long, trong 2 tháng đầu năm đã có gần 240 trường hợp mắc TCM, trong đó, số ca biến chứng nặng chiếm rất lớn.

Tại 2 BV lớn ở TPHCM, số ca mắc TCM biến chứng nặng nhập viện đang tăng lên. Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, TPHCM luôn có khoảng 50-60 bệnh nhi mắc TCM nằm viện điều trị nội trú, chiếm 60% trong số này là các bệnh nhi từ các tỉnh, nhiều nhất là ĐBSCL. Còn tại BV Nhi Đồng 2, số ca mắc TCM đang nằm điều trị trong ngày 14.3 khoảng 80 trường hợp. BS Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP TPHCM - cho rằng, tình hình diễn biến bệnh TCM đáng báo động, tại TP hiện mỗi tuần có khoảng hơn 140 ca mắc; hai tháng đầu năm nay, TP đã có gần 950 ca mắc TCM (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Trẻ mắc TCM đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Vẫn điệp khúc: Trong tầm kiểm soát!

Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, chưa thể dự báo về dịch TCM năm nay. Trên nguyên tắc, dịch bệnh năm trước cao thì năm sau không thể “đè” dịch bệnh xuống sát được.

Mặc dù dịch bệnh bùng phát và lan rộng trải dài trên cả nước với các ca tử vong tăng đột biến, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy địa phương nào lên phương án công bố dịch TCM để dập dịch. Mặc dù trong các văn bản gửi lên cấp trên để báo cáo, nhiều địa phương vẫn sử dụng cụm từ “dịch TCM” chứ không phải bệnh TCM. Thậm chí, tại nhiều địa phương, các khoa nhiễm của BV đều trong tình trạng quá tải, phụ huynh không dám cho con tới trường nhưng lãnh đạo sở vẫn khẳng định: TCM vẫn trong tầm kiểm soát. Lý do không dám công bố dịch có thể do 2 yếu tố: “Bệnh thành tích” sợ mang tiếng địa phương có dịch và sợ ảnh hưởng đến du lịch...

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, cuối năm 2011, Ninh Thuận là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố dịch khi số ca mắc chỉ bằng con số lẻ của một số tỉnh như TPHCM, Bình Dương, Quảng Ngãi... Sau khi công bố dịch, UBND tỉnh chi 200 triệu đồng và bộ cấp thêm 7 tỉ đồng để chống dịch và đã nhanh chóng khống chế được dịch. Theo TS Trần Thanh Dương - Cục phó Cục YTDP, Bộ Y tế - thì, Ninh Thuận nhờ công bố dịch đã tập trung lực lượng, cơ chế và đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không hề ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch. Đây là một kinh nghiệm cho các địa phương. Việc công bố dịch đúng thời điểm sẽ giúp huy động nguồn lực, nhận lực, hỗ trợ chuyên môn để kiểm soát dịch tốt hơn.

Lao Động
Tag: Y tế , Dịch bệnh , Tay chân miệng , Phòng dịch , Cách phòng bệnh tay chân miệng , Cục Y tế dự phòng