Đến thời điểm này, số trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng (TCM) đã tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, các địa phương là “điểm nóng” dịch bệnh vẫn cho rằng, dịch trong tầm kiểm soát?
|
Bài học chống dịch 2011 khiến hơn 112.300 ca mắc, 169 trẻ tử vong xem ra vẫn chưa được “rút kinh nghiệm”
Thống kê của Bộ Y tế trong hơn 2 tháng đầu năm 2012 cho thấy, cả nước có hơn 12.400 ca mắc TCM, trong đó 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2011, số bệnh nhân mắc tăng 7,4 lần, số ca tử vong tăng 100% dù còn xa mới đến mùa dịch.
Gấp rút đối phó cùng lúc với nhiều dịch bệnh khác nhau, ngành y tế dường như đang lúng túng khiến việc chống dịch TCM không mấy hiệu quả. Bằng chứng là số mắc và tử vong vì TCM vẫn liên tục tăng cao qua các tuần nhưng vẫn chưa có địa phương nào lên tiếng công bố tỉnh mình có dịch.
Ngay từ đầu năm, các chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo bệnh TCM có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp lại không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Đáng lo là hiện có nhiều túyp virus gây bệnh (ngoài Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71), tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao lại chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng. Tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần càng làm dịch có nguy cơ bùng phát mạnh.
Huy động nguồn lực chống dịch – đó là việc cần làm, trách nhiệm không chỉ riêng ngành y tế. Song nếu địa phương không chịu “khai dịch” thì khó lòng dập dịch. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2012 mới đây, TS. Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng: “Năm ngoái mặc dù dịch TCM tăng cao bất thường nhưng theo quy định phải hội tụ 3 điều kiện mới được công bố, trong đó có lý do vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tỉnh, thành. Thế nhưng việc xác định thế nào là “vượt quá khả năng kiểm soát” là rất khó và “nhạy cảm”. Địa phương nào dũng cảm lắm mới nhận là không kiểm soát được dịch, vì thế cần có thêm những cuộc họp để thống nhất định nghĩa này chứ không thể nói chung chung. Khi dịch vượt mức trung bình và xuất hiện chủng lạ nhất thiết phải công bố dịch để huy động cộng đồng tham gia dập dịch”.
Quá tải, bệnh nhân TCM phải nằm ngoài hành lang. Ảnh Internet.
Các chuyên gia cũng đề nghị, nếu không công bố dịch thì chí ít cũng nên chia thành “mức có dịch” và “mức công bố dịch” để huy động nguồn lực chống dịch. Nếu đợi các tỉnh công bố dịch thì không biết đến bao giờ? Nhiều địa phương cho rằng việc công bố dịch sẽ tác động đến các họat động du lịch nhưng thực tế qua theo một số địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận trước đây khi công bố dịch sốt xuất huyết lượng khách du lịch không hề giảm so với các năm trước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc công bố dịch đúng thời điểm sẽ giúp huy động nguồn lực, nhân lực, hỗ trợ chuyên môn để kiểm soát dịch tốt hơn. Nhưng khi nào là đúng thời điểm, e rằng các địa phương rất khó và “nhạy cảm” khi xác định thời điểm này?
Trong khi đó, ngành y tế tại các vùng dịch than rằng, họ gặp vô vàn khó khăn khi đối phó với dịch bệnh. Bệnh nhân phải nằm ghép, số trẻ nhập viện mỗi lúc một tăng, thiếu thuốc, trang thiết bị điều trị tại tuyến cơ sở… Quá tải ở các BV cũng đang khiến dịch TCM có nguy cơ bùng phát, lây nhiễm chéo ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh. Dịch TCM có còn trong tầm kiểm soát?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?