Dịch bệnh nguy hiểm lại rình rập
Thứ hai, 30/01/2012 08:14

Mặc dù số ca mắc viêm não mô cầu trong tháng qua chưa nhiều, nhưng đã ghi nhận trường hợp tử vong. Cùng với đó, dịch cúm A/H5N1 cũng đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau khi có trường hợp mắc và tử vong đầu tiên trong năm 2012…

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay tình hình dịch bệnh viêm não mô cầu trên phạm vi cả nước đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cùng với việc ghi nhận một bé gái 11 tháng tuổi ở Quảng Trị tử vong tại Hà Nội và TPHCM cũng đã có thêm 3 ca mắc viêm não mô cầu đều là trẻ nhỏ nên rất đáng lo ngại. Tại Hà Nội một bé gái 3,5 tháng tuổi (xã Tiến Thắng, Mê Linh) được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, ho, chảy nước mũi, với kết quả cấy dịch não tủy dương tính với vi khuẩn não mô cầu. 16 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhi này đã được uống thuốc dự phòng bằng kháng sinh. Còn tại TPHCM, một bé trai 2 tuổi (phường 5, quận 8) điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và bé gái 6 tuổi (phường Tân Thới Hòa, Tân Phú) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, mặc dù hiện số trường hợp mắc viêm não mô cầu ở nước ta mới ghi nhận lẻ tẻ, nhưng đây là dịch bệnh nguy hiểm nhóm A do vi khuẩn gây ra và lây qua đường hô hấp nên nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng rất lớn. Hơn nữa, dịch bệnh này thường chủ yếu xảy ra vào mùa xuân. Người mắc viêm não mô cầu thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu.

Đáng lo ngại hơn, tại các nước vùng nhiệt đới, bệnh viêm não mô cầu gia tăng khi thời tiết, khí hậu thay đổi và lây lan tại những nơi tập trung đông người. Hơn nữa, qua nghiên cứu dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay, tỷ lệ người lành mang trùng não mô cầu trong cộng đồng từ 10% - 20% nên nguy cơ lây lan rất lớn, nhất là ở nơi công cộng. Do đó, nếu không phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly người bệnh thì rất dễ lây lan rộng.

Dưới góc độ điều trị, Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm não mô cầu lây lan qua đường hô hấp nhưng không lây lan nhanh và mạnh như virus cúm. Tuy nhiên, nếu người mắc ở thể nặng, bệnh nhân lại ở những vùng sâu, vùng xa không có điều kiện hồi sức tốt, kịp thời dễ tử vong. Việc phát hiện sớm các trường hợp mắc và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 5%-10%.

Cùng với viêm não mô cầu, Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2012 do nhiễm virus cúm A/H5N1 tại Kiên Giang. Trước nguy cơ dịch bệnh cúm A/H5N1 có chiều hướng bùng phát trở lại, nhất là vào thời điểm mùa đông xuân là lúc thời tiết thuận lợi để virus cúm phát triển, Cục Y tế dự phòng đề nghị Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tăng cường hoạt động giám sát phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Đồng thời hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ tình hình cúm A/H5N1 trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch.

Bệnh nhân nhập viện dịp tết tăng

Ngày 29-1, ghi nhận tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số bệnh nhân cấp cứu và nhập viện trong dịp Tết Nhâm Thìn tăng nhiều. Thống kê của cơ quan chức năng thì số ca tai nạn giao thông phải cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng tăng nhanh, với  mỗi ngày có hơn 30 người thiệt mạng. Đáng chú ý là có nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện rất nặng, đa chấn thương, chủ yếu do uống nhiều rượu, không làm chủ được tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và hầu hết trong độ tuổi lao động.

Cùng với bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông tăng nhanh, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong dịp nghỉ tết vừa qua nên bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm đường hô hấp, ngộ độc phải nhập viện điều trị cũng tăng mạnh.

 

Sài Gòn giải phóng
Tag: Y tế , Dich bệnh , Viêm não mô cầu , Dịch cúm A/H5N1