Lo ngại bệnh não mô cầu lan rộng
Thứ hai, 16/01/2012 08:40

Trong hai ngày qua, dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vẫn tiếp tục tìm cách khống chế ổ dịch não mô cầu có chiều hướng lan mạnh tại một công ty của khu chế xuất Tân Thuận – quận 7.

Trước đó, đã có ba ca mắc não mô cầu nhập viện điều trị, và mới nhất – trong tuần qua - ở phía Bắc cũng phát hiện một ca bệnh này.

100% những người được khảo sát có mang trùng

Khi có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám (ảnh minh hoạ). Ảnh: Inmagine

Cụ thể, gần 30 nhân viên y tế dự phòng đã cho khoảng 6.000 công nhân uống ngừa kháng sinh miễn phí và phối hợp phết họng tìm vi trùng gây bệnh. Kết quả 18/18 công nhân khỏe mạnh được phết họng tìm thấy vi trùng não mô cầu. Tuy nhiên, đáng nói hơn là khi tìm vi khuẩn ngoài công ty, 28/28 người khỏe mạnh được phết họng cũng dương tính với vi trùng, điều đó cho thấy ổ dịch đã lây lan ra ngoài.

Theo PGS-TS Nguyễn Trần Chính, nguyên giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, não mô cầu cư trú tại vùng họng mũi của người và lây truyền qua các giọt nước nhỏ bài tiết qua đường hô hấp. Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần gũi hay gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết ra từ đường hô hấp của người mang trùng. Tại các nước nhiệt đới, bệnh gia tăng khi thời tiết, khí hậu thay đổi. Bệnh lan rộng tại những tập thể đông đúc ở thành thị hay nông thôn như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, trại lính, nhà máy.

TS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết dịch não mô cầu bùng phát hiện nay là khá phức tạp vì đây là thời điểm cận tết, những công nhân khỏe mạnh mang trùng – còn gọi là người lành mang mầm bệnh – sẽ về quê ăn tết và vô tình mang não mô cầu đi khắp nơi. Theo các nghiên cứu, khi bệnh xảy ra lẻ tẻ, tỷ lệ mang trùng ở người tiếp xúc gần gũi tăng lên 40%, và tại những nơi con người sống quá chật chội, nhà máy sản xuất chẳng hạn, tỷ lệ này có thể lên đến 60 – 80%. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ dương tính với não mô cầu ở người lành tại khu chế xuất Tân Thuận là rất cao.

Bệnh có thể phòng ngừa

PGS – TS Nguyễn Trần Chính cho biết não mô cầu gây bệnh trên người với nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp) tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường tiết niệu và sinh dục. Bệnh nhiễm não mô cầu có thể xảy ra tiếp nối nhau theo trình tự: viêm họng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và/hoặc chuyển đi đến những cơ quan khác. Biểu hiện bên ngoài của người bệnh là viêm họng, sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, 1-2 ngày sau sốt xuất hiện tử ban trên da – kích thước 1-2 mm đến vài cm, màu đỏ hay tím thẩm, bờ không tròn đều, phân bổ khắp người nhưng nhiều nhất là ở vùng nách hông, quanh khớp (khuỷu, gối, cổ chân). Khi tử ban lan nhanh về số lượng và phát triển về kích thước – PGS Chính – cảnh báo bệnh đang diễn tiến đến thể tối cấp. Tuy nhiên, không có tử ban không có nghĩa là bệnh đang diễn tiến nhẹ.

Chủ công ty có biểu hiện không hợp tác chống dịch

Nguồn tin từ Y tế dự phòng cho biết, dù cơ quan chức năng đã vào tận nơi tích cực tìm cách khống chế dịch, nhưng có chủ công ty của Khu chế xuất quận 7 – TP.HCM là người nước ngoài tỏ ra thiếu hợp tác vì sợ nếu công nhân được phát hiện có bệnh, không đủ người bảo đảm năng suất, hợp đồng sẽ không kịp hoàn thành, nhất là thời gian nghỉ tết đang cận kề. Phải đến khi cơ quan chức năng làm căng và tiến hành lập biên bản, giới chủ mới chịu hợp tác.

Trong số những vấn đề do não mô cầu gây ra, đáng sợ nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp, xảy ra với tỷ lệ 10-20% các trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Bệnh dẫn đến suy tuần hô hấp, tuần hoàn và gây tử vong chỉ trong vài giờ. Nếu được cứu sống, bệnh nhân có thể bị tổn thương da rất rộng dễ bị bội nhiễm hoặc mất ngón tay, ngón chân do hoại tử.

Theo TS Trần Phủ Mạnh Siêu, mặc dù đang có ổ dịch não mô cầu tại TP.HCM, nhưng cho đến nay những ca phát bệnh vẫn ở thể nhẹ. Khi có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Khi có người bệnh được xác định trong gia đình, tập thể, những người còn lại cần được xét nghiệm vi sinh. Phải cách ly người bị viêm họng mũi và điều trị tích cực cho đến khi xét nghiệm không thấy vi trùng. Hiện nay đã có thuốc vắc xin ngừa não mô cầu các nhóm A, C, Y, W-135. Vắc xin chỉ dùng cho trẻ > 2 tuổi, tiêm dưới da 1 mũi 0,5 ml. Riêng nhóm B chưa có thuốc chủng ngừa hữu hiệu. Theo tin từ bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong ba ca bệnh não mô cầu nhập viện vừa qua, sau khi cấy máu tìm nhóm vi trùng, 2 ca công nhân của Khu chế xuất quận 7 được xác định là nhóm C, ca còn lại là nhóm B.

SGTT
Tag: Y tế , Bệnh viêm não mô cầu , Ổ dịch , Khống chế dịch bệnh