“Cần Thơ gạo trắng nước trong – Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Nếu có lỡ thưởng thức đặc sản chốn này thì khó dứt áo về mà lòng không quyến luyến.
Hủ tiếu khô ăn không giống mì xào, không giống bún khô, mang vị khác biệt và đặc trưng của miền Tây |
Vùng sông nước có sự hấp dẫn riêng khó nói, cứ mênh mênh mang mang và đập vào lòng người từng con sóng tình thương, khiến kẻ đến bịn rịn mãi lúc ra về. Để rồi sau đó, lâu lâu nghe câu hò xa xăm, giật mình nhớ những ngày quấn quýt trên ghe, bên mâm rượu tràn trề những món ngon không phải đâu cũng có, cũng đúng vị tuyệt vời như thế.
Nem nướng Cái Răng
Từ thế kỉ trước, nem nướng bên bờ kinh Cái Răng với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ tảo tần đã nổi tiếng khắp phương. Cũng làm từ thịt heo tươi, quết dẻo, thêm gia vị như bao nơi, nhưng nem của Cái Răng lạ lắm, hình như do trong ấy là mênh mông sông nước và thơm thảo lòng người miền Tây.
Được nướng trên than hồng, từng cái nem mướt mát, vàng, thơm, ngậy mùi ăn cùng với bánh tráng, rau sống, và thêm bánh hỏi Phong Điền, chấm thật đậm trong chén nước tương xay, thì thật chẳng lỡ bỏ bữa mà đi đâu.
Nếu không quen vị tương xay ngọt với đậu phộng thì hoàn toàn có thể yêu cầu nước mắm chanh tỏi ớt để tận hưởng cái ngon béo khó tả của món ăn lạ mà quen, quen mà lạ này.
Nem nướng Cái Răng dù làm từ nguyên liệu là thịt heo tươi như bao nơi nhưng mang trong nó nét riêng hồn sông nước.
Hủ tiếu khô Sa Đéc
Hủ tiếu mà được bày trong… đĩa, thật làm người ta hiếu kỳ. Đây là một loại hủ tiếu đặc biệt của vùng Sa Đéc, một trong những đặc sản Cần Thơ. Những cọng hủ tiếu tươi to, trắng ngà bày lên đĩa, bên trên là tim, gan, thịt heo thái. Thêm chút hẹ, xà lách tươi xắt nhuyễn và hành phi càng tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là nước sốt màu vàng đậm rưới trên cùng đĩa hủ tiếu. Đó là bí quyết làm nên vị khác lạ, ngon lành khi ăn. Để người ăn không cảm thấy khô, đĩa hủ tiếu được phục vụ kèm chén nước dùng nếu khách thích.
Từng sợi hủ tiếu mềm dai dai, quyện với nước sốt sền sệt nhưng đậm đà, beo béo ngầy ngậy với mùi hành phi thơm nức, vị thịt ngọt và rau xanh hợp nhau cho cảm giác rất thú vị. Ngoài hủ tiếu khô, bạn còn có cơ hội được ăn hủ tiếu hấp lạ lạ, dành cho người thích khám phá hương vị. Tuy nhiên, nếu là khách du lịch khu vực phía ngoài vào, bạn hãy nhớ nhắc người nấu cho ít ngọt để vừa miệng hơn.
Bánh tét lá cẩm
Bánh tét lá cẩm cực kì đẹp với màu tím tươi. Người Cần Thơ đã sáng tạo, biến bánh tét thành nét riêng của xứ họ. Lá cẩm được nấu lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa, còn nhân làm từ thịt, trứng vịt muối thay vì đỗ và thịt heo như bình thường.
Bánh tét lá cẩm nhìn đã thấy ngon, ăn vào càng thích.
Vì tất cả nhân, vỏ bánh đều đã được sơ chế bằng cách xào nấu nên bánh chỉ cần nấu khoảng 4 đến 5 tiếng là chín. Khi ăn, cắt miếng bánh tét ra, nhìn đã thấy ngon mắt. Thử cắn một miếng, nếp dẻo quánh, cùng với vị ngọt thịt, hương thơm đặc biệt từ trứng muối càng tăng thêm hương vị cho bánh. Đây là món quà nên có nếu bạn đi Cần Thơ bởi chẳng đâu làm ra loại bánh tét lá cẩm ngon như ở đây dù cho cũng cùng nguyên liệu.
Bánh tầm bì/tằm bì
Món bánh này là sự kết hợp giữa hai nguyên liệu chính là bánh tầm và bì. Trong đó, bánh tầm là từ bột được pha chế có liều lượng, ép bằng khuôn rồi đem hấp. Bì là thịt, da heo thì luộc mềm, lạng mỏng; sau đó, xắt sợi, trộn vào nhau cùng với thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi vàng, đường muối... Bì gần giống với món nem thính ở ngoài Bắc.
Bánh tầm bì là món ăn dáng ngon, nhẹ bụng của người Cần Thơ.
Bánh tầm bì - đặc sản Cần Thơ được bày ra đĩa với chút dưa leo, rau thơm, nước cốt dừa và dảo dừa béo ngậy, bên trên thêm muỗng mỡ hành. Ăn với nước mắm ớt cay cay ngọt ngọt. Vị mềm của bánh hòa chung nước dừa, bì giòn giòn, thịt ngọt ngọt và vị thính thơm nhẹ cùng các loại rau tạo thành món ăn tuyệt vời. Bánh tầm bì ít ngán bởi các nguyên liệu đều không quá gắt, không quá nhiều chất.
Bánh cống
Bánh cống - đặc sản Cần Thơ rẻ, ngon mà lại sẵn có, dễ tìm. Nó có cái tên đặc biệt này là do dụng cụ làm bánh có tên là “cống”. Đây là vật mang hình dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh.
Bột làm bánh là sự kết hợp giữa gạo tẻ, nếp được ngâm, xay mịn rồi lọc. Sau đó, thêm bột mì, cho hành lá cắt nhỏ và gia vị. Nhân bánh là thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Cách chiên bánh cũng thật là thú vị, lạ lẫm.
Bánh cống có cách làm rất lạ, và ăn cũng ngon lạ lùng.
Chảo đổ nhiều dầu, đủ ngập cống. Khi dầu sôi, cho bột, đậu xanh, thịt vào cống, đổ một lớp bột lên rồi mới cho vài con tôm vào. Nhúng cống ngập trong dầu, bánh chín vàng thì nhấc cống ra, đổ bánh ra đĩa.
Khi đó, khó ai có thể cưỡng lại mùi thơm lừng và những chiếc bánh ngon giòn vàng ruộm đang mời gọi. Bánh cống ăn chung với nước mắm chua ngọt, các loại rau sống, rau thơm và đu đủ chua, ngon hết sảy.
Lẩu bần Phù Sa
Từ nguyên liệu cực kỳ dân giã là bần, người dân Cần Thơ đã sáng tạo ra món lẩu bần thanh dịu, dễ ăn. Lẩu bần ngon là lẩu nấu tứ bần chín, vị lẩu phải chua chua thanh thanh và còn thơm thơm riêng của loại cây bần.
Lẩu bần vị chua thanh thanh dịu dịu.
Lẩu bần được nấu chung với các loại cá theo mùa, khi thí cá tra, basa, lúc lại cá điêu hồng. Thậm chí, giờ đây, nhiều khách giàu có còn thích lẩu bần nấu với ba ba. Nếu về Cần Thơ mùa nước nổi, sau những con lũ, khách phương xa may mắn còn được ăn lẩu bần với bông điên điển bên cạnh các loại rau bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng… bình thường khác.
Ốc nướng tiêu
Trong các nhà hàng hiện nay ở thành phố, chẳng khó kiếm ốc nướng tiêu. Tuy nhiên, về Cần Thơ ăn món này lại thấy ngon hơn. Không biết phải do ốc tươi hay do tay người nướng hay bởi tại cảnh, tại tình?
Ốc nướng tiêu ngon ngọt và nguyên chất rất tuyệt.
Từng con ốc bươu mà người miền Tây hay gọi là ốc bưu, được luộc sơ. Khi có yêu cầu, ốc bỏ lên bếp than, vừa nướng vừa thêm mắm pha tiêu, tỏi, bột ngọt vào, chỉ chốc lát là nước trong ốc sôi lên, một chút là được. Để lâu quá, ốc sẽ khô, không còn ngon ngọt nữa.
Từng con ốc nguyên vò bày ra đĩa cùng rau răm thơm lừng khiến ai cũng phải suýt xoa. Ốc vừa ăn, rất giòn, rất ngọt, lại thêm gia vị đậm đà, đến nước ốc cũng hấp dẫn không tả. Cứ thế mà ăn thì mỗi người phải “tiêu thụ” hết số ốc tính bằng cân mà còn chưa thỏa mãn.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%