Nội tạng chứa nhiều hàm lượng cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho người tiêu dùng.
Nội tạng lợn, gà là loại thực phẩm dễ gây ra nhiều dịch bệnh. |
Bộ NNPTNT vừa có Công văn số 79 do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh. Nhiều nhà khoa học cho rằng, đề xuất trên của Bộ NNPTNT không thể chấp nhận được, vì sẽ góp phần gây hại sức khỏe của người dân trong nước.
Nhập do áp lực quốc tế?
Theo Bộ NNPTNT, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007, số lượng thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu vào nước ta đã tăng lên nhanh chóng. Trong đó, đã có nhiều loại nội tạng trắng như xách trâu, bò; dạ dày, tràng, ngẩu pín, tinh hoàn, mề gà được nhập về.
Sau đó, do phát hiện một số lô hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1152 ngày 7.7.2010 yêu cầu, Bộ NNPTNT tạm dừng kiểm dịch (tức không cho nhập khẩu) mặt hàng này và việc cấm nhập khẩu trên được duy trì đến tận thời điểm này. Tuy nhiên, không hiểu sao sau hơn 2 năm, đến ngày 8.1 vừa qua, chính Bộ NNPTNT lại có đề xuất Chính phủ cho nhập khẩu trở lại các loại nội tạng trên.
Giải thích cho đề xuất này, Bộ NNPTNT đã đưa ra 3 lý do chính, đó là: Các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn đã… gây sức ép với Việt Nam khi cho rằng, nước ta đã vi phạm quy định của Hiệp định Kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi cấm nhập nội tạng. Mặt khác, lượng nhập khẩu nội tạng trắng (nếu cho phép), cũng sẽ không lớn. Một lý do nữa, cũng được Bộ NNPTNT đưa ra là, năng lực kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu của Việt Nam đã được nâng lên.
Để làm rõ hơn vấn đề này, ngay trong ngày hôm qua (10/1), PV đã trao đổi với Cục Thú y (Bộ NNPTNT). Đại diện Cục Thú y là ông Phùng Minh Phong - Trưởng phòng Kiểm dịch lý giải: "Hiện thị trường trong nước không thiếu nội tạng động vật, nhưng do liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế, nên Bộ NNPTNT mới đề xuất cho nhập khẩu trở lại nội tạng trắng. Còn cụ thể như thế nào, thì phải hỏi Vụ Hợp tác quốc tế".
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, đúng là thị trường trong nước không thiếu nội tạng động vật. "Lý do vì sao chúng tôi đề xuất cho nhập khẩu nội tạng đã trình bày hết trong công văn gửi Phó Thủ tướng và chúng tôi cũng đang đợi Phó Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo" - ông Minh nói.
Theo số liệu của Cục Thú y, tổng số lượng nội tạng nhập vào Việt Nam… không lớn. Cụ thể, năm 2009 là 447,78 tấn, và 2010 là 22,57 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Australia, Ba Lan…
Nhiều độc tố
Trước đề xuất khó hiểu trên của Bộ NNPTNT, PGS - TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: "Quan điểm của cá nhân tôi và Hội Chăn nuôi là, không nên cho phép nhập khẩu nội tạng". Lý do, theo ông Vang, nội tạng luôn chứa nhiều hàm lượng cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.
"Việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt, còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan cho gia súc, gia cầm, ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước"- ông Vang nói thẳng. Cũng theo ông Vang, trước khi đưa ra đề xuất nhập khẩu nội tạng, đáng lẽ Bộ NNPTNT cần hỏi ý kiến của người dân và nhà khoa học.
"Tôi khẳng định, nếu được hỏi, chắc chắn người dân và nhà khoa học đều phản đối, không đồng ý với quyết định cho nhập nội tạng" - ông Vang khẳng định thêm.
Sau đề xuất trên của Bộ NNPTNT, nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở Cầu Giấy (Hà Nội) nói: "Tôi thực sự không hiểu vì sao các nhà quản lý lại đề xuất đi nhập khẩu nội tạng, những thứ ở các nước phát triển họ không dùng, chỉ bỏ đi, thì mình lại nhập về ăn".
Còn ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho biết: "Hiện HTX của chúng tôi mỗi một lứa chăn nuôi khoảng 170.000 con lợn. Khi xuất lợn, gà cho các lò mổ họ phản ánh lại, nội tạng tiêu thụ rất khó, thậm chí có thời điểm bán nội tạng cho những người nuôi cá sấu cũng vẫn ế. Nếu cho phép nhập khẩu, các cơ quan chức năng không kiểm soát tốt có thể mang theo mầm bệnh vào trong nước, ảnh hưởng tới người chăn nuôi".
Trên thực tế, theo tìm hiểu, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ nhập khẩu cả nội tạng thối về để tiêu thụ. Chỉ tính riêng tại Lào Cai, năm 2011 đã xử lý 19 vụ phủ tạng động vật thối bị bắt giữ và xử lý với số lượng trên 1,3 tấn. Còn năm 2012, dù chỉ phát hiện 2 vụ nhập lậu nội tạng, nhưng số lượng phát hiện được lại lên đến 1,5 tấn.
Trả lời về việc, cơ quan chức năng có đủ năng lực để kiểm soát nội tạng nhập khẩu (nếu được cho phép), ông Hoàng Chính Phương - Phó Chi cục trưởng phụ trách - Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai cho biết: "Chức năng và nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ kiểm soát ở cửa khẩu, còn kiểm dịch xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển lậu lại thuộc về các đơn vị khác".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám: Do cơ quan tham mưu! Trước sự bức xúc của dư luận về đề xuất trên của Bộ NNPTNT, hôm qua (10/1), PV đã trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng Vũ Văn Tám - người trực tiếp ký công văn này để tìm hiểu rõ hơn vấn đề. Ông Tám chỉ nói: "Cái này là do Cục Thú y - cơ quan tham mưu trình lên, tôi chỉ ký. Còn tôi cũng không biết dư luận bức xúc như thế nào. Muốn biết cụ thể hơn thì trao đổi với anh Đông (ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y), còn tôi đang bận đi công tác". Tuy nhiên, khi trao đổi với với ông Đông, ông này cho biết, việc này Cục chỉ có trách nhiệm báo cáo lên Bộ, còn có ý kiến thế nào là do Bộ quyết định. Ông Đông cũng giải thích thêm, việc cho nhập khẩu nội tạng động vật trở lại không có nghĩa là cho nhập ồ ạt, mà là nhập có kiểm soát. Trước đó, tại một số cuộc giao ban về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã rất nhiều lần bức xúc về việc, nội tạng bẩn được nhập khẩu vào nước ta. Sẽ rất khó kiểm soát Lào Cai có đường biên giới dài, tình trạng buôn lậu nội tạng thường xuyên xảy ra, cách đây 2 tuần, chúng tôi cũng bắt được một vụ buôn lậu 300kg tim lợn. Thông thường, chúng tôi bắt được là cho tiêu hủy, chứ không có điều kiện để mang đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, qua các mặt hàng bắt được, chúng tôi thấy nội tạng được ướp hóa chất có thể để được rất lâu mà không bốc mùi. Theo tôi, nếu cho phép nhập khẩu nội tạng trắng, chắc chắn các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sẽ nhập về với số lượng lớn, vì mua rẻ, bán đắt. Khi đó vấn đề đặt ra là kiểm soát như thế nào, vì rất có thể sẽ có nhiều nội tạng bẩn được trà trộn vào. Tôi cho rằng, vấn đề nhập khẩu cần cân nhắc kỹ. Ông Ma Quang Trung - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai Nội tạng bao giờ cũng bẩn Việc đề xuất nhập khẩu nội tạng là vấn đề do Bộ NNPTNT quản lý nên chúng tôi không có ý kiến. Đương nhiên, nội trạng nhập khẩu cần quản lý chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và các chỉ số đảm bảo về an toàn thực phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cần mua nội tạng ở các cơ sở quen, có uy tín để đảm bảo là nội tạng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, nên cảnh giác với thức ăn đường phố, nhất là các sản phẩm như lòng lợn, tiết canh. Bởi vì nội tạng động vật thường dính các chất bẩn từ phân, qua quá trình chế biến không đảm bảo nên dễ mắc phải các vi khuẩn độc hại gây tiêu chảy, gây bệnh. Gan cũng là "ổ vi khuẩn" nếu như động vật bị bệnh... Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Ăn nội tạng, lợi ít hại nhiều Phần lớn nội tạng động vật cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho cơ thể như chất đạm, chất béo. Trong gan, tim, bầu dục động vật có nhiều vitamin A, kẽm, sắt có lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cũng chỉ nên ăn một lượng vừa phải, không nên ăn nhiều. Đáng lưu ý, nội tạng còn chứa rất nhiều chất béo, đặc biệt là cholesterol trong óc, gan, lòng lợn, mỡ vặt nhồi trong dồi… Những thực phẩm giàu cholesterol không thích hợp với người già, người có bệnh tim, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, suy thận, tiểu đường, gout. Cholesterol trong máu cao sẽ làm cho động mạch bị tắc, dẫn đến các nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Những người thừa cân hoặc có chỉ số mỡ máu cao thì nên "kiêng" ăn nội tạng. Vì thế, những người "khoái khẩu" nội tạng, ăn thường xuyên, ăn nhiều thì nguy cơ mỡ máu rất cao. TS Nguyễn Thị Lâm- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Diệu Linh - Phi Long (ghi) |
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Việt Nam có 'miền gái đẹp' nức tiếng, đàn ông đến đây chẳng muốn quay về
- Thủy Tiên bị cô lập trong lần xuất hiện mới nhất?
- 'Ba việc phải làm và không nên làm' khi tiếp đón con dâu (rể) tương lai để tạo ấn tượng tốt đẹp trong lần gặp đầu tiên
- Nét tướng phú quý của phụ nữ: 10 đặc điểm khuôn mặt nhận biết phụ nữ giàu sang, hạnh phúc trong hôn nhân
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar