“Con ơi là con, sao lại khổ thế này! Mẹ bán từng bịch bánh tráng để kiếm từng đồng từng cắc mong con ăn học thành tài sao giờ con lại thế này! Tôi mất một lúc hai đứa con làm sao tôi chịu được, trời ơi…”.
|
Hết gọi con lại kêu trời, người mẹ vừa khóc vừa đưa tay đấm thình thịch vào ngực khiến những người thân không cầm được nước mắt.
Không đau sao được khi mức án đề nghị với hai đứa con gái - hai sinh viên trường đại học mà bà dứt ruột sinh ra là một án tử hình, một án tù chung thân.
Đồng tiền tội lỗi
Ngồi trước vành móng ngựa, hai chị em Trần Hà Duy (23 tuổi) và Trần Hạ Tiên (21 tuổi) – hai gương mặt còn rất trẻ không một lần dám ngoảnh mặt nhìn xuống khán phòng. Có lẽ các bị cáo sợ sẽ bắt gặp phải ánh mắt đau đớn của mẹ và những người thân.
Phòng xử TAND TP. HCM chật kín người dự khán, phần lớn họ là những sinh viên đang trong thời gian thực tập, chuẩn bị bước vào đời. Giá như không vướng chân vào con đường tội lỗi thì có lẽ chị em Duy giờ đã khác, biết đâu cũng sẽ đang thực tập ở một môi trường nào đó!
Chị em Trần Hà Duy, Trần Hạ Tiên trước vành móng ngựa
Gần 1 năm về trước, khoảng 22 giờ ngày 18/7/2011, chuyến bay quốc tế mang số QR688 từ thành phố Doha (Ấn Độ) đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM). Trong dòng người nhập cảnh có cô gái trẻ mang tên Trần Hạ Tiên (SN 1991, hộ chiếu số B4785006, quê Lâm Đồng).
Quá trình kiểm tra hành lý, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất nhận thấy có những dấu hiệu khả nghi đối với cô gái trẻ và valy hành lý cô mang theo. Đúng như nghi ngờ, tổ công tác kiểm tra phát hiện dưới tấm lót của đáy valy hành lý là một bao nylon màu đen đựng loại chất rắn màu trắng dạng tinh thể, bên ngoài được quấn băng keo có trọng lượng gần 4,1kg. Theo kết quả giám định, đó là ma túy. Cũng từ đó, những ngày tháng tự do của nữ sinh trường Đại học Văn Lang mang tên Trần Hạ Tiên kết thúc.
Sau ít ngày Trần Hạ Tiên bị bắt, một nữ sinh Đại học Hồng Bàng khác mang tên Trần Hà Duy từ nước ngoài trở về Việt Nam ra công an đầu thú. Đó cũng chính là chị gái của Trần Hạ Tiên. Từ đây, một đường dây vận chuyển ma túy cho nhóm tội phạm gốc Phi dần hé lộ. Tính đến khi bị bắt, Duy đã có tổng cộng 7 lần “xuất ngoại” với những cái valy chứa số ma túy được tính bằng kg.
Tại cơ quan điều tra, Duy khai: cuối năm 2007, trong một lần đón xe buýt đi học, Duy có quen với một người gốc Phi tên Francis và hai người trao đổi số điện thoại với nhau. Hơn 2 năm sau, bất chợt Francis gọi điện thoại cho Duy hỏi thăm sức khỏe và bảo có công việc kinh doanh tốt mà Duy có thể tham gia kiếm tiền.
Công việc này rất đơn giản, chỉ phải mang hàng mẫu gồm quần áo, giày dép cho đối tác ở nước ngoài về, mọi chi phí đi lại, ăn ở đều được “công ty” lo liệu. Về tiền công, nếu đi Malaysia sẽ được trả 500 USD/chuyến, đi Ấn Độ thì 1.000 USD. Nghĩ đến khoản tiền công quá hậu hĩnh lại được ra nước ngoài, Duy lập tức nhận lời.
Những chuyến bay xuất ngoại dần trở nên quen thuộc. Sau nhiều lần kiếm tiền dễ dàng, Duy nghi ngờ “hàng mẫu” trên là mặt hàng phạm pháp nên đã nhắn tin cho Francis hỏi có phải vật trong đáy valy là ma túy hay không.
Francis không hề chối bỏ sự thật, lúc này nữ sinh Đại học Hồng Bàng biết là mình đã tham gia đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Tệ hại hơn là Duy đã lôi kéo chính em ruột của mình Trần Hạ Tiên vào con đường tội lỗi. Vì sợ Francis sẽ ra tay, Duy tiếp tục im lặng, nhắm mắt đưa chân. Tính đến khi bị bắt Duy đã vận chuyển tổng cộng 7,5 kg còn Trần Hạ Tiên đã vận chuyển 4,04 kg.
Được và mất
Bị cáo quen biết Francis và nhận lời vận chuyển ma túy trong hoàn cảnh nào?
- Năm 2007.
Khi nào bị cáo vận chuyển ma túy?
- Năm 2011, khi bị cáo đang học năm 3 thì Francis gọi điện hỏi thăm, nói có công việc tốt, bị cáo nghĩ rằng làm thêm sẽ có tiền để trang trải học hành, được ra nước giao tiếp ngoại ngữ để sau này đi làm nên nhận lời.
Bị cáo không biết đó là ma túy. Vậy khi nào bị cáo biết đó là ma túy?
- Lần cuối cùng ạ.
Khi nào bị cáo bị bắt?
- Dạ, khi bị cáo ở nước ngoài đọc báo mạng thấy đăng tin em gái bị bắt nên bị cáo về Việt Nam và ra đầu thú.
Tổng cộng được trả bao nhiêu tiền?
- Dạ 4.600 USD.
Bị cáo học Đại học học ngành gì?
- Quản trị kinh doanh ạ.
Bị cáo học quản trị kinh doanh, có doanh nghiệp nào mà bỏ ra hàng ngàn USD chưa kể chi phí ăn uống, đi lại để vận chuyển khoảng 10 chiếc áo sơ mi không? Bị cáo có học, lại học về quản trị kinh doanh vậy bị cáo nghĩ thế nào?
…Ôm mặt khóc, Trần Hà Duy không trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Bị cáo Trần Hạ Tiên khóc nức nở nhìn người thân trên đường lên xe về trại
Nghe chị trả lời, đôi vai Tiên run lên bần bật. Bị cáo nức nở: “Bị cáo ở chung với chị hai, tiền chị hai giữ cần thì bị cáo mới xin, bị cáo chỉ nghĩ là đi làm kiếm tiền để chị em trang trải cuộc sống thôi.
Lúc đầu bị cáo không biết là ma túy, sau nghi ngờ lo sợ nhưng chị hai bảo là “cứ đem về Việt Nam đi, không sao đâu” nhưng ngay sau đó đã bị bắt”.
Trong lúc chị em Duy trả lời, dưới khán phòng người mẹ cúi gằm, đôi môi mím chặt cố ngăn từng giọt nước mắt lăn dài trước từng lời khai của con trẻ.
Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt Trần Hà Duy mức án tử hình, Trần Hạ Tiên mức án tù chung thân cùng về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Được trình bày lời nói sau cùng, chị em Duy nức nở: “Hôm nay, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo đã mất tất cả, mất tương lai sự nghiệp, bị cáo xin tòa cho chị em bị cáo một cơ hội được sống để sau này có thể trở về với gia đình, làm một người có ích”. Nghe những lời trình bày của hai đứa con, người mẹ bật khóc.
“Con ơi là con, sao lại khổ thế này! Mẹ bán từng bịch bánh tráng để kiếm từng đồng từng cắc mong con ăn học thành tài sao giờ con lại thế này! Tôi mất một lúc hai đứa con làm sao tôi chịu được! Trời ơi, sao không giết cả mẹ đi con ơi, mong con khôn lớn trưởng thành để dựa vào con giờ con lại thế này…”, hết gọi con lại kêu trời, người mẹ vừa khóc vừa đưa tay đấm thình thịch vào ngực khiến những người thân không cầm được nước mắt.
Bà mếu máo cho biết trong thời gian đi học, Duy gọi về nói, bọn con đi làm thêm mẹ không phải gửi nữa để lo cho các em, các con lại có cơ hội học ngoại ngữ, chưa kịp mừng vậy mà…Người mẹ lại vật vã khi nghĩ đến bản án tử hình.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng nhưng bị cáo Duy đã ra đầu thú, quá trình điều tra bị cáo đã chủ động khai báo, giúp cơ quan điều tra thu giữ thêm hai valy có chứa ma túy khác, bị cáo có nhân thân tốt… nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Từ đó, Tòa tuyên phạt Trần Hà Duy mức án tù chung thân, Trần Hạ Tiên mức án 20 năm tù cùng về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”, buộc các bị cáo nộp phạt bổ sung khoản tiền tổng cộng là 80 triệu đồng.
Phiên tòa khép lại. Dù thoát án tử nhưng đường về với chị em nữ sinh trẻ tuổi còn rất xa. Số tiền 4.600 USD từ những chuyến “xuất ngoại” tuy lớn nhưng so với tương lai của họ thì sự chênh lệch giữa cái được và cái mất quá rõ ràng.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?