Hắt hủi, ruồng rẫy, bạo hành... với người già hiện đang tồn tại phổ biến, báo động sự xuống cấp của đạo đức và rạn nứt truyền thống gia đình.
Ông Ngô Vi N bị con gái đẩy ra vỉa hè "phơi nắng" hơn 10 tiếng đồng hồ |
Hiện nay, tình trạng người già bị ngược đãi xảy ra ngày càng nhiều. Đây là nỗi buồn trong xã hội hiện đại. Nhiều đứa con bất hiếu đã thẳng tay đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà, thậm chí đánh đập dã man người đã mang nặng đẻ đau... vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào trung tâm dưỡng lão, lang thang tạo ra một áp lực lớn cho công tác an sinh xã hội.
Lắm con nhiều cháu, cuối đời vẫn không nơi nương tựa
Thời gian gần đây, cư dân mạng rất bất bình về vụ việc cụ Ngô Vi N, 87 tuổi ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) bị chính con gái và cháu rể trải chiếu đặt ra vỉa hè, đuổi cụ ra khỏi nhà. Cụ bị phơi nắng hơn 10h đồng hồ, trước sự phẫn nộ và bức xúc của dư luận và sự tham gia của chính quyền, cụ mới được con gái và cháu rể đưa về căn nhà cũ ở phố Chùa Bộc. Ở tuổi 87, lẽ ra cụ N phải được các con cháu chăm sóc, nhưng ngược lại, họ đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng đẩy cụ ra ngoài đường. Đây là một thực tế về sự tha hóa đạo đức, ngược đãi với người sinh thành của những kẻ làm con, làm cháu. Thời xưa, bất hiếu với cha mẹ bị coi trọng tội nhưng khi xã hội ngày càng phát triển thì việc hiếu đễ đối với cha mẹ đang bị xem nhẹ, nhất là với lối sống thực dụng của giới trẻ.
Cũng vào đầu năm 2012 vừa qua, tại thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội xôn xao câu chuyện ông Nguyễn Văn Q và bà Nguyễn Thị C bị con trai đuổi ra khỏi nhà. Cả cuộc đời, ông bà đã vất vả lăn lộn mưu sinh để nuôi 7 đứa con trưởng thành. Khi các con khôn lớn, vì không muốn làm phiền con cái nên ông bà sống độc lập. Và khi công việc không được thuận lợi, ông bà mới tìm về ở với người con cả. Nhưng rồi cuộc sống chung cũng không kéo dài được bao lâu, ông bà đành chuyển đến nhà người con trai thứ ba để ở. Ở đây, ông bà đã dồn hết những khoản tiền chắt chiu đưa cho con trai xây nhà. Và một việc không ai ngờ tới, đó là khi khánh thành nhà thì cũng là lúc ông bà bị con trai… đuổi ra khỏi nhà. Quá cay đắng, ông bà đành dọn đến một căn nhà ở gần đình làng sống. Bà C mắt mờ, chân chậm không làm được việc gì, ông Q đi bắt tôm cá bán lấy tiền sống qua ngày trước sự thờ ơ của các con.
Những câu chuyện nhói lòng này không hiếm găp ở khắp các tỉnh thành từ đô thị đến nông thôn. Gần đây, một loạt các câu chuyện thương tâm khi bố mẹ bị con cái phó mặc hoàn toàn cho người giúp việc chăm sóc và không mảy may quan tâm, thậm chí cho đến lúc chết. Hiện trạng này như một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức trầm trọng của con người trong xã hội hiện đại.
Hiện tượng người già bị con cái biệt lập nơi ở vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ là rất nhiều. Hiện nay, chưa có một cơ quan chức năng nào thống kê được trong 10% dân số là người cao tuổi (khoảng 8,5 triệu người) có bao nhiêu người bị con cháu ngược đãi. Nhưng 70% trong số họ không có tích lũy về tài chính, và có tới 95% thường xuyên bị mắc bệnh tật.
Trước khi tham mưu cho Quốc hội xây dựng Luật Người cao tuổi Việt Nam, Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam đã có một cuộc khảo sát thực trạng bạo lực gia đình ở một số tỉnh miền Nam. Kết quả rất đau lòng có tới 90% số người cao tuổi được hỏi cho biết đã từng bị con cháu bỏ rơi và không được chăm sóc, 50% người già bị con cái nhốt trong nhà. Và theo nhiều thống kê khác thì các con số về bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Đây là một thực trạng đáng báo động.
Mai một chữ "hiếu" thời hiện đại?
Nói về căn nguyên của hiện trạng ngược đãi người già hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa (trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bất luận trong hoàn cảnh nào, người già cũng cần được tôn trọng và bảo vệ. Con cái ngược đãi, vứt bỏ cha mẹ già là hành vi không thể chấp nhận được. PGS.TS Kim Hoa phân tích: "Người già với trẻ con là một. Họ muốn được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Đặc điểm tâm lí của người già là rất hay tủi thân. Sức khỏe yếu, ăn uống khó khăn, vị thế gia đình giảm sút..., tất cả khiến người già có cảm giác "bất lực" với cuộc sống và các mối quan hệ trong gia đình của chính mình". Vì vây, cuộc sống của người già vui sướng hay đau khổ cũng phụ thuộc vào con cháu. PGS.TS Kim Hoa chia sẻ: "Xã hội không có quyền đối xử tệ bạc và bất công với người già. Những người con, người cháu lại càng không được phép thờ ơ, vô cảm với chính những đấng sinh thành ra mình...".
Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam thì hành vi đẩy cha mẹ ra khỏi nhà có dấu hiệu của tội ngược đãi cha mẹ theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự (BLHS)å, còn hành vi trốn tránh trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ cũng đã vi phạm vào Điều152 BLHS quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng...
Tuy vào tính chất, mức độ của từng trường hợp mà việc ngược đãi, hành hạ cha mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp như ngược đãi bố mẹ, gây thương tích, tùy vào từng mức độ nặng, nhẹ sẽ bị khởi tố và có thể bị phạt tù. Nhưng người Việt Nam xưa nay luôn muốn giữ gìn thể diện của mình, của con, vì xấu hổ nên thường chọn giải pháp "đóng cửa bảo nhau", cam phận khi bị con cái hắt hủi, ngược đãi. Chỉ khi nào hậu quả xảy ra quá nghiêm trọng, bị dư luận xã hội lên án thì nạn nhân mới kêu cứu. Khi những đứa con "bất trị" bị pháp luật xử lý, lúc đó vấn đề ngược đãi người già mới được mọi người quan tâm và biết rõ mức độ hiện trạng thực của nó.
Cùng trao đổi vấn đề này với PV, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (phó trưởng khoa Xã hội học, Học Viện báo chí và tuyên truyền) cho biết: "Không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là bình thường". Việc con cái thiếu trách nhiệm, ruồng rẫy, hắt hủi cha mẹ khi về già hoặc lúc bị đau ốm, bệnh tật là điều không thể chấp nhận được. Dư luận bức xúc, phẫn nộ bởi hành vi đó đã đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội, trái luân thường đạo lý. TS. Tố Quyên khẳng định: "Việc ngược đãi cha mẹ là vi phạm đến đạo lý làm con, làm người của ngàn đời xưa để lại".
Phân tích hành vi đẩy cha già ra vỉa hè của người con gái ruột, ông Ngô Vi Nhân, TS. Tố Quyên bức xúc: "Hành vi đó không chỉ đáng bị lên án, khinh bỉ mà còn để lại những hậu quả vô cùng xấu với xã hội". TS. Tố Quyên nhấn mạnh, dưới góc độ xã hội học, hành vi con cái ngược đãi, ruồng rẫy cha mẹ già không còn là chuyện của một cá nhân, hoàn cảnh của một gia đình đơn lẻ mà là một hiện tượng xã hội. Hiện tượng này nếu không được điều chỉnh sẽ để lại những hệ lụy xã hội như hình thành những nhận thức lầm lạc, những ứng xử thiếu văn hóa, những hành vi vô nhân đạo... Và hậu quả lớn hơn là cả một thế hệ "tương lai của đất nước" cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bà dẫn chứng một câu nói của một nhà khoa học: "Trẻ em không nghe người lớn nói gì nhưng chúng sẽ mở căng mắt ra nhìn xem người lớn làm gì và chúng sẽ làm theo...". Và một cảnh báo là, nếu chúng ta có hành vi bạc đãi với cha mẹ sinh thành thì cũng đừng hi vọng khi về già sẽ được con cái báo hiếu.
TS Quyên nhắc đến câu chuyện "cái gáo dừa sứt" của trẻ em, như một ví dụ điển hình cho luật nhân quả. Bà Quyên nhận định: "Việc tạo nên dư luận xã hội để phản đối các hành vi bất hiếu của con cái là rất cần thiết". Với những trường hợp bất hiếu không nên dừng ở việc lên án, phê phán mà cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh".
- Đấu giá biển số vừa diễn ra, đắt nhất ở tỉnh thành nào?
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Loại gỗ quý hiếm 800 năm mới được thu hoạch, được mệnh danh ‘vàng đen’ và nằm trong Sách đỏ Việt Nam
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Ăn lẩu vào mùa đông cực ngon, nhưng ăn sai cách thì 'độc khủng khiếp', chẳng khác nào tự rước ung thư vào người
- Từ 15/1/2025: Đi xe máy mới mua chưa có đăng ký xe và chưa có biển số sẽ bị CSGT tịch thu, đúng không?
- 230 triệu năm trước, có một trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm, đưa loài khủng long lên vị trí thống trị
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước