Khi đời sống xã hội ngày càng tiện nghi hơn, hiện đại hơn thì tiếc rằng người ta lại cư xử với nhau ngược lại: “đồ vật để yêu thương, còn con người để sử dụng.
Ảnh minh họa |
Xung quanh câu chuyện ông Tiến sĩ đánh mẹ (quận Hai Bà Trưng, HN); con cái cùng nhau đẩy bố ốm ra đường (Núi Trúc, HN) và mới đây là vụ vợ tố con cùng chồng là thầy giáo đánh đập, PV đã có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Nguyệt, Giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐHSPHN và PGS. TS Trịnh Hòa Bình, GĐTT Dư luận xã hội (Viện XHH).
TS Lê Minh Nguyệt: Xã hội càng hiện đại thì đồ vật đề yêu thương, con người để sử dụng
Những vụ như ông Tiến sĩ đánh mẹ rồi đuổi mẹ ra đường, con đẩy bố ốm ra vỉa hè chỉ vì tranh chấp ngôi nhà; rồi vợ tố chồng cùng con trai đánh đập… là hành vi của những người thiếu nhân tính, đạo đức và vô văn hóa. Nghe những chuyện như thế những người bình thường cảm thấy đau lòng, nhức nhối. Tôi không thể tin nổi người ta có thể đối xử như vậy với những người thân yêu nhất của mình.
TS Lê Minh Nguyệt
Có thể nói không quá, những hiện tượng như vậy là “quái thai” của xã hội. Những “quái thai” như trên thời nào cũng có, không ít thì nhiều và đó là hàn thử biểu để nhận ra sức khỏe đạo đức và văn hóa của một xã hội. Nếu quái thai nhiều đến mức phổ biến thì xã hội sẽ trở thành không bình thường, một xã hội xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa.
Để lý giải điều đó chúng ta cần phân biệt sự khác nhau rất xa giữa đạo đức, văn hóa và học vấn. Văn hóa là nền tảng của mỗi cá nhân và xã hội. Nó được hình thành bởi sự sàng lọc, lắng đọng nhiều đời.
Sự hình thành văn hóa cá nhân hay văn hóa xã hội là quá trình tích lũy các trải nghiệm của cá nhân hay xã hội đó. Còn học vấn là phạm trù rất hẹp, thể hiện sự nhận thức, hiểu biết của mỗi cá nhân, mỗi xã hội về một lĩnh vực nào đó.
Từ học vấn tới văn hóa là khoảng cách xa vời vợi. Có học vấn cao hoàn toàn không có nghĩa là có văn hóa cao và ngược lại, học vấn thấp là văn hóa thấp hay không có văn hóa. Chính vì vậy, những người nói trên có thể là những người có trình độ học vấn cao nhưng không hẳn là người có văn hoá.
Những chuyện đau lòng đó, một mặt là do sự tác động trực tiếp và quá mạnh của lối sống lấy vật chất, tiền bạc làm giá trị sống cao nhất, đồng thời là hệ quả của giáo dục.
Không ít người coi đồng tiền lớn hơn tất cả, sẵn sàng bất chấp cả dư luận, chỉ cốt sao có lợi cho cá nhân mình. Thay vì coi trọng nhân cách, đạo đức và văn hóa, người ta tôn sùng đồng tiền và các mối quan hệ xã hội kiếm được ra tiền. Họ cho rằng, giá trị của mỗi cá nhân được đo bằng quyền, bằng tiền.
Họ quan niệm, nếu có nhiều tiền, sẽ làm được tất cả mọi chuyện. Họ nghĩ, chỉ khư khư giữ lấy đạo đức, liệu có mấy người yêu quý họ, trong khi, nếu có nhiều tiền, chắc chắc sẽ được thiên hạ trọng vọng hơn.
Nhân đây, tôi có cảm nhận ngày xưa khi đời sống xã hội chưa phát triển, cuộc sống của con người còn nghèo vật chất thì chúng ta thường cư xử với nhau theo kiểu “đồ vật để sử dụng, con người để yêu thương”. Nhưng khi đời sống xã hội ngày càng tiện nghi hơn, hiện đại hơn thì người ta lại cư xử với nhau ngược lại: “đồ vật để yêu thương, còn con người để sử dụng”.
Dứt khoát tình trạng đạo đức, văn hóa xã hội xuống cấp là hệ quả trực tiếp của nền giáo dục bất cập đã tồn tại từ rất lâu mà rất nhiều tiếng nói tâm huyết đề nghị cần phải cải cách toàn diện và triệt để.
Nếu một nền giáo dục không hướng tới việc phát triển con người có nhân cách toàn diện, nhân bản, có văn hóa, mà chỉ hướng đến đào tạo con người như một công cụ lao động phục vụ sản xuất xã hội, chỉ biết phục tùng một cách máy móc, vô cảm, trước mắt thì nền giáo dục ấy sẽ không bao giờ có được những thế hệ có nhân cách toàn diện (vừa có đức, vừa có tài).
Đặc biệt là vai trò của giáo dục gia đình. Cần nhấn mạnh tất cả đều bắt nguồn từ giáo dục gia đình. Trong giáo dục và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trước hết phải lấy tình cảm và đạo lí làm gốc, nền tảng, làm cơ sở…
Khi các yếu tố này không được coi trọng, nghĩa là sợi dây tình cảm và đạo lí bị giảm thiểu và mất mát thì quan hệ gia đình sẽ vỡ nát, vỡ vụn là điều không tránh khỏi. Những hành vi thô bạo, vô đạo sẽ làm mất những mối quan hệ truyền thống bền chặt nhất, làm tiềm ẩn khả năng băng hoại kỷ cương gia đình, xã hội: làm xuất hiện và lan tràn những hành vi xấu, hành vi ác. Những giá trị sống được xây dựng công phu trong bao năm bắt đầu bị bào mòn.
Hơn nữa, trong giáo dục gia đình nhiều bậc cha mẹ sinh con ra là muốn con thành ngôi sao, thần tượng, thành ông nọ bà kia. Có thể nói các hiện tượng nói trên là kết quả của cách thức giáo dục vì các giá trị vật chất, quyền lực, chấp nhận sự giả dối, hư danh, coi đồng tiền là giá trị cao nhất. Hậu quả thì chúng ta đã thấy rõ.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi nếu chỉ lên án, chê trách những con người cụ thể ấy thì không có giá trị nhiều trong giáo dục đạo đức. Đừng dồn sự căm tức, uất hận lên một con người, bởi nhiều khi con người ấy có thể chỉ là nạn nhân, là sản phẩm của xã hội và của giáo dục. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải nghĩ tại sao họ lại “hành xử” như vậy.
Mặt khác, phải làm cho họ thấy được rằng các giá trị văn hóa như chị ngã em nâng, máu chảy ruột mềm, thương người như thể thương thân, một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ… là những nét đẹp, nét nhân bản trong quan hệ người - người mà mọi xã hội, mọi thời đại vẫn còn giá trị.
Phải làm thế nào cho nhiều người biết, nhiều người thấy nhức nhối với nỗi đau này, phải làm cho nhiều người thấy hổ thẹn, khiến họ có động lực hành động, đóng góp một phần nào đó để thay đổi.
Hiện nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy các hiện tượng quái thai như trên không ít và đang tạo nên sự bức xúc trong dư luận xã hội. Hy vọng, các quái thai trên sẽ giảm trong tương lai, khi trạng thái đạo đức xã hội được lành mạnh.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Sự đứt gãy giá trị, thói vị kỷ lên ngôi
TS Trịnh Hòa Bình
Nghe những chuyện như vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên. Bởi người ta cứ nghĩ rằng xã hội chúng ta "ưu việt" như thế, tưởng như nó không có.
Nhưng nên nhớ ẩn đằng sau lớp son hàng mấy chục năm trời giáo dục đạo đức chung, đạo đức tập thể tiêu diệt đi phần luân lý cá nhân, cái gương mẫu của mỗi người giảm đi và khi làm việc xấu nó chìm trong đám đông.
Bức tranh cả xã hội như vậy đấy là thành quả giáo dục cộng sản mấy chục năm không gì dễ có được.
Những chuyện như vậy là do gia giáo bị xâm hại, đạo lý bị đảo lộn, tinh thần đạo đức, giá trị bị xuống cấp. Người có học cũng tham gia vào những hành vi kiểu như thế mỗi ngày một nhiều hơn.
Có gì đảm bảo những người có học vấn cao, có một quá trình giáo dục đầy đủ thì sẽ tử tế hơn người ít giáo dục hơn?
Ở ta, giáo dục về phương diện học thức chỉ trang bị tri thức, kiến thức, kỹ năng để hành xử nghề nghiệp chứ không phải ai đó học cao tự nhiên trở thành con người đạo đức tốt.
Điều đó không có gì đảm bảo ông Tiến sĩ sẽ đứng đắn hơn ông cử nhân; cũng không có gì đảm bảo ông PGS, GS sẽ tử tế hơn kẻ đánh giày.
Bởi vì nó còn phụ thuộc vào một kênh giáo dục khác nữa đó là: truyền thống đạo đức gia đình hoặc thấm nhuần đạo lý, luân thường của luân lý xã hội, cá nhân mà lâu nay chúng ta bỏ quên.
Chúng ta sa vào lý luận đạo đức cộng sản một cách chung chung mà quên hết cái phần con người với con người, con người với gia đình, dòng tộc và con người với xã hội.
Vì vậy, chúng ta đừng ngạc nhiên mà nên nhớ khi con người ta xấu mà học vấn càng cao thì người ta càng tinh ranh, càng xảo quyệt, mưu mô và nham hiểm.
Khi bị áp lực, họ không đủ sức để chơi với ngoài xã hội thì họ chỉ giáng những điều đó lên người thân, gia đình, họ tộc của chính mình thôi.
Khi con người ta không hoàn thiện về mặt nhân cách, đứng trước những khó khăn gay gắt, quyết liệt hơn, người ta dễ có những hành vi rối loạn về phương diện ứng xử bởi người ta lệch lạc về mặt giá trị và động cơ vị kỷ, thấp hèn chỉ trong mình nổi lên. Họ chỉ tính đến lợi ích của họ thôi.
Vì vậy, đối với họ người thân và người không thân cũng chả là cái gì cả.
Cái tam giác gia đình - nhà trường - xã hội không làm đầy đủ chức năng vốn có của nó. Đặc biệt là gia đình, trong thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập... người ta giải quyết rất dễ thành ra nó bục vỡ ra nhiều cái như thế.
Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nâng cao mức sống và thỏa mãn an sinh cho toàn xã hội, như vậy sẽ giảm bớt được áp lực đối với gia đình.
Xã hội chúng ta đang có những vấn đề, đang bệnh tật như vậy thì gia đình cũng không khác được.
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Quy định độ tuổi tối thiểu và tối đa được phép lái xe theo Luật mới từ ngày 1/1/2025
- Hôm nào không khí lạnh tràn về miền Bắc? Hà Nội rét bao nhiêu độ?
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar