Dân tố nhà sư phá giới đâm tượng Phật, mạt sát người cúng dường
Thứ hai, 05/05/2014 11:20

Đơn tố cáo của người dân tố người đàn ông tên Lê Văn Tân đi tu từ nhỏ (hiện 36 tuổi, quê ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

Một vị sư từng khiến dư luận phẫn nộ vì hành vi 'tà đạo' của mình (Ảnh: Internet)

Một vị sư từng khiến dư luận phẫn nộ vì hành vi 'tà đạo' của mình (Ảnh: Internet)

Khi lớn ông Tân tự mình đổi tên thành Lê Phước Thành, lấy pháp danh là Thích Thiện Phong, đang tu ở chùa Thạc Lại (ông đổi tên thành chùa Mỹ Lại, thuộc tổ 9, KV 4, phường Hương Sơ, TP.Huế). Ông Phong đang được rất nhiều người cho rằng tuy là người tu hành nhưng làm nhiều việc phá giới như lừa đảo tiền giáo viên đã nghỉ hưu, ăn chơi sa đọa, ăn mặn, nhậu bia, “quan hệ với phụ nữ”, đâm tượng phật, lấy chuông chùa đi bán.

Chuyện phức tạp đến nỗi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bổ nhiệm Ban hộ niệm phật đường chùa Thạc Lại, nhưng những người được trúng cử này không hề sinh hoạt ở chùa vì không đồng lòng với thầy trụ trì.

Vụ kiện cúng dường cả ngôi nhà cho chùa

Bà Nguyễn Thị Thảo (60 tuổi, ngụ số nhà 46 kiệt 263 đường Bà Triệu, TP Huế) trước kia từng là một giáo viên dạy môn Sinh ở trường THPT Gia Hội nay đã nghỉ hưu. Muốn tìm nơi bình an để an dưỡng tuổi già, sẵn có ngôi nhà ở trung tâm TP. Huế, bà dự định sẽ bán ngôi nhà này để cúng dường cho chùa. Đồng thời do hiện bà đang sống một mình nên cũng mong được nương tựa và vào ở ngôi chùa mà mình cúng dường. Nhưng trớ trêu thay, nguyện vọng đó đã không thành, mà còn gây rắc rối giữa bà với sư trụ trì.

C ô giáo Thảo người gầy gòm, vuốt mái tóc ngắn đã bạc, đôi mắt ươn ướt như muốn khóc, bức xúc tâm sự: “Tôi là người muốn làm công quả, thường xuyên đi chùa thăm viếng cửa Phật. Tôi định bán nhà, dành ra một nửa số tiền để cúng cho chùa Mỹ Lại, một nửa còn lại sẽ để dành những lúc ốm đau và sau này còn lo hậu sự cho mình”. Cách đây hơn hai năm, bà gặp lại một người từng quen trước đó, tên là Lê Thị Thủy (ngụ ở phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà). Chị Thủy dẫn bà tới chùa Mỹ Lại để gặp ông Lê Phước Thành. Tại đây bà bày tỏ tâm niệm của mình là nếu tôi bán ông Thành cũng sẽ làm giấy tờ để cho tôi ở lại chùa vào những ngày cuối cuộc đời.

Vào ngày 18/8/2012 bà Thảo và ông Nguyễn Minh Chung (ngụ số 113, đường Phan Đình Phùng, TP Huế) thỏa thuận mua bán nhà. Người mua đặt cọc số tiền là 70 triệu đồng. Khi đó, trụ trì chùa nhận luôn số tiền đặt cọc này. Nhưng thời gian sau “người mua, kẻ bán” lại gặp vấn đề bất hòa về giá cả nên bà Thảo phải vay tiền ở ngân hàng để trả lại số tiền đặt cọc đó cho người mua.

Vì không bán được nhà, nên bà Thảo nhiều lần tới chùa Mỹ Lại để đòi tiền. Nhưng nhà sư lại cho rằng bà Thảo đã cúng cho chùa rồi nên không có tiền để trả lại. Cả hai không thể giải quyết được mâu thuẫn và sự rắc rối trên nên bà Thảo phải làm đơn khiếu nại để đòi lại số tiền trên.

Bà Thảo kể tiếp: “Sư trụ trì thời gian sau đó hay nhắn tin cho tôi với những lời lẽ không như một nhà sư chân chính một chút nào, như vào ngày 14/10/2013, lúc 13h26 “đồ điên, ngủ đi đừng ồn, mua đô la âm phủ về mà tiêu. Điên thì lên Phạm Thị Liên mà ở” (!). Rồi đến nửa tháng sau, vào lúc 9h6’ thì “Đưa tiền không có biên lai, giấy tờ gì cả? Lấy gì mà đòi, bị hâm”. Ngoài những lời đe dọa trên, ông ta cũng có những dòng tin nhắn mong thông cảm rồi ông sẽ trả, nhưng tôi đợi mãi có thấy trả đâu”. Quá trình khiếu nại của bà Thảo đã qua nhiều lần hòa giải nhưng đều bất thành.

Quá buồn phiền vì số tiền bà đã vay mượn, hàng tháng bà Thảo cũng phải trả tiền lãi nên bà từng viết “tuyệt tâm thư”, có đoạn viết “tôi tuổi già, sức yếu, neo đơn, phải chịu còng lưng trả nợ. Còn ông Thành thẳng lưng, ung dung tự tại phè phỡn, sống theo từng giọt máu của tôi khô dần qua thời gian. Nếu ông không trả thì tôi sẽ tự sát tại chùa Mỹ Lại. Mong chính quyền, nhân dân đổ xác chết của tôi xuống đường ao trước mặt chùa, không cần làm đám tang cho tôi”.

Cũng từ bà Thảo, vô vàn tố cáo khác về sai phạm của vị sư này mới bắt đầu hé lộ.

Đâm tượng Phật, cho cúng… heo quay ở chùa

Một số người dân ở Thạc Lại cho biết, từ trước đó, biết được những việc làm có phần mờ ám của thầy trụ trì, gây ra nhiều tai tiếng nên họ rất bức xúc, đến nỗi vào ngày 25/7/2010, 11 vị hội đồng tộc trưởng của làng đã viết thư trình và ký tên gửi lên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế tố cáo những hành động sai trái của thầy Thích Thiện Phong.

“Niệm Phật đường Thạc Lại tồn tại đã hơn 600 năm nay, đây là một nơi trang nghiêm ấm cúng, ý nguyện của chúng tôi là có một vị chân tu về đây để trụ trì niệm Phật đường. Dân làng nghe theo lời giới thiệu của đạo hữu Mai Văn Nam đưa ông Thích Thiện Phong về chăm lo Phật sự. Trải qua 3 năm đầu, thầy lo tu tập chăm sóc cây cảnh, tạo cảnh quang rất đẹp và khang trang. Năm 2009, có người cúng dường cho chùa để xây dựng nhưng chúng tôi đề xuất thầy cử ra các tiểu ban để thi công, giám sát nhưng thầy không đồng ý”, một người tố cáo cho biết.

“Nhật ký” của dân làng tố cáo một vài sai phạm của sư thầy này như sau:

1. Vào ngày 11 - 12/7/2010, ông Thích Thiện Phong đã hạ chuông chùa xuống. Ông còn đâm vào ngực bên phải tượng Phật làm tượng này bể một vết có đường kính khoảng 3cm.

2. Ngày 13/7/2010, có 2 cô gái ở phường Phú Hậu đem… heo quay cúng ở chùa. Đây là điều tối kị vì không ai đem đồ mặn lên chùa cúng.

3. Trưa 21/7/2010, xuất hiện một chiếc xe chở gỗ trong sân chùa, sư trụ trì định phá kho để chở gỗ đi, dân làng phải đánh phèng bao vây xe gỗ, điện báo công an phường đến để lập biên bản. Công an phường xuất hiện kịp thời đã niêm kho lại, giao cho Ban hộ tự quản lý. Đến chiều sư thầy còn đi giữa đường hăm dọa và hỏi “thằng nào đánh phèng báo động”…

Đơn tố cáo còn ghi: “Chúng tôi xét thấy thầy Thích Thiện Phong cố ý phá Niệm phật đường chứ không phải phát tâm xây dựng. Càng ngày thầy càng lộ rõ chân tướng không phải là một bậc chân tu. Chúng tôi rất phẫn nộ trước những hành động đó của thầy”.

nha-su-ta-dao-51

Nhiều thực phẩm ăn mặn được tìm thấy trong nhà bếp của vị sư (Ảnh minh họa)

Sư thầy… ăn mặn?

Ông Huỳnh Mẫn, thư ký Ban hộ tự Niệm phật đường Mỹ Lại bức xúc: “Chẳng những thầy Phong đâm Phật, hạ chuông. Ông ta còn ăn chơi trác táng, bỏ bê tu đạo, có lối sống xa hoa với nhiều tiện nghi cao cấp như phòng thì có máy lạnh, các vật dụng đầy đủ, bồn tắm, điều hòa, máy giặt, nước hoa cao cấp. Càng khó hiểu vì có nơi đâu nhà chùa mà lắp camera không? Nhưng chùa Mỹ Lại thì lại có, chắc ông thầy này lo sợ nên mới lắp để đề phòng, giám sát người đến chùa nhằm che đậy những tội lỗi của mình gây ra. Ông này lại hay có thói quen uống bia, ai trong làng này đều biết. Số tiền cúng dường của Phật tử được ông Thành dùng vào việc tiêu xài cá nhân, đến nỗi ông ta bị thợ xây dựng đòi nợ như là cơm bữa”. Ông Mẫn còn “tố” thêm, sư thầy này còn… ăn mặn. Cá thịt thường xuyên có ở chùa.

Ông Trần Vinh hiện đang là trưởng làng Mỹ Lại, kiêm trưởng ban Hộ niệm chùa tiếp lời: “Không ai phủ nhận những việc ông Thích Thiện Phong đã làm được cho chùa như đổ đất, kêu gọi tấm lòng từ thiện để xây lại chùa được khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay. Tuy có công lớn như vậy nhưng những việc làm của thầy mấy năm qua không được lòng dân chúng. Chúng tôi không thích sự có mặt của thầy tại chùa này nữa vì ông ấy quá ngang ngược, thao túng, coi thường và bất chấp dân làng của chúng tôi. Chúng tôi không dám đến chùa một phần vì không thích thầy đó, nhưng cũng sợ bị trả thù. Năm 2012, khi làm lễ bầu Ban hộ tự của chùa, thầy cứ ở trong phòng mà không lên để chứng kiến chúng tôi làm lễ nhận nhiệm vụ”.

Trưởng làng nói tiếp: “Vào năm 2012, trong lúc làng tế, có một số người trong làng đem dép vào chùa thì bị ông Thành nói những lời nói hết sức khó nghe. Do đó, trước đây gia đình phật tử đến sinh hoạt đông lắm nhưng bây giờ thì ít dần dần rồi”.

“Ông này đến chùa khiến đạo hữu trong làng bị xáo trộn ghê gớm. Chúng tôi đã quá sai lầm khi đã trao hết quyền quản lý chùa cho ông Phong. Dù chúng tôi nghèo nhưng trước đây cũng cúng cơm gạo, rau quả để cho ông. Tôi lên xin ông để tổ chức lễ cầu an đầu năm nhưng ông không chịu, còn vặn vẹo “đem người tới đây để “biểu tình” à?””, trưởng làng cho hay.

Một người trong hội đồng tộc trưởng của làng cho biết thêm: “Tôi nghĩ sư thầy này còn liên quan đến… gái gú, tôi từng thấy trước phòng ngủ của thầy có một đôi dép nữ, một chiếc xe màu trắng hiệu Vespa mang biển số 75 L2 64... Sao trong phòng thầy tu mà lại có phụ nữ được?”.

Sư thầy Thích Thiện Phong là ai mà lại có những hành động như trên? Người bị tố cáo giải thích như thế nào về những hành động của mình? Giáo hội Phật giáo tỉnh có biết về sự việc này? Chúng tôi đã tìm hiểu, và nhận được kết quả cực kỳ bất ngờ. “Nhà sư” không chỉ mắc những sai phạm như trên, mà còn có nhiều hành vi sai trái khác nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Người cúng dường 3 tỉ cho chùa Thạc Lại nói gì?

Bà Bùi Thị Hồng Nội (66 tuổi, ngụ số nhà 11, ngõ 19, phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, TP Hà Nội):

“Tôi làm nghề xây dựng, cách đây 6 năm trong một lần tôi đi chùa Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trong lúc đi lễ Phật, tôi nằm ngủ và mơ thấy một ngôi chùa làng rất lạ mà tôi chưa từng bước chân tới. Lúc tỉnh dậy, nó vẫn cứ ám ảnh trong đầu tôi. Nên tôi nghĩ sẽ cúng dường để xây dựng một ngôi chùa nào đó trên đất nước của mình. Cơ duyên đã tới khi có một người bạn gái của tôi giới thiệu cho tôi một nhà sư ở Huế, nghe đâu chùa này cũng có quang cảnh giống hệt giấc mơ của tôi. Mà người bạn gái này cũng vừa mới quen thầy này mà thôi. Thế là ngay lập tức tôi cùng với người em gái của tôi lặng lội từ Hà Nội tới Huế để gặp thầy, cũng như thăm ngôi chùa. Quả thật, khi vừa tới ngôi chùa này thì tôi “cứ ngỡ là mơ” vì hiện trạng của chùa Thạc Lại này như hệt ngôi chùa trong giấc mơ lạ của tôi. Lúc đó, tôi mừng như muốn khóc.

Thế là không chần chừ, tôi xin phép để xây dựng ngôi chùa trên mảnh đất này. Những công việc đầu như lấp ao, xây dựng tường rào, mua chuông chùa thì tôi đều trực tiếp làm. Nhưng sau đó vì công việc nên tôi phải trở về lại Hà Nội. Sau đó, tôi gửi tiền cho thầy Phong lần đầu 500 triệu đồng để xây dựng chùa. Nhưng sau đó, tôi biết thầy không sử dụng đúng mục đích. Thay vì xây chùa thì thầy lại dành tiền để xây dựng phòng ốc của mình mà không báo cho tôi, sau đó tôi phê bình và thầy đã nhận khuyết điểm. Tôi vẫn cúng dường hoàn thành ngôi chùa như ngày hôm nay với tổng số tiền lên tới gần 3 tỉ đồng.

Tôi có nghe phản ánh từ một số người trong làng nên tôi cũng hay khuyên thầy “nếu đã chọn kiếp tu hành thì nên tu cho nghiêm túc”. Cầu mong thầy sẽ tu hành tốt và tiếp tục cải thiện thêm vào ngôi chùa mà tôi đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng lên như thế này”.

Về tố cáo của bà Thảo, chúng tôi đại đã tìm gặp nhà sư Lê Phước Thành và được ông lý giải: “Thời gian đó tôi gặp bà Thảo, bà có nguyện vọng xin ở lại chùa đồng thời sau khi bán nhà sẽ cúng cho chùa nửa số tiền. Lúc đó, chùa tôi cũng đang xây dựng nên rất mừng vì có đạo hữu tốt bụng cúng dường và tôi cũng có lấy 70 triệu tiền đặt cọc. Nhưng ở trên đời này có ai cho rồi mà đòi lấy lại không? Số tiền tôi xây dựng hết rồi giờ tiền đâu mà trả nữa. Thời gian đó bà Thảo này hứa sẽ xây thêm một ngôi nhà ở phía sau khuôn viên chùa. Cũng may tôi không dám vay nợ để xây, chứ mà xây rồi thì tôi sẽ vỡ nợ mất thôi. Tôi phải lo làm, đi cúng để trang trải cho chùa đã khó, nào là tiền nước, điện, trái cây bông chuối một tháng hơn 5 triệu. Khi nào có ai đó tài trợ thì tôi chắc mới có tiền để trả lại cho bà “tưng tưng” này. Nhưng trước khi trả, tôi phải chửi cho bà này một trận để hả giận vì bà đã làm cho tôi gặp rất nhiều rắc rối”.

Cũng liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo kết quả thụ lý số 265/PA92: Việc giao nhận tiền 70 triệu hoàn toàn là tự nguyện với mục đích là cúng dường cho chùa. Qua kiểm tra xác minh thì biết được vị sư là người giới thiệu ông Chung mua nhà của bà Thảo, nhưng đều công khai tự nguyện, không cấu kết, ép giá. Cơ quan ANĐT xác định: Các tình tiết vụ việc chưa có dấu hiệu phạm tội hình sự nên cơ quan điều tra đã hướng dẫn bà Thảo thực hiện giải quyết vụ việc theo thỏa thuận dân sự. Theo quyết định của tòa án thành phố Huế vào ngày 13/5/3013 số 52/QĐDS-ST thì không những ông Thành phải trả tiền cho bà, mà kể từ khi thi hành án còn phải trả khoản tiền theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Thế nhưng, từ đó đến nay ông Thành mới chỉ trả được cho bà Thảo 1 triệu đồng và luôn lấy lý do là chưa có tiền để trả.

Lê Hoàng (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: dan to nha su , nha su pha gioi , chua Thac Lai , Quang Tri , Phat giao , tin , bao