Đã ăn bẩn, người Việt lại thêm nỗi lo uống nhầm thuốc 'độc'
Thứ sáu, 20/12/2013 09:57

Người Việt phải lo ngại về tính mạng ở chính nơi lẽ ra sức khỏe được chăm lo nhất là bệnh viện.

Người tiêu dùng VN rất đề cao vệ sinh an toàn thực phẩm

Người tiêu dùng VN rất đề cao vệ sinh an toàn thực phẩm

Ma trận thực phẩm bẩn độc bao vây

Theo một cuộc khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố hồi tháng 11/2013, 75% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát cho thấy họ luôn quan tâm về sức khỏe và sự an toàn.

Có đến 90% người tiêu dùng Việt cho biết họ thường ưu tiên cho những sản phẩm đồ ăn, thức uống được chứng nhận là tốt cho sức khỏe. Con số này vượt trội kết quả trung bình 29% với người tiêu dùng tại các quốc gia khác trên thế giới khi cùng được khảo sát về vấn đề này.

Thế nhưng, lo là một chuyện, còn thực tế người dân Việt không có sự lựa chọn bởi họ đang bị bao vây bởi ma trận thực phẩm bẩn độc.

Trên mâm cơm của người Việt, những món cơ bản như thịt, cá, rau xanh... tưởng chừng như có đầy đủ dưỡng chất, thế nhưng hiện nay lại chứa quá nhiều độc tố.

Nếu như thịt ôi thiu, bốc mùi hôi thối có thể hô biến thành thịt  đỏ tươi, không mùi nhờ hóa chất độc hại có tên là săm pết theo điều tra có tới 90% gà tại các chợ Hà Nội là gà thải loại Trung Quốc có giá rất rẻ.

Với các loại rau củ, người ta dùng thuốc trừ sâu dùng để bón cho rau muống mập cọng, sáng cọng, không bị sâu, lỗ lá.  Sau khi phun thuốc, rau muống ngay từ khi mới mọc mầm cần phải tưới ngay dầu nhớt pha với nước rửa chén nhằm ngăn chặn sâu rầy.

Để những cọng giá ăn (làm từ đậu xanh) không rễ, mập mạp, trắng đẹp bắt mắt..., người làm giá không ngần ngại sử dụng hóa chất từ khâu đầu đến khâu cuối.

Đến khi chế biến, những rau, củ bị dập thối tiếp tục được ngâm bằng một loại hóa chất từ Trung Quốc, chỉ sau 15 phút củ sẽ trở nên sạch sẽ, đẹp màu, tươi nguyên. Thậm chí, chúng còn có màu sắc bắt mắt hơn những củ- quả tự nhiên, khiến người tiêu dùng bị lầm tưởng là đồ ngon, sạch và lựa chọn mua ngay về cho gia đình dùng.

Theo thông tin từ hội thảo khoa học "Ung bướu quốc gia" lần thứ VII diễn ra hồi tháng 10/2013 tại Cần Thơ, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày, theo báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam.

Nguy cơ uống nhầm thuốc 'độc'

Sự độc hại còn đeo đẳng người dân Việt đến tận các bệnh viện, trung tâm y tế, nơi người ta tin tưởng sức khỏe của mình sẽ được chăm lo nhất.

Sở dĩ như vậy là do thời gian qua ngành y tế của Việt Nam trải qua khá nhiều vụ "bê bối". Gần đây nhất phải nói tới là nhập khẩu thiết bị y tế quá đát đội lốt "hàng nhập khẩu mới 100%", hay nhập thuốc hết đát  về Việt Nam.

Ngày 16/12, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra, bắt giữ lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng được Công ty TNHH Kĩ thuật thiết bị y tế Bảo Trâm (gọi tắt là Công ty Bảo Trâm, trụ sở tại số 19 ngõ 180/2 Trần Duy Hưng, Hà Nội) nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam.

Được biết, đây là lô hàng thuộc diện mặt hàng cấm nhập khẩu. Theo kết quả giám định ban đầu, toàn bộ số thiết bị y tế nhập khẩu này đã bị thải loại do không còn giá trị sử dụng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong thùng hàng có 1 máy scan phim được sản xuất vào tháng 9/2000, 1 máy in phim khô và 1 hộp carton chứa linh kiện của 2 chiếc máy nêu trên, tất cả 2 máy và linh kiện trên đều là máy và linh kiện cũ, đã qua sử dụng, có xuất xứ Nhật Bản.

Lực lượng chức năng còn phát hiện phía bên ngoài của thùng hàng được chèn đầy các va ly chứa đồ, bên trong chứa các linh kiện thiết bị nội soi cùng 1 máy nội soi có xuất xứ Nhật Bản, cũng đều là máy và linh kiện cũ, đã qua sử dụng, nhiều chi tiết có dấu hiệu hoen gỉ, ố vàng, két lại vì bụi bẩn.

Trong khi đó, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh), hàng chục ngàn viên thuốc Ensidol nhập về không ghi hạn dùng, trái nguyên tắc ngành dược, dẫn tới không ít bệnh nhân sử dụng thuốc… hết đát mà không hay biết

Đầu tiên phải kể bà  Huỳnh Thị Sẳng (81 tuổi, ở thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành, Tây Ninh), vốn bị bệnh viêm khớp. Ngày 5/7/2013, bà Sẳng đến TTYT Hòa Thành khám bệnh và được cấp phát thuốc theo diện BHYT để về nhà uống. Thật may mắn, người nhà phát hiện 30 viên thuốc Ensidol 300mg đã hết hạn sử dụng từ ngày 6/6/2013.

Thật khó có thể thống kê hết bao nhiêu bệnh nhân đã  trót khám bệnh và được TTYT Hòa Thành phát cho thuốc hết “đát” để về nhà uống, mà không hay biết...

Chỉ đến khi một số nhân viên tại TTYT Hòa Thành đứng ra tố cáo, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh vào cuộc xác minh, mới phát hiện ra những sai phạm.

Theo Sở Y tế, việc TTYT Hòa Thành cấp thuốc BHYT cho người bệnh loại thuốc Ensidol 300mg  hết hạn sử dụng là có thật. Tổng số 790 viên Ensidol 300mg phát ra mà không được kiểm tra hạn sử dụng; trong khi số thuốc này đã hết đát một tháng. Hệ quả, có tới 12.210 viên Ensidol 300mg quá  hạn sử dụng, buộc phải thu hồi từ kho BHYT.

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Thực phẩm bẩn , Dược phẩm hết hạn , Thiết bị cũ , Thiết bị y tế