Ông Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Singapore, đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng ngày 23/3.
|
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Singapore về việc ông Lý
Quang Diệu qua đời. Ảnh: pmo.gov.sg
Website Văn phòng Thủ tướng Singapore (PMO) đăng thông báo sáng 23/3: "Ngài thủ tướng vô cùng đau buồn khi thông báo ông Lý Quang Diệu, thủ tướng lập quốc của Singapore, đã qua đời. Ông Lý Quang Diệu ra đi thanh thản tại Bệnh viện đa khoa Singapore lúc 3h18 (giờ địa phương), hưởng thọ 91 tuổi".
Theo báo Straits Times, Thủ tướng Lý Hiển Long và gia đình đã tề tựu đông đủ bên cạnh ông Lý Quang Diệu vào những phút cuối của ông.
Tổng thống Singapore, ông Tony Tan, đã gửi thư chia buồn dài 3 trang đến Thủ tướng Lý Hiển Long. "Hành động biết ơn có ý nghĩa nhất mà người dân Singapore có thể thực hiện để đền đáp ông Lý Quang Diệu chính là trân trọng và phát huy những di sản mà ông đã để lại cho chúng ta, xây dựng đất nước Singapore thành một đất nước tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai", Tổng thống Tony Tan viết trong thư.
Cựu thủ tướng Goh Chok Tong, người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu sau năm 1990, cho biết ông "không cầm được nước mắt" sau khi hay tin.
"Ông Lý Quang Diệu đã hoàn thành hành trình cuộc đời. Đó là hành trình cống hiến và xây dựng Singapore. Ông để lại cho người dân Singapore di sản to lớn: một đất nước độc lập, an toàn, an ninh, hòa thuận và thịnh vượng", ông Goh Chok Tong viết trên Facebook.
Thủ tướng Lý Hiển Long thay hình bìa trên Facebook để tưởng nhớ
người bố vừa qua đời. Ảnh: Facebook
Channel News Asia cho biết, nhiều bộ trưởng trong chính phủ Singapore cũng đăng lời chia buồn và tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu.
Bộ trưởng Giao thông Lui Tuck Yew khẳng định "người dân sẽ mãi mãi nhớ về ông Lý Quang Diệu".
Các nước chia buồn với Singapore
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki Moon, Thủ tướng Tony Abbott của Australia, Thủ tướng John Key của New Zealand là những lãnh đạo thế giới đầu tiên chia buồn về sự ra đi của ông Lý Quang Diệu.
Tổng thư ký Ban Ki Moon bày tỏ "vô cùng đau buồn" khi hay tin ông Lý Quang Diệu qua đời, theo Reuters. "Cả thế giới sẽ luôn nhớ về người cha lập quốc của Singapore là một trong những lãnh đạo truyền cảm hứng nhất của châu Á".
Thủ tướng Australia nói: "Australia và Singapore luôn sát cánh bên nhau. Ngày hôm nay, chúng ta cùng tiễn biệt một trong những lãnh đạo ảnh hưởng nhất thời đại. Thay mặt người dân và chính phủ Australia, tôi xin chia buồn với gia đình ngài Lý Hiển Long và nhân dân Singapore".
"Tôi có vinh dự gặp ông Lý Quang Diệu vào năm 2007 khi ông công du New Zealand. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là quyết tâm không dao động của ông về việc xây dựng một đất nước Singapore thành công",Thủ tướng New Zealand nhớ lại.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama, ca ngợi ông Lý Quang Diệu là "người hùng vĩ đại của lịch sử. Nhiều thế hệ sẽ ghi nhớ ông như người cha của Singapore hiện đại, một trong những nhà chiến lược tài ba về các vấn đề châu Á".
Singapore tổ chức quốc tang
Reuters cho biết hàng chục lãnh đạo thế giới dự kiến đến Singapore để dự tang lễ của ông Lý Quang Diệu. Lần quốc tang gần nhất của Singapore diễn ra năm 2010, nghi thức này dành cho đám tang của bà Kha Ngọc Chi, phu nhân của ông Lý Quang Diệu.
Một tấm thiệp mà người dân Singapore đặt bên ngoài Bệnh viện đa khoa
Singapore, nơi ông Lý Quang Diệu điều trị và trút hơi thở cuối cùng.
Trên Facebook của ông Lý Hiển Long, hàng nghìn người gửi lời chia buồn và bày tỏ niềm thương tiếc khi ông Lý Quang Diệu từ trần. "Xin cảm ơn ông vì đã để lại cho chúng tôi, những người Singapore, một đất nước tuyệt vời để sống, đất nước mà tôi rất tự hào, nơi tôi có thể ra đường lúc nửa đêm mà không phải lo sợ", một người tên Nurhidayah Osman viết.
Ông Lý Quang Diệu nhập viện để điều trị viêm phổi từ ngày 5/2/2015. Giữa tháng 3/2015, PMO liên tục cập nhật tình hình sức khỏe "ngày càng xấu" của ông Lý Quang Diệu. Những ngày qua, rất nhiều người dân tập trung cầu nguyện cho vị thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923. Năm 1954, ông thành lập đảng Hành động nhân dân (PAP). Ông trở thành thủ tướng Singapore vào năm 1959, khi Singapore trở thành quốc gia tự trị. Lý Quang Diệu đã dẫn dắt Singapore suốt giai đoạn sáp nhập với liên bang Malaysia năm 1963, cho đến khi hai bên phân tách và Singapore trở thành quốc gia độc lập vào năm 1965. Ngày nay, Singapore trở thành một trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu ở châu Á và thế giới.
Sau 31 năm dẫn dắt đất nước, ông Lý Quang Diệu từ chức thủ tướng vào năm 1990. Ông tiếp tục giữ các chức vụ cố vấn cho những đời chính phủ sau. Ông tham gia chính phủ ở cương vị bộ trưởng tới năm 2011, vẫn giữ tư cách đại biểu quốc hội đến khi qua đời.
Ba người con của ông hiện là Lý Hiển Long (63 tuổi), đương kim Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Dương (57 tuổi) và con gái Lý Vỹ Linh (60 tuổi).
Thi thể của ông Lý Quang Diệu đặt tại Nhà khách Quốc hội từ ngày 25/3 đến 28/3 để người dân đến viếng. Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo thời gian để tang toàn quốc từ ngày 23/3 đến 29/3. Singapore sẽ cử hành quốc tang đưa tiễn ông Lý Quang Diệu vào ngày 29/3 tại Trung tâm văn hóa đại học (Đại học Quốc gia Singapore).
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar
- Cô gái Việt duy nhất được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán số phận là ai?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?