Cuộc đời nữ tour guide tuổi teen người H'mong
Chủ nhật, 11/03/2012 21:24

Chai Pi, người dân tộc H'mong Đen, khiến khách du lịch nước ngoài ngạc nhiên bởi khả năng tự học ngoại ngữ, trở thành tour guide không qua trường lớp và cả việc cô là người H'mong đầu tiên sử dụng mạng xã hội.

Chai Pi, cô hướng dẫn viên du lịch vui tính, trong trang phục truyền thống của người H'mong Đen

SaPa từ lâu đã là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Phần lớn mọi người đến đây để tận hưởng không khí trong lành cũng như những món ăn ngon tuyệt mang đặc trưng của phố núi. Và Chai Pi, cô hướng dẫn viên du lịch người dân tộc với lối nói chuyện hồn nhiên, đáng yêu, đã chiếm được cảm tình đặc biệt của Catharine Nicol, một du khách nước ngoài, đồng thời cũng là biên tập lâu năm của tạp chí AsiaSapa.

Sau đây là câu chuyện rất thật về cuộc sống của Chai Pi qua lời kể mộc mạc của Catharine Nicol:

Ban đầu khi gặp Chai Pi ở khách sạn, cô ấy rất rụt rè và ít nói, mặt lúc nào cũng buồn rầu. Tuy nhiên, trên đường dẫn chúng tôi đi thăm thú những địa điểm thú vị, cô đã bộc lộ rõ tính cách vui vẻ, nghịch ngợm của một cô gái đang độ tuổi trăng tròn. Ngoài nụ cười quyến rũ, cô gái 19 tuổi này còn nói tiếng Anh rất “siêu”.

Chai Pi bắt đầu công việc hướng dẫn viên du lịch từ năm 2006. Giải thích lí do vì sao lại chọn nghề này mà không phụ giúp công việc đồng áng cho bố mẹ, Chai Pi thật thà bày tỏ: “Khoảng 7-8 năm nay, người dân tộc H'mong Đen làm hướng dẫn viên du lịch nhiều lắm. Và mình muốn đi làm để kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Mình rất yêu thích công việc vì mình có cơ hội gặp gỡ thật nhiều người và học được nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại, mình cũng biết chút ít tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, và cả tiếng Nhật, nhưng tiếng Anh vẫn là tốt nhất”.

Những phụ nữ H'mong Đen

Với một người không được học ngoại ngữ qua trường lớp như Chai Pi, thì khả năng sử dụng tiếng Anh của cô thật đáng khâm phục. Tất cả "vốn liếng" mà Chai Pi có được đều nhờ tiếp xúc với khách du lịch ngoại quốc.

Học tiếng Anh qua tiếp xúc với người nước ngoài

Tại xã Lao Chải, huyện SaPa, nơi Chai Pi đang sống, trường học tuy khang trang nhưng các học sinh ở đây lại không được học tiếng Anh. Chuyện học hành cũng bị giới hạn, thông thường các bé gái chỉ theo học hết cấp một, rồi ở nhà làm ruộng, nấu ăn, may quần áo, chăm sóc gia đình, và làm nhiều công việc vặt linh tinh khác. Chỉ có con trai mới có cơ hội được học cao.

Ngôi nhà gỗ của Chai Pi

Trong khi đi thăm thú xung quanh làng, chúng tôi có đi qua nhà của Chai Pi. Đó là một túp lều bằng gỗ, sàn bằng đất rất lụp xụp, siêu vẹo. Ngoài sân là khoảng không gian dành cho hai con lợn, 3 con vịt và 2 chú chó. Nhưng sống trong ngôi nhà nhỏ ấy lại là một đại gia đình. “Các chị em gái thì đi làm ruộng, các anh trai thì cuốc đất. Khi con trai kết hôn và có gia đình riêng, các anh được bố mẹ chia đất và ra ở riêng”.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi qua cửa hàng nhỏ của bố Chai Pi, đi sâu vào thung lũng, qua những cánh đồng, những con trâu đang gặm cỏ. Chúng tôi còn đi ngang qua cả ngôi trường làng, nơi có cô em gái nhỏ của Chai Pi đang nô đùa cùng bè bạn ngoài sân.

Một lớp học ở trường làng xã Lao Chải

Những câu chuyện mộc mạc của cô hướng dẫn viên trẻ tuổi giống như một bản nhạc phim du dương đưa chúng tôi vượt qua chặng đường đi bộ khá dài và gian nan (chèo đèo, lội suối, băng qua cánh đồng). Khi chúng tôi ra đến đường cái, Chai Pi thuê 2 chiếc xe gắn máy chở chúng tôi quay lại thị trấn. Chai Pi trong trang phục truyền thống, ngồi sau anh lái xe mặc quần jeans, áo phông vượt lên trước mắt tôi. Đó là một hình ảnh tương phản mà tôi thấy rất thú vị. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một quán café internet ở thị trấn và một điều bất ngờ khác lại được mở ra…

Chai Pi – người H'mong đầu tiên sử dụng mạng xã hội

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Chai Pi truy cập vào trang cá nhân của cô một cách thành thạo, mỉm cười vui vẻ trong lúc đang check tin nhắn của bạn bè.

“Mình bắt đầu chơi mạng cá nhân từ năm 2007. Mình là người H'mong Đen đầu tiên biết sử dụng mạng xã hội. Mình thấy rất thích thú vì có thể thường xuyên được xem ảnh cũng như trò chuyện cùng bạn bè” – Chai Pi khoe một cách đầy tự hào.

Bên trong ngôi nhà của người Hmong Đen

Nhìn lén qua vai của Chai Pi, tôi thấy có rất nhiều đường link Youtube và tin nhắn cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Sử dụng mạng xã hội và xem phim dường như là hai sợi dây vô hình kéo Chai Pi ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt nơi bản làng và tiếp cận với thế giới hiện đại muôn sắc màu.

Ở nhà một mình là bộ phim mình rất thích. Cậu bé trong bộ phim ấy dễ thương lắm. Một ngôi nhà to lớn cho một gia đình nhỏ thật khó để dọn dẹp. Còn nhà mình lại là một gia đình lớn và một ngôi nhà nhỏ” – Chai Pi chia sẻ. Cô gái lém lỉnh này cũng cho biết, giữ liên lạc với khách nước ngoài là cách để cô thực hiện ước mơ đi du lịch đến các quốc gia khác, và với tinh thần, với sức trẻ của Chai Pi, tôi tin giấc mơ của cô sẽ thành hiện thực.

Nhưng lại có những khoảnh khắc cô gái ấy thể hiện rõ bản chất của một người phụ nữ truyền thống, lặng lẽ và cam chịu: “Mình cũng đã đến Thủ đô Hà Nội một vài lần, nhưng Hà Nội rất đông đúc và ô nhiễm môi trường. Có thể trong tương lai, mình sẽ lại sống ở làng, trong một ngôi nhà nhỏ, và sinh thật nhiều con cái”.

Toàn cảnh ngôi làng nơi Chai Pi đang sống

Infonet
Tag: Người đương thời , Hướng dẫn viên du lịch , Dân tộc H'Mong , Nghề Nghiệp