Cột mục chống nhà
Thứ ba, 03/01/2012 08:24

Hai anh em người cựu binh từng chiến đấu bảo vệ đất nước, nay trong gian nhà lúp xúp ở quê nghèo Lê Hồng – Thanh Miện – Hải Dương, đã… khóc trước mặt chúng tôi.

Bố khóc thương đứa con ba mươi tư năm có mặt trên cõi nhân gian mà chưa một ngày được sống một cuộc sống bình thường; bác khóc cho cảnh thân già cô quạnh trong ngôi nhà xập xệ, không đủ sức chăm sóc người mẹ tuổi đã ngoài một trăm, khóc cho thằng cháu quanh năm ngày tháng ở truồng, đêm đến lại lên cơn điên loạn trong bốn bức tường…

Cũng một phận người

Bà Nguyễn Thị Điểm năm nay 65 tuổi, chân đã chậm, mắt đã mờ, bàn tay run run cầm chiếc kéo hoen gỉ đưa qua cánh cửa sắt, tay kia túm từng lọn tóc của con trai đang nằm ngủ, việc cắt tóc đã kéo dài ba ngày nay. “Chỉ khi nào nó ngủ quay đầu ra ô cửa này thì tôi mới cắt tóc cho được, mà có biết cắt cứa gì đâu, cứ túm mà cắt quàng cắt xiên vậy thôi”, hơn mười năm qua bà Điểm vẫn cắt tóc cho con như thế.

Hai anh em ông Trần Văn Xì và Trần Văn Goòng đều bị nhiễm chất độc điôxin ở chiến trường miền Nam. Ảnh: Sơn Nam Thượng

10h30’, mặt trời đã chói chang, anh Trần Văn Tước thức dậy, ngồi sau cánh cửa sắt ăn chiếc bánh rán mỏng. Đã mười mấy năm anh Tước không bao giờ chịu mặc quần áo, bất kể mùa hè nóng nực hay mùa đông rét mướt, da thịt xanh nhách do cớm nắng lưu niên. Bà Điểm bảo: “Ban ngày nó cứ ngủ rồi đêm đến la hét loạn cả xóm”. Người lạ đứng lom khom hỏi chuyện qua khung cửa sắt, anh Tước vẫn cúi mặt ăn bánh.

Anh Tước sống một mình một nhà được mười mấy năm, tất cả các khu nhà ở, nhà bếp… của gia đình ông Goòng, bà Điểm, chỉ riêng “ngôi nhà” tình nghĩa mà Nhà nước xây cho anh Tước năm 2005 là kiên cố. Nhà xây bêtông cốt thép, diện tích khoảng hai chục mét vuông, có duy nhất một cửa sắt luôn luôn khóa.

Chỗ được gọi là giường thực ra cũng được xây bằng ximăng, cao hơn mặt sàn độ một gang tay, song anh không bao giờ nằm trên “giường”, anh cứ lăn lóc hết góc này qua góc khác. Thế giới của anh Tước chỉ có bốn bức tường trống, không đèn điện, không quạt máy…

Đêm đến, khi lên cơn, anh chạy từ góc tường này sang góc tường kia mà la hét, lắm lúc nhà hàng xóm lại ré lên tiếng khóc kinh hãi của một đứa trẻ.

Việc ăn ở, đi lại cùng mọi sinh hoạt khác của anh Tước đều diễn ra trong “ngôi nhà” này. Tường vôi đã chuyển màu vàng khè do nước giếng khoan, ngày nào bà Điểm cũng đưa ống nước từ ngoài vườn ít nhất là hai lần để dọn vệ sinh và tắm rửa cho anh Tước. Một vũng máu lênh loang cuối phòng cùng với chất thải, bà Điểm vừa dọn vừa bịt mũi, đang dở dang thì bà chạy một mạch ra gốc roi nôn thốc tháo: “Giờ nó mắc thêm bệnh trĩ với lại bệnh đường ruột, mỗi lần dọn tôi hãi lắm”.

Nỗi đau mang tên Da cam

Đến năm 2011 này là mười mấy nghìn ngày ông Trần Văn Goòng và bà Nguyễn Thị Điểm sống với nỗi đau khi cậu con trai Trần Văn Tước mắc bệnh tâm thần do di chứng da cam. Ông Goòng nhập ngũ năm 1968, hai năm ông ở chiến trường Tây Ninh, rồi sang Xiêng Khoảng, qua cánh đồng Chum bên Lào. Những năm tháng chiến trường, dạ dày của ông cứ bục lại cắt, cắt lại bục không biết bao nhiêu lần, cái chất độc điôxin quái ác kia xâm lấn cơ thể lúc nào không hay.

Tháng 10 năm 1974 ông Goòng phục viên, năm 1979, khi bà Điểm đang có mang anh Tước, ông lại lên đường tham gia chiến tranh biên giới. Cậu út Trần Văn Tước sinh ra lành lặn, khỏe mạnh; đến tuổi biết chạy nhảy, nói cười thì luôn vùng vằng, quăng cái này ném cái kia; cả nhà chỉ nghĩ là nó ương bướng, khó bảo.

Lúc biết theo trẻ làng dắt con bê ra đồng chăn, ngày nào bọn trẻ cũng chạy về mách: “Thằng Tước nó cứ dẫm bẹp nón của chúng cháu, mà chúng cháu chẳng làm gì nó cả”. Vào lớp một, Tước cũng đến trường nhưng cứ thấy sách vở là xé, “lắm hôm nó còn mang nhõn cái người về, mà có khi học xong nó cũng chẳng thèm về nhà nữa, cứ chạy khắp mọi nơi không biết đường nào mà tìm” – ông Goòng kể lại.

Việc Tước bỏ học, xé sách vở, đánh bạn bè ngày một nhiều. Khi ông bà đưa Tước đi khám ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh đóng ở huyện Gia Lộc thì các bác sĩ cho biết cậu mắc tâm thần do di chứng da cam. Lúc này ông Goòng mới đi kiểm tra sức khỏe và biết mình đã nhiễm chất độc điôxin khi còn ở chiến trường, anh trai Tước là Trần Văn Trọng cũng bị phơi nhiễm ở mức độ nhẹ. Tước về nhà, mỗi lúc lên cơn lại cầm gạch đứng từ sân nhà mình ném vỡ mái ngói nhà hàng xóm, có khi cứ đứng ở trên đường cầm cái que, hễ thấy người đi qua là chạy theo vụt lấy vụt để.

Cả nhà vẫn để Tước đi chăn bê, gọi là cho có bóng người và để con bê giữ chân Tước. Có hôm con bê dắt Tước về nhà, nhưng cũng lắm hôm chỉ thấy người mà không thấy bê đâu cả, làng xóm biết gia cảnh nên lại thương tình dắt bê về tận nhà cho.

Tước và con bê chỉ làm bạn được với nhau đến năm cậu lên 8 tuổi, sau đó bệnh ngày một nặng, bà Điểm phải cho con theo ra đồng, bà làm cỏ, cấy lúa, tát nước, còn Tước ngồi trên bờ… nhìn bà làm việc. Mười mấy năm trời, người đàn bà nhỏ bé, còm cõi ấy vừa phải ruộng vườn, vừa phải trông rồi chạy theo mỗi lúc Tước lên cơn.

Tước càng ngày càng khỏe, càng lớn lại càng lên cơn nhiều hơn, quần áo lúc nào cũng rách tả tơi, có hôm rét cắt da cắt thịt, hai ngày không tìm được thì nửa đêm Tước từ đâu bơi qua sông Cửu An ướt lướt thướt đứng giữa nhà. “Nó cứ ra đường là tôi sợ, lắm hôm còn kẹp cái liềm xén ở nách rồi chạy ra đường, nhỡ đâu nó đánh người ta thì mình mang tội. Cuối cùng phải cắn răng nhốt nó lại” – giọng ông Goòng run run.

Những mảnh đời rệu rã

Bà Điểm lưng đã còng, vẫn một thân một mình gắng sức cấy sáu sào ruộng, gia sản của bà chỉ có ngôi nhà cấp bốn xây con kiến đã mối mọt, trong nhà trống huơ hoác; một ông chồng cựu binh mất sức, một đứa con điên dại từ thuở mới lọt lòng, và một bà mẹ chồng đã bách niên có lẻ. Cụ Vũ Thị Mùi năm nay bước sang tuổi một trăm linh hai, róm rém da bọc xương, từ lâu đã không đi lại được. Cụ nắm tay chúng tôi bảo: “Các cháu về chơi với bà là quý lắm, giờ bà sắp chết rồi…”. Cái nắm tay của cụ cho chúng tôi biết sức cụ đã yếu lắm!

Bốn người con Xì, Goòng, Chắn, Đón của cụ lần lượt lên đường nhập ngũ. Năm 1977, liệt sĩ Trần Chào Đón hy sinh trên chiến trường Campuchia khi đang giữ chốt khi mới hai mươi tuổi. Ông Goòng và ông Xì đều nhiễm chất độc điôxin, ông Goòng ốm yếu đến độ bị con mình dứt ruột đẻ ra xông vào đấm, đá túi bụi như cơm bữa. Ông anh cả Trần Văn Xì đã ở tuổi 75, hồi gia đình chưa nhốt anh Tước lại, ông Xì còn bị thằng cháu đè xuống đất, “cứ thế nó cầm nửa hòn gạch ghè vào đâu tôi, phải lên bệnh viện huyện khâu bảy mũi”.

Nhà ông Xì cũng nghèo, chỉ có chiếc rađiô tối ngày làm bạn, đi đâu ông cũng mang theo. Cũng vì nghèo đói mà các con ông phải bỏ nhà đi vùng kinh tế mới, được một anh con trai út bị nhiễm da cam, chân dài chân ngắn, cũng mang vợ con theo các chị vào Tây Nguyên lâu rồi. Đã hai cái Tết con cháu ông không về sum vầy cùng ông, “năm vừa rồi chúng nó gửi về biếu tôi năm cân đỗ xanh để ăn Tết, tôi cho nhà chú Goòng ba cân, giữ lại hai cân”.

Nhà ông Xì tường đã nứt tứ phía, ngói đã mục, rơi lả tả khắp nơi, mái ngói khắp năm gian, chỗ nào cũng thủng toang hoác, nilon mới được che chắn mấy tầng ở cái giường ông nằm, để khi mưa to gió lớn nước theo nilon chảy xuống nền đất chứ không xối thẳng vào mặt nữa. Nói về mơ ước cuối đời trong nước mắt, ông chỉ ước cái mái nhà không thủng, nhưng với hiện trạng ngôi nhà, đã thay ngói là phải thay cả rui mè cũng đang mục ruỗng hết, rồi có khi đến cả tường nhà nứt toác năm bảy đường cũng không giữ được!

Còn ông Goòng, bà Điểm lại lo khi mình già yếu rồi lấy ai chăm nom anh Tước. Mười bốn năm trước bà cũng đã vay lãi đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương, “được một năm thì cô bác sĩ bảo: “Nhà bà không có gì mà bà cho cậu ấy vào đây thì theo làm sao được”. Mẹ con lại nước mắt ngắn dài dắt díu nhau về, khoản vay lãi hai phẩy rưỡi ngày ấy, đến cuối năm 2010 vừa qua bà mới trả xong.

Một người điên, bốn người già cả ấy như những cây cột kèo đang cố gắng tựa vào nhau để từng ngày, từng giờ chống đỡ hai ngôi nhà xập xệ. Bốn cây đã mục ruỗng, chỉ có bà Điểm là còn chút sức lực...

Lao động
Tag: Làng quê , Cựu chiến binh , Chất độc da cam , Dioxin , Hải Dương , Đời sống