Nếu tennis cũng như bóng đá, vẫn thấy các cầu thủ nhằm thẳng người đối phương mà sút, thì liệu một số các tay vợt nữ có sẵn sàng smash bóng vào bụng nhau?
|
Trận chung kết ở Porsche Stuttgart mới đây đã xảy ra một sự cố nho nhỏ mà phải nhờ truyền hình chiếu chậm lại mới thấy. Maria Sharapova và Victoria Azarenka như hai con dê đi qua mặt nhau lúc đổi sân không ai tránh ai đã huých vai vào nhau.
Văn hóa châu Âu coi sự va chạm như thế là một điều tối kỵ. Kể cả là với các nước Đông Âu, đó cũng là một hành động cần phải tránh. Và trong tennis, nó bị liệt vào dạng hành động cấm kỵ. Thật khó tin chuyện này xảy ra chỉ như một sự vô tình vì đường biên sân tennis quá rộng rãi chứ không phải hai cô gái xinh đẹp ấy đang đung đưa bám dây theo cái lắc vô-lăng của bác tài trên một chuyến xe buýt.
Kết thúc trận đấu, cả hai chỉ bắt tay nhau mà không thèm nhìn vào mắt nhau. Họ cũng ôm nhau như thông lệ lúc cả hai lần lượt bước lên lễ trao giải. Và tuyệt đối không có sự ca tụng lẫn nhau dù chỉ là khách sáo rằng cô ấy đã chơi rất hay, hoặc tôi xin chúc cô ấy có một mùa đất nện thật đẹp.
Sharapova và Victoria Azarenka không thèm ca tụng nhau dù chỉ bằng những lời khách sáo ở Stuttgart. (Ảnh Getty)
Sharapova và Azarenka mặt nặng mày nhẹ ngay trong lần đầu tiên họ đối đầu với nhau trong khuôn khổ một trận đấu chính thức của WTA năm 2007. Azarenka khi đó còn đứng ngoài top 30 đã đánh bại Sharapova ngay tại Mátxcơva, và trong cả bốn trận chung kết trước thềm Stuttgart, cô gái người Belarus đều thắng, trong đó có một trận chung kết Grand Slam và hai chung kết đẳng cấp Premier (tương đương Masters 1000). Thế nhưng không chỉ Sharapova “cay mũi” mà Azarenka cũng ghen tị bởi dù là đương kim số một thế giới nhưng cô chỉ là hạng hai trên bàn cân của nhà tài trợ Nike.
Azarenka còn là tâm điểm trong một sự tranh cãi khác nữa với một đối thủ mà cô đã luôn đánh bại trong thời gian gần đây là Radwanska (người Ba Lan). Hồi đầu năm, Radwanska buộc tội Azarenka có hành vi không đúng mực, đã tỏ ra cố tình trễ nải trong việc bước lên lưới bắt tay với cô khi trận đấu giữa họ ở Doha kết thúc. Hành vi ấy đã hoàn toàn lấy đi tất cả sự tôn trọng mà Radwanska dành cho Azarenka trước đó.
Nhiều người cho rằng Azarenka làm như vậy giống như một sự đáp trả đối với việc Radwaska lên tiếng chỉ trích thói quen gào rú của đối thủ khi đánh bóng, rằng đấy là những âm thanh được cố tình tạo ra để làm người đứng đối diện ở bên kia lưới ức chế.
Chưa hết. Dường như sự thành công của Azarenka trong thời gian gần đây còn là mầm mống dẫn tới một sự rạn nứt trong mối quan hệ của cô với một bông hồng khác của làng banh nỉ là Wozniacki. Cả hai từng có thời ca tụng nhau hết lời và thường sánh vai cùng nhau như những người bạn khi thực hiện những thương vụ quảng cáo cho hãng mỹ phẩm Oriflame. Nhưng chính Wozniacki gần đây cũng phàn nàn về việc Azarenka hét to tới gần 100 decibel, cô bảo “tôi biết rằng có những tay vợt họ chẳng bao giờ hét lấy một tiếng khi tập cả, nên tôi dám chắc là họ cố tình hét khi thi đấu”.
Đồng hương dị mộng
Nếu như những cuộc chiến nói trên xảy ra giữa các tay vợt đến từ các quốc gia khác nhau thì Sharapova còn bị chính các tay vợt đồng hương của mình lôi vào những cuộc chiến mà người ta gọi nó là “sự đối đầu của các nàng Maria”. Tại Miami Sony Ericsson Open mới đây, Maria Kirilenko, một gương mặt rất khả ái của quần vợt Nga đã chơi tiểu xảo đối với Sharapova, cô đập vợt xuống mặt sân khi cả hai đang thực hiện một loạt bóng bền căng thẳng. Hành động này được hiểu như một sự khiêu khích “hãy tiếp đi nào” sau khi Sharapova tung ra những cú bóng nặng rất khó mà vẫn không ghi được điểm.
May là trọng tài hôm đó đã phát hiện rất nhanh tình huống, bà cho dừng bóng rồi cho điểm cho Sharapova, dù cho Kirilenko tỏ ra ngạc nhiên và bức xúc. Luật chơi có thể cho phép các tay vợt có thể khua chân múa tay, nhưng tuyệt đối cấm tạo ra những âm thanh lạ có thể gây mất tập trung cho đối khi bóng đang trong cuộc. Và hành động như của Kirilenko có lẽ chỉ xảy ra ở sân chơi phong trào.
Sharapova dù đã ghi được điểm và sau đó thắng trận, nhưng cô cũng không vừa khi mỉa mai lại Kirilenko trong cuộc họp báo sau trận đấu. Sharapova nói rằng đây là tennis chứ không phải hockey. Người ta chợt nhớ là bạn trai của Kirilenko chính là một vận động viên hockey.
Sharapova cho tới hôm nay vẫn như cái gai trong mắt của nhiều tay vợt nữ của Nga khác, với lý do “cô ấy rất hiếm khi nói tiếng Nga ở đội tuyển Fed Cup của Nga”, và có lẽ còn nằm ở cả những nguyên nhân tế nhị khác như ở sắc đẹp, sự nổi tiếng và tiền bạc.
Bản chất của cuộc chơi
Một thống kê của các nhà tâm lý học thể thao ở Mỹ từng cho ra kết luận, tính đối kháng trong các môn thể thao cá nhân thường tạo ra những sự đối đầu căng thẳng nhiều hơn so với các môn thể thao đồng đội, dù cho có những môn có tính va đập rất cao như rugby (và bóng đá Mỹ) hay hockey... Và sự đối đầu thường xuyên cũng là một chất xúc tác khác trong tennis mà người ta có thể tìm thấy trong cờ vua, đấm bốc...
Sharapova từng trả lời rằng sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các tay vợt nữ mới thực sự là những cảm xúc và thái độ của họ, còn tình bằng hữu hay đơn giản hơn là sự êm thấm giữa các tay vợt nam hiện nay thực ra chỉ là sự giả tạo.
Ngược lại quá khứ người ta từng có những bộ đôi kẻ thù như Bjorn Borg và John McEnroe, John McEnroe với Illie Natase, Brad Gilbert với Connors.
Nhưng giờ đây, giữa các tay vợt nam hầu như chỉ có những mối quan hệ tựa như giữa những đồng nghiệp thuần túy. Sự việc Nadal và Federer chỉ trích nhau mới đây qua giới truyền thông có lẽ chưa đủ để gọi là sự rạn nứt giữa hai tay vợt có nhiều năm được coi là bộ đôi đối thủ hoàn hảo trên phương diện đạo đức, tôn trọng nhau và sự cống hiến.
Hoặc chỉ có sự kiện như việc Federer quay lên khán đài phản ứng với bố mẹ của Djokovic từng xảy ra mấy năm trước. Nó là quá ít so với tần suất xuất hiện các trận đấu biểu diễn xảy ra giữa các kỳ phùng địch thủ để quyên góp tiền từ thiện. Dù Djokovic đánh bại Nadal bảy lần liên tiếp nhưng anh này vẫn được mời tới Madrid tới đây để thực hiện trận đấu biểu diễn trên sân bóng đá Bernabeu.
Trở lại với cuộc chiến giữa các bông hoa hồng, nếu ai đó không cho rằng đó là bản chất của cuộc chơi, thì hãy xem nó như là bản chất của tennis nữ cần phải có sự đố kỵ, ganh ghét. Nhất là nó còn làm chất xúc tác cho các giải đấu nữ thêm cuốn hút, đáng xem nhất trong khoảng 5 năm gần đây.
Match Point: Nadal lần thứ bảy vô địch Barcelona sau khi vượt qua Ferrer trong trận chung kết có tỉ số 7-6 và 7-5. Đây là danh hiệu thứ 34 của Nadal trên sân đất nện và là 48 trên mọi mặt sân. Còn ở giải nữ tại Stuttgart, Sharapova đã vượt qua Azarenka hết sức thuyết phục để nhận cúp, tiền và chiếc xe Porsche 911 có giá ở Mỹ là khoảng 100 ngàn USD. |
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%