Khó có thể biết ai là phụ nữ đầu tiên làm nghề thuốc ở nước ta nhưng tư liệu còn lại đến nay, tính theo niên đại thời gian thì có thể tạm đoán định nữ danh y đầu tiên đó là bà Lê Thị Liên, sống vào đầu thời Trần.
|
Là một quốc gia có nguồn thảo mộc vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó có rất nhiều loại cây được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe nên từ hàng ngàn đời nay, cha ông ta đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, thậm chí nó còn được phổ biến rộng khắp. Có thể nói, hầu như gia đình người Việt nào cũng trồng một số loại cây thuốc trong vườn nhà mình, vừa dùng làm nguồn rau xanh, vừa làm thuốc khi cần.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, trong lịch sử Việt Nam xuất hiện rất nhiều bậc danh y tài giỏi, tiếc rằng trải qua các biến cố thăng trầm nên nguồn tư liệu về thân thế, sự nghiệp cũng như các công trình y dược của họ còn lại không nhiều.
Chúng ta chỉ biết nhiều đến Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông và ít nhiều nghe nói đến Phạm Công Bân đời Trần, Hoàng Đôn Hòa, Nguyễn Công Triều, Đào Công Chính thời Lê Trung Hưng…
Thông tin về các vị danh y có ít, do vậy một nguồn dữ liệu cần chú ý đến để có thể bổ sung thêm tư liệu là một số bản Ngọc phả, thần tích có liên quan. Điều thú vị là ngoài trong số các bậc danh y, có cả những người là phái nữ.
Khó có thể biết ai là phụ nữ đầu tiên làm nghề thuốc ở nước ta nhưng tư liệu còn lại đến nay, tính theo niên đại thời gian thì có thể tạm đoán định nữ danh y đầu tiên đó là bà Lê Thị Liên, sống vào đầu thời Trần.
Bà quê ở làng Thanh Nộn, xã Thi Sơn, tổng Quyển Sơn (nay là thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam), nghề thuốc mà Lê Thị Liên học được là từ cha bà, một lương y tên là Lê Hoằng, thân mẫu của bà họ Nguyễn (không rõ tên).
Bốc thuốc chữa bệnh (ảnh minh họa)
Trong quá trình chữa bệnh cứu người Lê Thị Liên đã tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu tìm tòi để chế ra nhiều phương thuốc hay, hiệu quả làm tiếng đồn về tài năng, y đức đồn khắp xa gần.
Hiện tại ở đình Cao, thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn là nơi thờ nữ danh y Lê Thị Liên trong ngày lễ cúng vẫn lệ đọc bài phú cửa đình khái quát toàn bộ cuộc đời và công tích của bà. Bài phú đó có đoạn:
Nối nghiệp cha xưa,
Có cây gậy trúc.
Có quả thạch bầu,
Với phương thuốc nhiệm màu, kiến hiệu.
“Năm cứu thế gian”,
Tiếng lương y đồn đại.
“Viễn cận mạc bất tri danh”…
Bấy giờ đất nước phải đối mặt với họa ngoại xâm lần thứ 2 của quân Nguyên Mông, cuộc kháng chiến chống giặc của quân và dân nhà Trần diễn ra vô cùng anh dũng nhưng cũng gặp vô vàn khó khăn trong đó có dịch bệnh phát sinh làm quân lính đau ốm, mỏi mệt, đặc biệt là trận quyết chiến ở sông Lục Đầu (gần Kiếp Bạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay).
Triều đình rất lo lắng sợ bệnh tật sẽ làm giảm sức chiến đấu của binh tướng, nhiều lương y được vời đến nhưng tình hình không mấy khả quan.
Nghe danh tiếng Lê Thị Liên, vua Trần Nhân Tông liền cho người cấp tốc về làng Thanh Nộn triệu bà đến phong cho chức Quân trung điều hộ, lo việc bào chế thuốc chữa bệnh.
Nhờ có những phương thuốc của Lê Thị Liên mà sức khỏe của quân lính được phục hồi, góp phần quan trọng vào những trận đánh đưa đến thắng lợi cuối cùng:
Nhờ thuốc thần cứu chữa.
Bình phục mọi bệnh binh,
Quân mạnh, tướng hùng.
Vua tôi đoàn kết,
Trần Quốc Tuấn chỉ huy.
Lệnh phản công đã quyết,
Ngọn sóng Bạch Đằng,
Ô Mã Nhi thất bại,
Đại thắng quân Nguyên.
Sau khi đất nước quét sạch bóng ngoại xâm, Lê Thị Liên xin được về quê tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người. Triều đình nhớ đến công tích của bà đã phong thưởng trọng hậu, vua Trần còn xuống chiếu sắc phong bà danh hiệu Hoàng Tràng công chúa.
Thế nhưng không màng đến giàu sang, địa vị và của cải, về lại quê hương tiếp tục làm thuốc cứu đời, những tiền bạc được ban thưởng Lê Thị Liên đều mang chia cho dân làng để họ có vốn là kế sinh nhai.
Sau khi bà mất, người dân tưởng nhớ ơn đức đã lập đền thờ hương khói quanh năm, bài phú cửa đình ở nơi thờ nữ danh y họ Lê cho hay:
Ngao ngán thay, ngày 12 tháng 8,
Hổ gào, beo thét, công chúa quy tiên.
Trông lên trời, mây vàng xuất hiện,
Giây phút rồi tan đi.
Nghe rừng sâu gió thổi vu vi,
Như vẳng tiếng tiên thiều nhã nhạc.
Từ ngày ấy!
Dân ta thờ công chúa tại đình Cao,
Nhớ mãi công lao người danh y đại đạo.
Để đời đời dân cầu, quốc đảo.
Đến khoảng thời gian cai trị của vua Trần Hiến Tông (1329-1341), tại làng Vô Hoạn, tổng Đồng Phù, thuộc phủ Thiên Trường (nay là thôn Vô Hoạn, xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có gia đình ông Trần Tông Môn và vợ người họ Đoàn ăn ở nhân đức, họ sinh được 2 người con trai thông minh trí dũng, dân trong vùng ai cũng khen ngợi.
Theo thần tích chép lại, vào một đêm, người vợ của ông Trần Tông Môn nằm mộng thấy một sứ giả mặc áo xanh đến đưa mình lên thiên đình, được Ngọc Hoàng thượng đế giáng chỉ sai đệ tam ngọc nữ giáng sinh vào nhà họ Trần để sau này cứu dân độ thế.
Bà Đoàn thị giật mình tỉnh dậy, thấy trong phòng dường như vẫn còn thoang thoảng mùi hương xạ, phía ngoài cửa sổ vằng vặc ánh trăng khuya.
Bà liền bước ra sân ngắm trăng, bỗng thấy một dấu hài bèn đưa chân ướm thử vào đó, chợt thấy tâm hồn xao xuyến, từ đó có thai, tròn một năm mới sinh hạ được một người con gái.
Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, nhân nghĩ đến giấc mộng Ngọc nữ giáng trần, họ bèn đặt tên con là Ngọc Trân. Đời sau có câu rằng:
Cung trời ứng mộng,
Điềm báo ướm hài.
Bùa thiêng thuốc tốt,
Giúp nước cứu dân.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Ngọc Trân trở thành thiếu nữ nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần, công dung ngôn hạnh đủ cả; nhiều gia đình đánh tiếng xin hỏi cưới nhưng nàng nhất quyết từ chối, không đi lấy chồng mà chỉ chú tâm học nghề dệt vải và làm thuốc chữa bệnh.
Với trí thông minh sẵn có, lại chăm chỉ đọc các sách y dược, học hỏi thêm các bậc lương y khắp vùng nên dần dần Trần Ngọc Trân trở thành một người tinh thông y lý, giỏi đoán bệnh, chế thuốc; với tài năng và hiểu biết đó, bà đã giúp người dân trong vùng chữa khỏi nhiều căn bệnh quái ác.
Đặc biệt, bà Ngọc Trân chế “Hồng ngọc sương hoàn” để trị bệnh dịch tả, chính nhờ công hiệu của loại thuốc này mà trong trận dịch năm Nhâm Dần (1362) nhiều người dân đã được cứu, năm đó vua Trần Dụ Tông đã ra lệnh cấp gạo, phát “Hồng Ngọc sương hoàn” cho dân ở hạt Tam Đới (nay thuộc Phú Thọ) và phủ Thiên Trường (nay thuộc Nam Định).
Ngoài “Hồng ngọc sương hoàn”, Trần Ngọc Trân còn chế loại thuốc trừ bệnh tả bằng cách tán nhỏ nhiều vị thuốc Nam rồi cuốn lại trong một mảnh giấy bản dài bằng ngón tay.
Loại thuốc này bà căn dặn người dân luôn đeo trong mình có thể tránh được bệnh tả truyền nhiễm, dần dần dân gian quen gọi nó là “bùa thuốc” vì giống như đeo bùa trừ tà ma.
Để có nơi khám chữa bệnh, bà Ngọc Trân cho dựng y quán ở phía Bắc đầu làng Vô Hoạn, đây cũng là nơi chế thuốc, bán thuốc.
Truyền rằng y quán dường như được phúc lành che trở, mỗi lần Ngọc Trân phơi thuốc, các buổi trưa hè thường có những cơn mưa bất chợt theo mùa, điều lạ kỳ là xung quanh thì mưa to nhưng nội vi trong khuôn viên của y quán thì vẫn nắng, trời khô ráo, không một giọt nước nào rơi vào.
Trở thành một lương y danh tiếng vang khắp nơi, người dân tứ xứ có bệnh gì đều tìm đến nhờ bà Ngọc Trân, đến y quán xin thuốc, mua thuốc, nhất là “bùa thuốc” rất đông và đều khỏi bệnh.
Ban đầu khu vực gần y quán do có nhiều người tìm đến chờ mua thuốc, khám bệnh đã xuất hiện vài ba hàng quán nước, bán trầu, bán quà bánh; dần dần các hàng quán ngày càng nhiều trở thành chợ, dân chúng quen gọi là chợ Bùa và nó còn tồn tại đến ngày nay.
Ngôi chợ này qua thời gian phát triển thành một chợ lớn, không chỉ là nơi mua bán trao đổi các loại thuốc mà còn có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân trong vùng, những ngôi nhà được dựng nhiều thêm, cư dân cũng trở lên đông đúc.
Để tiện quản lý và tổ chức theo mô hình làng xã có từ lâu đời, chính quyền phong kiến khi ấy đã hợp nhất khu dân cư quanh chợ Bùa với trại Đồng ở gần đó thành một làng mới mang tên là Đồng Bùa, gọi theo chữ Hán là Đồng Phù.
Truyền thuyết kể rằng, khi đến hạn về trời, Trần Ngọc Trân ra một khoảng đất ở xứ Đồng Quang rồi hóa ở đó, người dân chỉ thấy chiếc nón cói úp xuống chứ không thấy hình hài bà đâu, họ bèn xây lăng tưởng niệm gọi là lăng Mẫu.
Ghi nhớ ơn đức dùng thuốc cứu người, nhân dân còn lập đền thờ tại y quán cũ, gần chợ Bùa và gọi là đền Đồng Phù, nơi bà hiển thánh; còn ở thôn Vô Hoạn, nơi sinh thánh cũng có đền thờ gọi là đền Vô Hoạn suy tôn bà làm Thánh Mẫu.
Thời Hậu Lê, triều đình sắc phong Trần Ngọc Trân làm thượng đẳng tối linh thần, ban cho duệ hiệu là “Ngọc Trân Đồng Quang, Gia Hạnh, Phương Dung, Điềm Tĩnh, Quế Hoa công chúa”, đến triều Tây Sơn lại gia phong thêm mỹ tự là “Đạt Đức, Phù Tộ, Thánh Thiện”.
Nhân dân từ bao đời đều tin rằng, Thánh Mẫu rất anh linh hiển ứng, cầu sao được vậy, phù hộ cho nhà nhà đều được yên ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt vì thế tại Đồng Phù đến nay vẫn giữ tục kiêng kị, không bao giờ úp mũ hoặc nón xuống bàn ghế hay bất cứ cái gì để thể hiện lòng tôn kính đức Thánh Mẫu.
Ở những nơi thờ tự nữ danh y Trần Ngọc Trân, các câu đối đều mang nội dung ca ngợi sự ra đời kỳ lạ cũng như tài y dược của bà, như câu đối sau:
Ngọc nữ giáng trần, thanh dạ tinh quang truyền dị tích,
Kim đan cứu thế, Tiên châu dục tú xuất thần minh.
Nghĩa là:
Ngọc nữ giáng trần, sao sáng trời khuya còn truyền dấu lạ,
Kim đan cứu thế, châu Tiên khí tốt sinh bậc thánh thần.
Hàng năm, lễ hội tưởng nhớ Thánh Mẫu Đồng Phù diễn ra từ ngày mồng 10 đến 15/3 âm lịch với nhiều nghi thức và tiết mục đặc sắc như lễ rước kiệu ra lăng Mẫu, tế lễ (tế Nữ quan, tế Nam quan), hầu bóng, hát văn, múa mồi, múa hoa, cờ người, cờ bỏi…
Đây là một hội lớn ở xứ Thành Nam xưa (Nam Định ngày nay), chỉ xếp sau hội Phủ Giày.
- Công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc hàng loạt chế độ trợ cấp cực lớn này
- 'Khủng' nhất Việt Nam: Ai là người vừa được thưởng Tết Nguyên đán hơn 1,9 tỷ đồng?
- Tại sao năm Ất Tỵ 2025 Âm lịch lại có tới 384 ngày?
- Ngày đẹp trong tháng Chạp để làm những nghi lễ cuối năm quan trọng nhất trước khi Tết đến
- Trường hợp nào được đi xe máy lên vỉa hè mà không bị phạt từ 4-6 triệu đồng?
- Ba năm Tam Tai không bằng một năm Thái Tuế, vậy Thái Tuế là gì? Năm Ất Tỵ 2025, tuổi nào phạm Thái Tuế?
- Từ 1/1/2025, công chức và viên chức nằm trong diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc 8 chính sách này
- Bỏ đếm giây đèn tín hiệu, nâng mức xử phạt vượt đèn đỏ lên 20 triệu đồng, nhiều người lo lắng, cục CSGT lên tiếng