Ông Trần Văn Trí - Tổng Giám đốc (ủy quyền) Công ty Thủy sản Bình An kêu khổ: “Tôi rất đau khổ khi được ủy quyền chức Tổng Giám đốc. Nếu không có nợ bà con mướn bao nhiêu tôi cũng không làm..."
|
Sáng 22.3, Tổ Xử lý nợ của Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cùng ông Trần Văn Trí - Tổng Giám đốc (ủy quyền) Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã mời 41 hộ dân nuôi cá để đối chiếu công nợ.
Tại buổi đối chiếu công nợ, nông dân Trần Bá Thi - đại diện cho các hộ bán cá, đề nghị ông Trí phải xác định rõ ràng cụ thể ngày nào, thời gian nào, phương thức trả nợ như thế nào, nói rõ cho bà con nông dân. “Tôi bán cá cho Bianfishco từ tháng 5.2011. Gần suốt 1 năm nay, 60 lần đi lấy nợ chỉ có 33 lần được nhận tiền. Hiện giờ mệt mỏi quá sức chịu đựng, chỉ cần công ty hứa trả nợ, không kể đêm ngày, tôi vẫn đồng ý” - ông Thi bức xúc.
Nông dân Lương Văn Tiến và Nguyễn Văn Bé đang ký xác nhận công nợ với Tổ xử lý nợ.
Trước bức xúc ấy, ông Trí “xuống nước nhỏ” để biện minh nợ: “Trước hết cho công ty nói lời xin lỗi bà con nông dân do nợ tiền cá quá lâu. Mong bà con thông cảm, Bianfishco sẽ đứng ra chịu lãi suất tiền cá. Bà con nợ tiền cá coi như cho Bianfishco vay đi (!)”. Ông Trí còn “khuyên” bà con nuôi cá rằng, đừng có kiện tụng ra tòa. Bởi tòa khỏi xử, Bianfishco cũng chấp nhận thua, nợ tiền cá là trách nhiệm của doanh nghiệp. Sở dĩ một số hộ nuôi cá trước đây kiện công ty là do họ bị tác động từ bên ngoài, trong đó có một số tờ báo (!).
Ông Trí cũng cho biết: Hiện công ty đang ký một hợp đồng gia công mặt hàng cá hồi trị giá 40 triệu USD với một đối tác để làm lấy tiền trả lãi cho dân. Trong vòng 1-2 tuần nữa, nhà máy sẽ hoạt động trở lại.
Ông Trí còn đổ lỗi rằng: “Thời gian qua, báo chí toàn viết những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp. Tôi không có liên quan gì trong nhà máy (dù được ủy quyền làm Tổng Giám đốc!). Báo chí phải nói đúng bằng lương tâm trách nhiệm, viết làm sao cho bà con sớm lấy được tiền, đừng gây tổn thất cho doanh nghiệp. Tiền nợ cá, công ty đã có kế hoạch trình UBND TP.Cần Thơ để trình lên Thủ tướng rồi”.
Suốt buổi đối chiếu công nợ, nông dân chỉ yêu cầu công ty phải đưa ra phương án, thời gian trả nợ cụ thể rõ ràng, chứ không đồng tình với những lời “hứa suông” vòng vo của ông Trí.
Bị nông dân bắt bí, ông Trí kêu khổ: “Tôi rất đau khổ khi được ủy quyền chức Tổng Giám đốc. Nếu không có nợ bà con mướn bao nhiêu tôi cũng không làm. Nhưng vì trách nhiệm của vợ nên tôi phải đứng ra gánh vác, chứ trước giờ có biết làm về thủy sản đâu. Trách nhiệm này là của Hội đồng quản trị. Tôi chỉ ký thừa lệnh ủy quyền của vợ mình, chứ chưa có pháp nhân đại diện theo pháp luật nên không thể giải quyết nợ được. Do vậy, cần phải tổ chức đại hội cổ đông để xác định người đủ thẩm quyền giải quyết theo pháp luật”.
Ông Trí cũng cho rằng, đại hội cổ đông là vấn đề phức tạp, phải có sự chỉ đạo của các cơ quan luật pháp. Đây là công ty cổ phần có đến 103 cổ đông…
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân - Công ty Luật Tâm Chung (TP.HCM) - đại diện 16 nông dân nuôi cá, cho rằng: “Việc tổ chức đại hội cổ đông căn cứ vào điều lệ của công ty chứ không nhất thiết phải có mặt của 3 cổ đông chiến lược”.
Đuối lý, ông Trí cho rằng, hiện đang chờ giấy ủy quyền cổ phần của vợ mình là bà Phạm Thị Diệu Hiền - người nắm giữ 25 triệu cổ phần (tương đương 50%) từ Mỹ gửi về. Hiện ông chỉ đang đứng tên thay cho con mình 1 triệu cổ phần (tương đương 2%).
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?