Chiến trường K: Chuyện bây giờ mới kể (2)
Thứ hai, 09/01/2012 08:52

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa nhưng chắc chắn nhiều người vẫn sẽ phải lạnh sống lưng khi đọc lại những toan tính thâm độc và rất phiêu lưu của tập đoàn Pol Pot năm nào.

Bài 2: Hoang tưởng của Pol Pot

Bạn biến thành thù

Trong thiên ký sự nổi tiếng “Đường vào Phnom Penh”, thiếu tướng Bùi Cát Vũ đã kể lại chuyện ông đọc được một bản nghị quyết của tập đoàn Pol Pot với nội dung coi Việt Nam là kẻ thù số 1. Bản nghị quyết đó đến tay thiếu tướng Bùi Cát Vũ qua một sĩ quan Campuchia, trước kia từng là người của Khmer Đỏ nhưng đã nhận ra bản chất sô-vanh của bọn chúng và chạy sang với quân đội Việt Nam.

Bản đồ các mũi tiến công của QĐND Việt Nam tiêu diệt tập đoàn Pol Pot.

Bản nghị quyết đề tháng 6.1977 có ghi: “Duôl (An-nam) sau chiến tranh còn gặp nhiều khó khăn chồng chất, kinh tế kiệt quệ, chính trị thì nội bộ mâu thuẫn, ở miền Nam chính quyền chưa vững, tàn quân và tổ chức chính trị chống đối của Thiệu còn nhiều, đang hoạt động phá hoại ... 

Về quân sự, Duôl (An-nam) có quân đội mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu, trang bị phương tiện nhiều, song sau khi thống nhất thì tinh thần quân đội sút kém ...

Tuy mạnh về quân sự nhưng yếu về chính trị, đang gặp nhiều khó khăn nên không đủ sức mạnh đánh lại chúng ta ... Về chiến lược thì bị kềm chế, không dám tấn công sâu qua đất nước Kampuchia ...

Ta phải lấy tư tưởng tấn công là chính, và đưa chiến tranh sang Việt Nam. Phải tấn công trước, tấn công dồn dập để Duôl (An-nam) không kịp trở tay ...”.

”Việt Nam quá yếu”!

Ngoài nghị quyết trên, Pol Pot còn hàng ngày ra rả tuyên truyền cho các thuộc cấp rằng Việt Nam rất yếu, không thể chống lại một cuộc tấn công của quân Khmer Đỏ. Nhận định của tên trùm phản động hầu như chỉ dựa trên cảm tính chứ không hề có căn cứ gì.

Tội ác diệt chủng của Pol Pot

Trong cuốn hồi ký của mình, cựu hoàng Sihanouk viết về điều đó: “Cả hai chế độ của Lon Nol và của Pol Pot đều là kẻ thù của chúng tôi, cả hai đều phạm một sai lầm tai hại đối với bọn chúng, đồng thời cũng mang lại tai hoạ cho Campuchia. Đó là, khiêu khích liên tục nước Việt Nam láng giềng của chúng tôi và dại dột tiến công những người Việt Nam.

Tôi, Sihanouk, đã tìm cách để không xảy ra tai hoạ đó trong việc làm cho những người hàng xóm láng giềng của chúng ta tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta sau khi họ đã rõ ràng chiến thắng đạo quân viễn chinh của Mỹ và lũ tay sai. Khmer Đỏ lại nghĩ khác. Họ muốn đánh phủ đầu Việt Nam mà họ gọi là “kẻ thù truyền kiếp”. Quả là Khmer Đỏ cứ tưởng mình vô địch, muốn làm gì cũng được.

Khmer Đỏ là những kẻ sùng bái Mussolini (Benito Amilcare Andrea Mussolini (29 tháng 7, 1883 – 28 tháng 4, 1945) là thủ tướng độc tài cai trị phát xít Ý - NV) và Hitler (Adolf Hitler (20/4/1889  – 30/4/1945) là nguyên thủ quốc gia nắm quyền Đế quốc Đức kể từ năm 1934. Hitler đã gây ra Đệ nhị thế chiến, thúc đẩy một cách có hệ thống quá trình tước đoạt quyền lợi và sát hại khoảng sáu triệu người Do Thái châu Âu cùng một số nhóm chủng tộc, tôn giáo, chính trị khác - NV). Khmer Đỏ cứ tưởng mình khỏe hơn phát xít. Chính Pol Pot đã tuyên bố rất nghiêm túc, không chút khôi hài: “Việt Nam quá yếu. Một mình Việt Nam không dám đọ sức với ta đâu?”. Chính vì vậy, Khmer Đỏ đã tự chui mình vào cạm bẫy của chính họ”.

Cũng còn những lý do khác để Pol Pot yên chí khiêu khích quân đội Việt Nam. Theo phân tích của thiếu tướng Bùi Cát Vũ: “Thật ra trong thâm tâm, chúng nhận định rằng lực lượng cách mạng không đủ sức và cũng không dám tấn công toàn diện. Mà nếu chỉ giải phóng đến bờ đông sông Mêkông để lập căn cứ cho Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia thì lực lượng cách mạng sẽ sa lầy đến ngực, vì vùng này toàn là rừng ít dân. Nếu chúng lùa dân đi nữa, thì là vùng không dân, kinh tế không có gì, đường xá rất ít, phạm vi rộng, hậu phương xa.

Ta sẽ tiêu tốn rất nhiều sức người, sức của, không thể nào chịu nổi trong cuộc chiến tranh lâu dài. Chừng ấy chúng tha hồ giành chủ động ở biên giới phía Bắc, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Kế hoạch “gài bẫy” Việt Nam

Trong thực tế cuộc phản công biên giới Tây Nam, quân đội Việt Nam đã giành chiến thắng một cách chớp nhoáng. Ngày 23.12.1978 bắt đầu tổng tiến công từ biên giới vào đất Campuchia thì đến 7.1.1979 đã chiếm được Phnom Penh. Trong lịch sử quân sự, hiếm có quân đội nào tiến được mau chóng đến thế.

Lính Khmer Đỏ bị thương trong các cuộc giao tranh ở biên giới.

Nguyên nhân của thắng lợi đó có phần do quân đội Việt Nam mạnh hơn về mọi mặt, kinh nghiệm chiến trường vượt trội hơn đối thủ. Nhưng cũng còn một nguyên nhân mà ít người biết đó là kế hoạch “nhử mồi” của tập đoàn Pol Pot. Âm mưu thâm độc của bọn chúng là nhử cho quân đội Việt Nam vào sâu trong đất Campuchia để tiêu hao dần hoặc không thì luôn gây sức ép buộc chúng ta phải duy trì một lực lượng quân sự lớn khiến kinh tế nước ta kiệt quệ.

Pol Pot tính toán rằng nếu đóng quân ở Campuchia thì Việt Nam phải duy trì quân đội từ trên 1 triệu tới 2 triệu người, mỗi quân nhân tiêu tốn 20 đô la một ngày thì chẳng mấy chốc nước Việt Nam sẽ kiệt sức.

Ý tưởng đó của Pol Pot được thể hiện rõ trong khi thuyết trình trước ông hoàng Sihanouk vào ngày 3.1.1979 (Lúc này ông Sihanouk đã xin nghỉ hưu và bị Pol Pot giam lỏng nhưng trước sự sụp đổ do sức tấn công của Việt Nam, Pol Pot phải viện đến Sihanouk công cán nước ngoài để tuyên truyền rằng Việt Nam xâm lược Campuchia).

Y nói: “Hiện nay, tình hình chiến sự ở Campuchia là rất tốt đối với quân đội ta. Chúng ta đang giương một cái bẫy, nhử cho địch vào sâu để tiêu diệt luôn toàn bộ sức mạnh quân sự của chúng. Đứng trước kẻ địch, chúng ta phải lựa chọn một trong hai chiến lược, hoặc là chặn đứng sức tiến quân của đối phương trên suốt tuyến biên giới. Nhưng làm như vậy thì quân Việt sẽ không bị tiêu diệt toàn bộ và vẫn có thê tiếp tục phát triển trong nội địa của chúng. 

Hoặc là ta mở toang biên giới làm cho chúng tưởng ta rất yếu, khi đại bộ phận quân địch đã lọt vào trong đất nước ta, chúng ta sẽ bao vây chúng, chia cắt chúng, tiêu diệt chúng. Chúng sẽ bị chìm nghỉm và tan rã như muối gặp nước, trong đại dương hung dữ của cuộc kháng chiến toàn dân và các lực lượng vũ trang vô địch của chúng ta.

Bộ Tổng tư lệnh đã chọn chiến lược thứ hai này. Chỉ trong vòng hai tháng, ba tháng nữa là cùng ta sẽ tiêu diệt, thanh toán toàn bộ sinh lực địch. Tôi hi vọng lúc đó sẽ có vinh dự được đón Thái tử trở về nước, khoảng ba tháng nữa là chậm nhất. Trong lúc chờ đợi, Thái tử sẽ được cử đi làm những nhiệm vụ to lớn cho nhân dân, cho dân tộc cho đất nước tại Liên Hợp Quốc và các nước bạn”.

Cũng chính trong đoạn hồi ký này, Sihanouk đã bình luận: “Tôi chỉ còn biết cảm tạ và ca ngợi nhà chiến lược thiên tài, rất xứng đáng so sánh với Hitler trong những ước vọng ngông cuồng nhất, và cũng rất điên dại và ngu dốt như Lon Nol”.

Sự thực chỉ mấy ngày sau Phnom Penh thất thủ nhưng 3 tháng sau, quân đội Việt Nam không hề bị tiêu diệt mà còn phát triển ra chốt giữ toàn bộ lãnh thổ Campuchia và đẩy tập đoàn diệt chủng Pol Pot sang sát biên giới Thái Lan. Và nếu như lực lượng Pol Pot không được các thế lực bên ngoài hà hơi tiếp sức thì nó không thể trụ được đến hết năm 1979.

(Còn nữa)

 

Đất Việt
Tag: Chiến trường K , Chiến tranh biên giới Tây Nam , Lịch sử , Hồ sơ , Tư liệu , Campuchia , Họa diệt chủng