Chiến thuật ở EURO: Tây Ban Nha, Đức, Italia và Hà Lan đã thay đổi thế nào?
Thứ hai, 28/05/2012 17:41

Một trong những khía cạnh thú vị nhất của môn thể thao vua chính là sự khác biệt trong phong cách chơi bóng của mỗi nền bóng đá.

Chúng ta có bóng đá tổng lực của người Hà Lan, tiqui-taca của Tây Ban Nha, catenaccio của Italia… và những lối chơi này được thể hiện rõ nhất ở các giải đấu lớn. Tuy vậy, trong thời đại bóng đá toàn cầu hóa, những phong cách bóng đá đặc trưng như vậy đều không còn giữ được sự thuần chất, mà có sự giao thoa và học hỏi lẫn nhau.

Nhìn vào quá trình phát triển lối chơi của 4 đội bóng hàng đầu châu Âu hiện nay là Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, và Italia trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Họ không còn khư khư với thứ bóng đá đã tạo nên bản sắc của riêng mình mà đã có sự bắt chước hay học hỏi lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Tây Ban Nha

Khuôn mẫu trong quá khứ: Đội hình luôn đầy rẫy những cầu thủ tài năng nhưng rất dễ rơi vào tình trạng sợ hãi và lo lắng khi bước vào giai đoạn knock-out.

ĐT TBN vẫn là ứng viên hàng đầu tại EURO 2012. (Ảnh Getty)

Thực tế: Tây Ban Nha là một trong những đội tuyển có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong giai đoạn 2007-2010 khi họ giành chiến thắng tới 49 trên tổng số 54 trận để vô địch châu Âu và thế giới. Với những gì Tây Ban Nha đã thể hiện trong quãng thời gian này, không ai còn nói họ yếu bóng vía ở các giải đấu lớn nữa.

Cho dù có trượt chân một số lần trong hai năm trở lại đây, đặc biệt là ở các trận giao hữu với những đội bóng lớn, Tây Ban Nha vẫn sở hữu một đội ngũ ổn định và thèm khát thành công ở các sự kiện lớn.

Tây Ban Nha từng được coi là một đội tuyển thất thường và không thể đoán trước thì bây giờ họ là một tập thể chắc chắn, khó bị đánh bại và có chiến lược rõ ràng. Hơn nữa, họ còn sở hữu một tập thể đầy rẫy những ngôi sao, khi mà ngay cả những Cesc Fabregas, David Silva hay Juan Mata cũng phải ngồi dự bị.

Công thức hiện tại: Phong cách bóng đá Hà Lan pha trộn với khuynh hướng của Italia – đội thường khởi động chậm nhưng rột cục vẫn giành chiến thắng.

Đức

Khuôn mẫu trong quá khứ: Nhắc tới Đức trong quá khứ người ta thường nghĩ ngay tới một đội bóng buồn tẻ, cứng nhắc và thiếu sự sáng tạo.

Thực tế: Đức là đội có lối chơi hấp dẫn bậc nhất tại World Cup cách đây 2 năm. Trong khi Tây Ban Nha vô địch nhờ 4 chiến thắng liên tiếp ở vòng knock-out với cùng tỷ số 1-0 thì đội bóng của HLV Joachim Loew đã có những màn hủy diệt trước Anh (4-1) và Argentina (4-0) với một thứ bóng đá tấn công phóng khoáng và hiệu quả.

Tốc độ, khả năng di chuyển và phối hợp của ĐT Đức tại Nam Phi khiến cả thế giới phải ghen tỵ. Lối chơi này của Đức hoàn toàn khác so với hình ảnh của một “cỗ xe tăng” lầm lũi trong quá khứ.

Đức đang sở hữu lối đá tấn công cởi mở bậc nhất thế giới. (Ảnh Getty)

Đức đang sở hữu một tập thể tài năng và trẻ trung bậc nhất trong lịch sử. Mesut Oezil – ngôi sao đang khoác áo Real Madrid – sẽ là một trong những số 10 đáng chú ý nhất tại EURO 2012. Bastian Schweinsteiger là một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới hiện nay, trong khi đồng đội của Schweini ở Bayern Munich là Toni Kroos cũng chứng tỏ được tiềm năng của một tiền vệ đẳng cấp cao.

Đó là còn chưa kể tới anh em nhà Bender (Lars và Sven), Sami Khedira, Marco Reus, và Thomas Mueller. Tất cả để chứng tỏ một điều rằng chất lượng kỹ chiến thuật mà đội Đức đang sở hữu tuyệt vời như thế nào.

Công thức hiện tại: Đức có sự hứng khởi trong tấn công như người Tây Ban Nha nhưng họ đang gặp phải vấn đề như Hà Lan trước đây, đó là luôn thất bại ở giai đoạn cuối cùng. “Die Mannschaft” đã thất bại ở hai lần vào bán kết World Cup (2006 và 2010) và chung kết EURO 2008.

Hà Lan

Khuôn mẫu trong quá khứ: Luôn cống hiến một lối chơi tấn công đẹp mắt và phóng khoáng.

Thực tế: Trận chung kết đầy bạo lực với Tây Ban Nha ở World Cup 2010 đã hủy hoại danh tiếng chơi đẹp của người Hà Lan. Ở trận đấu tai tiếng đó, 7 cầu thủ Hà Lan trong đội hình xuất phát đã phải nhận thẻ vàng trong khi John Heitinga thậm chí còn bị đuổi.

Nhưng hình ảnh tiêu biểu nhất cho lối chơi “phản bóng đá” của Hà Lan phải là tình huống Nigel de Jong đạp vào ngực Xabi Alonso như trong một thế võ karate. Huyền thoại Johan Cruyff sau đó đã phải thốt lên rằng Hà Lan đã chơi một thứ bóng đá “xấu xí và bạo lực”.

HLV Bert van Marwijk bị chỉ trích vì áp dụng lối chơi tiêu cực cho Hà Lan. (Ảnh Getty)

Đó chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho cách chơi của Hà Lan dưới triều đại Bert van Marwijk cho dù không phải lúc nào họ cũng đá theo cách như vậy. Dưới sự dẫn dắt của Van Marwijk, Hà Lan luôn chơi với 2 tiền vệ phòng ngự phía trên hàng thủ 4 người trong khi sơ đồ truyền thống của họ là 4-3-3.

Công thức hiện tại: Có sự kết hợp giữa sự thận trọng của người Italia và tính hiệu quả của người Đức.

Italia

Khuôn mẫu trong quá khứ: Italia vẫn được biết đến với lối chơi phòng ngự sở trường. Cách chơi của họ chủ yếu dựa vào một hàng hậu vệ lão luyện và ăn ý cộng với những tiền đạo có lối chơi đơn giản nhưng hiệu quả tối đa.

Thực tế: HLV của Italia hiện tại, Cesare Prandelli luôn mang trong mình tư tưởng tấn công và không phải là mẫu chiến lược gia điển hình của xứ sở mỳ ống. Ông muốn các học trò chơi bóng một cách chủ động, linh hoạt ở tuyến giữa với những đường chuyền thông minh chứ không khô cứng như trước đây.

Cho dù là nơi sản sinh ra các hậu vệ huyền thoại nhưng đội hình của Italia hiện tại may ra chỉ một mình Giorgio Chiellini đạt đẳng cấp thế giới. Do đó, chơi phòng ngự hiện tại càng không thể là chiến lược của Italia.

Cesare Prandelli luôn mang trong mình tư tưởng tấn công. (Ảnh Getty)

Tuy vậy, khả năng tấn công của Italia lúc này cũng là một dấu hỏi khi họ thiếu một “số 10” có khả năng bao quát và gây đội biến như Roberto Baggio, Alessando Del Piero hay Francesco Totti trước đây.

Hơn nữa, Prandelli cũng không có trong tay một “số 9” điển hình nào như Luca Toni, Christian Vieri hay Pippo Inzaghi. Ngoài ra, đội hình của Italia hiện tại khá thiếu kinh nghiệm khi mà cả đội hiện chỉ có Pirlo, Daniele De Rossi và Gigi Buffon là có trên 50 lần khoác áo ĐTQG.

Công thức hiện tại: Khăng khăng theo đuổi lối chơi phóng khoáng của Tây Ban Nha mà không thực sự có niềm tin rằng mình sẽ thành công. Ngoài ra, giống như Đức trước đây, Italia đang thực sự thiếu những ngôi sao lớn trong đội hình.

TT&VH
Tag: Tây Ban Nha , Đức , Hà Lan , Italia , Euro 2012 , Ukraina , Ba Lan , Bóng đá , Thể thao