Ngoài một chiếc xe Peugeot thể thao đang được trưng bày tại nhà công tử Bạc Liêu thì bộ sưu tập 'siêu xe' được mệnh danh đệ nhất Nam kỳ lục tỉnh đều thất lạc.
Bộ sưu tập 'siêu xe' đệ nhất Nam kỳ lục tỉnh nay ở đâu? |
Theo anh Tuấn Anh, một người có những tìm hiểu khá sâu về công tử Bạc Liêu thì, sau 3 năm “du học” bên Pháp, tháng 8/1930, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Quy (Huy) trở về nước bằng tàu thủy. Để đón Ba Huy - người con trai "có đầu óc hơn người", ông Hội đồng Trạch đã dày công tổ chức một cuộc đón rước con rình rang có một không hai thời bấy giờ, với những phương tiện và nghi thức không hề thua kém đón rước Vua Bảo Đại.
"Cũng từ đây, giới ăn chơi Nam Kỳ biết đến một Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy - là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng và cũng là người có thú chơi các loại "siêu xe" lúc bấy giờ. Hình ảnh một người đi vào đồn điền bằng xe hơi là hình ảnh họ chưa từng thấy trước đó. Công tử Bạc Liêu cũng là người miền Tây đầu tiên đi chiếc Chevrolet, chưa ai có ở Nam Kỳ", anh Tuấn Anh cho hay.
Chiếc xe hơi công tử được trưng bày tại khu di tích.
Hãng bán xe hơi ngay ngã tư Charner - Bonard (ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TP.HCM ngày nay) không thật niềm nở khi có hai người khách trong bộ dạng nhà quê ghé vào. Người lớn tuổi trong bộ đồ bà ba “lục soạn” trắng ngả màu phèn, ôm khư khư chiếc giỏ đệm, bên trong là cái mo cau.
Ông già nhà quê và người thanh niên đi cùng xem khắp lượt các loại xe hơi đậu trong hãng. Sau một hồi ngắm ngắm nghía nghía, người thanh niên kéo ông già nhà quê tới bên chiếc xe “Huê Kỳ” (xe hơi) hiệu Chevrolet loại mới nhập cảng ở Mỹ qua, chưa ai có ở Nam Kỳ.
Ông già ra lệnh cho mấy người Tây bán xe mở cửa xe cho ông lên ngồi. Những người này trố mắt ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo khách hàng. Xong ông bảo tài xế một vòng quanh chợ Bến Thành. Đến chừng đã ưng ý, ông kêu tài xế chạy trở về hãng, xong mở mo cau ra đếm tiền, cả cọc giấy bạc bộ lư (loại 100 đồng Đông Dương).
Theo như thông tin thì đây là chiếc xe Peugeot thể thao sản xuất năm 1922.
Người Tây trố mắt kinh ngạc, họ đâu biết rằng, ông già nhà quê kia là một đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ khi ấy, ở xứ Bạc Liêu. Ông chính là Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch), người đang nắm trong tay hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và khoảng 50 ngàn hécta ruộng muối.
"Chiếc tàu Aramis của hãng Messageries Maritimes chạy tuyến Marseille - Sài Gòn cập bến vào lúc 9h sáng ngày 10/8/1930. Bến cảng Nhà Rồng đông nghẹt người tới đón thân nhân từ Pháp về. Gia đình Hội đồng Trạch đi trên 2 chiếc xe Huê Kỳ ra bến cảng đón con: Chiếc Ford đi bấy lâu và chiếc Chevrolet mua ngày hôm trước.
Trong bãi xe đậu trên bến cảng, chiếc Chevrolet của Hội đồng Trạch là nổi bật hơn cả, thiên hạ kéo tới trầm trồ ngắm nhìn. Và sau lúc này, một cuộc đua "căng thẳng" và cũng là "khoe" tài lái, xe đã diễn ra trên tuyến đường đưa công tử về Bạc Liêu", anh Tuấn Anh kể.
Hơi bất ngờ khi được gia đình đưa tới chiếc Chevrolet mới toanh, loại xe này ở bên Pháp chỉ những nhà quý tộc mới dám mua nhưng không nói không rằng, Ba Huy cho xe từ từ lăn bánh một cách điệu nghệ. Trên con đường thiên lý từ Sài Gòn về miền Tây, chiếc Chevrolet chạy như bay, qua mặt tất cả các xe đò lục tỉnh. Tốc độ tăng lên 80, rồi 90km/h, chiếc Chevrolet bỏ lại sau lưng những chiếc xe đò của các hãng Ứng Ký, Đại Đồng nổi tiếng anh chị.
Thuở ấy, xe đò Ứng Ký có tài xế Ba Thẹo nổi tiếng cừ khôi, chưa từng thua bất cứ xe nào trong các cuộc đua trên con đường thiên lý. Khi thấy có chiếc xe Huê Kỳ thúc đít, Ba Thẹo cười ngạo nghễ lạng qua lạng lại, ra chiều chọc tức chiếc xe phía sau, vừa chạy hết tốc lực, vừa cản đường không cho qua.
Nhưng chỉ vài đường lạng lách là chiếc Chevrolet vọt qua như ánh chớp. Ba Thẹo trố mắt nhìn người lái xe mặc áo veste, đeo cà-vạt, mắt kính gọng vàng, đầu đội nón Mossant có giá bằng tiền lương tài xế cả tháng.
Không chỉ sở hữu nhiều dòng xe ô tô, đi đòi nợ các tỉnh, công tử Bạc Liêu thường dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Chiếc xe này, thời điểm đó, trên toàn Việt Nam mới chỉ có 2 chiếc, một chiếc là của vua Bảo Đại chuyên dùng để đi chơi và chiếc còn lại chính là của Ba Huy
Cũng theo anh Tuấn Anh, chiếc Austin Morris, một loại xe cổ, được sản xuất vào đầu thế kỷ XX cũng được cho là của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Ngoài ra, còn có chiếc Austin Mano cao cấp, được sản xuất vào khoảng thập niên '40 của thế kỷ trước.
Chiếc xe máy kiêm xe đạp Mobylette màu trắng nhập từ Pháp về Việt Nam từng là sở hữu của Công tử Bạc Liêu
"Không chỉ có thú chơi các loại "siêu xe" ôtô lúc bấy giờ mà công tử Bạc Liêu còn rất thích thú với những chiếc xe đạp. Chiếc xe máy kiêm xe đạp Mobylette màu trắng nhập từ Pháp về Việt Nam từng là sở hữu của Công tử Bạc Liêu, từ những thập niên 30 của thế kỷ XX. Chiếc xe này cũng được đánh giá là sang trọng bậc nhất Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ với tốc độ chạy đạt đên 35 - 40km/h", anh Tuấn Anh cho biết thêm.
"Bốc hơi" cùng gia tài 5 tấn vàng
Sở hữu rất nhiều "siêu xe" lúc bấy giờ nhưng rồi cũng như khối tài sản trị giá lên tới 5 tấn vàng của gia tộc họ Trần Trinh, tất cả đều đã "bốc hơi" hết sau những năm tháng ăn chơi, tiêu xài phung phí.
Khi được hỏi về những chiếc "siêu xe" này, chính con trai của công tử Bạc Liêu, ông Trần Trinh Đức cũng không biết rõ là chúng đang ở đâu, chỉ biết rằng, do hoàn cảnh gia đình sa sút dần nên mọi thứ đều đã thất lạc.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi và thông qua sự giúp đỡ về thông tin của anh Tuấn Anh thì, chiếc xe Peugeot thể thao sản xuất năm 1922. Hiện chiếc xe đang đã được ban quản lý di tích nhà công tử Bạc Liêu sưu tầm và trưng bày tại đây.
Chiếc xe Austin Morris cao cấp được giới chơi xe cổ tại Đà Lạt và Sài Gòn đồn thổi là chiếc xe vốn của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đang thuộc sở hữu của một chủ xe ở Đà Lạt. Ngoài chiếc Morris, người chủ còn sở hữu Austin Mano cao cấp và giới chơi xe cổ tại Đà Lạt, Sài Gòn đồn thổi đây là chiếc xe của Công tử Bạc Liêu Trần Huy Trinh.
Dù đã mấy chục năm, nhưng những chiếc xe này vẫn rất mới, máy móc hoạt động tốt và người chủ cũng rất kỳ công trong việc chăm sóc.
Còn chiếc xe máy kiêm xe đạp Mobylette đang thuộc sở hữu của một đại gia chuyên săn đồ cổ ở Cần Thơ.
"Trên thực tế, do ăn chơi phung phí, gia cảnh sa sút, nhà cửa còn phải bán đi để lấy tiền tiêu xài nên những chiếc xe này cũng chịu chung số phận như vậy. Sau khi công tử Bạc Liêu mất vào năm 1974 thì những thông tin về các "siêu xe" càng ít đi. Lời đồn đại về tung tích, người sở hữu hiện tại của những chiếc xe này rất nhiều nhưng chính xác hay không thì chưa rõ, chỉ biết rằng, chủ sở hữu đầu tiên là công tử Bạc Liêu. Và cho đến bây giờ, điều mà nhiều người, kể cả các đại gia vẫn phải ngả mũ cúi chào đó là, thói chơi sang, ngông đến đệ nhất Nam Kỳ lục tỉnh của công tử", anh Tuấn Anh bày tỏ.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Vạch trần chiêu trò lừa đảo lấy sạch tiền trong tài khoản chỉ với cuộc điện thoại, ai cũng cần lưu tâm
- Các dấu hiệu nhận biết điện thoại của bạn đang bị theo dõi
- 5 cách khôi phục tin nhắn Zalo bị xóa chỉ trong một nốt nhạc
- Kiệt tác sáng tạo của Audi: Q5 thế hệ mới ra mắt ấn tượng tại Paris Motor Show, dẫn đầu xu hướng thiết kế
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?