Bí mật tạo nên "những tia chớp" Jamaica
Thứ hai, 16/07/2012 15:05

Đường chạy 100 mét nam ở Olympic London đầu tháng 8 hứa hẹn nóng bỏng khi hội đủ 4 người nhanh nhất hành tinh hiện nay, trong đó có tới 3 người Jamaica.

Các VĐV Jamaica luôn chiếm ưu thế tại nội dung chạy ngắn

Các VĐV Jamaica luôn chiếm ưu thế tại nội dung chạy ngắn

Ngày 5/8 tới, nếu không có gì bất ngờ lớn xảy ra, sân vận động ở London sẽ chứng kiến cuộc đua giữa những người chạy nhanh nhất thế giới hiện tại ở chung kết 100m nam của Thế vận hội mùa hè. Và nếu chủ nhân của tấm HC vàng hôm đó không phải người Jamaica, đó sẽ là một trong những bất ngờ lớn nhất của Olympic năm nay, đồng thời là cú sốc thực sự đối với quốc gia nhỏ bé thuộc vùng biển Caribe (châu Mỹ).

Một khi không bị chấn thương cản trở hay mắc lỗi xuất phát như tại giải thế giới năm ngoái, kỷ lục gia Usain Bolt sẽ trở thành tâm điểm của nội dung 100m bởi anh đến London cùng quyết tâm bảo vệ tấm HC vàng giành được ở Olympic Bắc Kinh 2008 (với thời gian nhanh kỷ lục 9,58 giây). Nếu Bolt không đạt phong độ cao nhất, Yohan Blake có thể sẽ soán ngôi của đàn anh đồng hương người Jamaica.

Yohan Blake sẽ thách thức vua tốc độ Usain Bolt

Yohan Blake trẻ hơn Bolt 3 tuổi (22-25), là đương kim vô địch thế giới, và mới đây thắng Usain Bolt ở cả chung kết 100 mét lẫn 200 mét tại giải điền kinh tiền Olympic của Jamaica. Ngay cả nếu hai ứng viên sáng giá nhất không thành công, Jamaica vẫn có thể hy vọng ở cựu kỷ lục gia thế giới Asafa Powell. Trong cuộc đua này, Tyson Gay của Mỹ tỏ ra quá đơn độc và khó gây bất ngờ.

Với ba ngôi sao nước rút hàng đầu thế giới, Jamaica cũng khó để tuột tấm HC vàng tiếp sức 4x100 mét nam. Riêng Bolt và Blake còn là ứng viên nặng ký ở cả nội dung 200 mét.

Ở các nội dung nước rút của nữ tại Olympic London, Jamaica nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục thống trị, với sự góp mặt của Shelly-Ann Fraser-Pryce (đương kim vô địch 100 mét) và Campbell-Brown (người đặt mục tiêu hoàn tất cú hat-trick HC vàng 200 mét).

Trong giai đoạn Olympic hiện đại, Mỹ vẫn là quốc gia giành được nhiều HC vàng chạy nước rút (cự ly ngắn) nhất, với những gương mặt tiêu biểu như Jesse Owens, Carl Lewis (người giành tới 9 HC vàng chạy 100m, 200m và nhảy xa) và Florence Griffith-Joyner (người đàn bà chạy nhanh nhất mọi thời đại, hiện vẫn giữ kỷ lục thế giới 100m, 200m nữ lập từ năm 1988).

Campbell Brown muốn giành HCV Olympic lần thứ 3 liên tiếp

Nhưng hiện tại Mỹ đã phải đứng sau Jamaica trên các đường chạy cự ly ngắn. Mỹ có số dân hơn 300 triệu người và là cường quốc thể thao, trong khi Jamaica chỉ là đảo quốc nghèo với dân số chưa đến 3 triệu người. Không chỉ đang sở hữu những nhà đương kim vô địch thế giới và Olympic, Jamaica còn là quê hương gốc của một số ngôi sao nước rút khác như Linford Christie (HC vàng chạy 100m trong màu áo vương quốc Anh 1992), Donovan Bailey (HC vàng 100m nam cho Canada ở Olympic 1996) và cả Ben Johnson (người từng giành hai HC đồng Olympic cho Canada và một HC vàng về sau bị tước do doping).

Vậy đâu là nguyên nhân thành công của các vận động viên chạy nước rút Jamaica, và liệu họ có thể duy trì được ngôi vị số một trong tương lai?

1. Jamaica có những tấm gương sáng, dẫn dắt các thế hệ sau tiếp bước không ngừng

Khi Usain Bolt và Campbell-Brown vẫn còn đang rực sáng, Jamaica đã được thấy tiếp một tài năng đầy hứa hẹn. Blake mới 22 tuổi nhưng đã vô địch thế giới năm ngoái (khi Bolt mắc lỗi xuất phát ở đường chạy 100m), và tuần qua liên tiếp thắng đàn anh Bolt ở chung kết 100m, 200m để giành chức vô địch Jamaica. Giới chuyên môn ví sự tiếp nối các thế hệ tài năng của điền kinh Jamaica như một băng tải hàng chạy liên tục và không có dấu hiệu chậm lại.

Bản thân Bolt thì thừa nhận huyền thoại đồng hương Don Quarrie chính là nguồn cảm hứng phấn đấu của anh. Don Quarrie từng giành HC vàng 200m tại Olympic 1976, và 6 HC vàng Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung. Bolt tâm sự: “Với tôi, Don Quarrie là VĐV đáng xem nhất và đáng được ngưỡng mộ nhất. Tôi đã xem ông chạy 200m, thật tuyệt vời, và tôi đã tự nhủ sẽ làm tốt được như vậy. Quarrie và cả McKenley là những tấm gương mà tôi muốn học theo”.

Usain Bolt vẫn là ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch 100m tại Olympic London

McKenley cùng với Arthur Wint chính là những người Jamaica đầu tiên được tận hượng vị ngọt chiến thắng tại Olympic, tại Thế vân hội London 1948. Hồi đó Wint đánh bại McKenley ở nội dung dài hơn 400m, còn McKenley vào chung kết ở cả ba nội dung 100, 200 và 400 mét.

Còn ngôi sao đang hướng tới tấm HC vàng Olympic 200m nữ kỳ thứ ba liên tiếp, Campbell-Brown, thì coi huyền thoại Merlene Ottey là thần tượng. Merlene Ottey từng giành tới 14 huy chương giải vô địch thế giới chạy cự ly ngắn trong màu áo Jamaica, và hiện tại vẫn thi đấu ở cấp độ quốc tế cho quê hương thứ hai là Slovenia. Giờ đã 52 tuổi nhưng bà vẫn hy vọng vượt qua vòng loại để được tranh tài ở Olympic London 2012. Campbell-Brown nhận xét: “Ottey là người đàn bà tuyệt vời, mạnh mẽ, lao động miệt mài và tràn đầy khát khao cống hiến. Bà ấy còn là người bạn khuyên tôi nhiều điều bổ ích”.

2. Thể thao học đường phát triển mạnh

Giống huyền thoại Ottey, ngôi sao nữ hiện nay Campbell-Brown cũng từng học ở trường Trung học Vere Technical – từ lâu đã được coi là Nhà máy sản xuất các vận động viên điền kinh của Jamaica. Khi theo học ở đây, cả hai đã được đại diện cho trường tham gia hàng loạt những giải điền kinh trường học được tổ chức tại khắp Jamaica.

Bolt cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới thành công của điền kinh Jamaica là sự ganh đua quyết liệt của các vận động viên ngay từ thời trẻ. “Jamaica đã thúc các vận động viên trẻ phải tiến lên. Có nhiều giải thể thao cho thanh, thiếu niên tại khắp Jamaica, giúp chúng tôi sớm phát hiện và rèn luyện được nhiều tài năng. Các giải đấu này rất khốc liệt, và khiến ai cũng muốn mình phải nhất ở nội dung và thế hệ của mình.

Blake được cho là sẽ tiếp nối đàn anh Usain Bolt

Những giải đấu kiểu như vậy giúp tôi rèn được kỹ năng vượt qua nỗi sợ hãi khi phải chạy trước sự theo dõi của hàng nghìn người trong sân vận động và hàng triệu người qua truyền hình. Trong lễ trao huy chương giải trường học, các ngôi sao điền kinh hàng đầu của Jamaica được mời tới dự và nói chuyện khích lệ các thế hệ đàn em”.

Khi mới 16 tuổi Usain Bolt đã gây ấn tượng mạnh tại giải Mini Olympic 2003, giành HC vàng ở hai nội dung 200m và 400m, với thành tích đủ chuẩn dự vòng chạy chung kết tại bất kỳ Thế vận hội nào.

Tài năng của Campbell-Brown còn được phát hiện và định hướng sớm hơn, từ hồi học tiểu học. “HLV và là thầy giáo của tôi hồi đó bảo với tôi rằng: ‘Em rất có tố chất, chạy nước rút có thể sẽ là con đường sự nghiệp tốt cho em'. Và rồi thầy đã giới thiệu tôi với trường Trung học nổi tiếng Vere – Trung tâm đào tạo các vận động viên chạy tốc độ”.

3. HLV, chuyên gia thể thao uy tín

Phong trào thể thao học đường của Jamaica rất mạnh, nhưng đó vẫn chỉ được coi là bước đệm tới thành công. Ngay cả Bolt, một tài năng thiên bẩm, cũng cần có sự trợ giúp của các HLV giỏi mới đạt độ chín như hiện tại.

Glen Mills thời trẻ từng quyết tâm tranh đua với hai vận động viên sau này trở thành huyền thoại là McKenley và Wint, nhưng rồi ông đã từ bỏ nghiệp thi đấu để trở thành huấn luyện viên điền kinh khi nhận ra có cố mấy cũng không thể đạt tới đỉnh cao nhất. Trong 22 năm làm HLV trưởng đội điền kinh Jamaica, ông đã góp phần giúp các vận động viên giành được 71 huy chương tại các giải vô địch thế giới và 33 huy chương Olympic.

Glen Mills cũng chính là người sớm phát hiện ra Usain Bolt là một tài năng độc nhất vô nhị, nhưng vẫn là chàng trai trẻ cần được yêu cầu tập luyện nghiêm túc hơn. Thất bại trước Tyson Gay ở nội dung 200m tại giải vô địch thế giới năm 2007 vì thế đã trở thành bước ngoặt tích cực với Bolt. Anh cho biết: “Khi đó tôi đã dốc sức chạy, đã tiến sát tới phía sau Tyson Gay, nhưng vẫn không tài nào đuổi kịp anh ấy. Sau cuộc thi đó tôi đã gặp Mills để nói rằng tôi đã cố hết sức nhưng không thể chiến thắng.

Nhưng ông ấy lập tức nói rằng tôi yếu, rất kém về thể lực vì không chịu đến phòng tập thể dục và không thích chạy 200m. Và tôi đã nghe lời ông ấy, làm mọi thứ như ông chỉ bảo với quyết tâm cao nhất vì tôi khát khao trở thành một nhà vô địch”. Kết quả là chỉ sau một năm, Bolt đã rực sáng ở Olympic Bắc Kinh với hai tấm HC vàng 100m, 200m cùng tốc độ khiến nhiều nhà khoa học cũng phải thán phục.

Mills đã thôi làm HLV trưởng Jamaica từ năm 2009, nhưng giờ vẫn trực tiếp huấn luyện Bolt, Blake và một số vận động viên có triển vọng khác.

4. Yếu tố văn hóa

Như nhiều ngôi sao điền kinh khác của Jamaica, siêu sao Usain Bolt cũng xuất thân từ vùng nông thôn, hằng ngày đã quen với nhiều công việc nặng. Anh sinh ra và trưởng thành ở khu nông dân nghèo Trelawny, miền Bắc Jamaica. Nhà của anh không có nguồn nước chảy qua, vì vậy thời thơ ấu anh đã phải quen với công việc gánh những xô nước đầy từ nơi cách xa nhà nhiều dặm, giúp anh phát triển sức mạnh theo cách rất tự nhiên.

Ngôi sao nữ Campbell-Brown, cũng trưởng thành ở Trelawny, cho biết thêm: “Tôi cũng phải gánh nước từ sông về nhà, phải đi bộ rất nhiều. Tôi cũng phải đi bộ qua nhiều quả đồi mới tới được trường học. Đó đều là những công việc nặng nhọc và đòi hỏi sự quyết tâm. Sự nghiệp điền kinh sau này của chúng tôi thành công một phần nhờ những tháng ngày vất vả đó”.

Nhà vô địch thế giới mới nổi Blake cũng lớn lên ở vùng nông thôn, và được rèn thể lực theo kiểu chẳng giống ai. “Tôi sống ở vùng quê hẻo lánh chỉ có những con vật làm bạn. Thật thú vị khi thời nhỏ tôi đã phải chạy đua với những con dê. Tôi nghĩ tốc độ của mình bắt nguồn từ hồi đó”.

Thức ăn hằng ngày của những người nông dân Jamaica cũng được coi là yếu tố giúp các vận động viên của họ có sức mạnh và sức bền tốt. Campbell-Brown tiết lộ: “Gia đình tôi thường phải ăn khoai mỡ nhà tự trồng được cùng với cá. Jamaica cũng có nhiều rau quả tốt và đồ ăn giàu protein. Những thứ đó đều thuộc về thiên nhiên, nên sức mạnh của chúng tôi cũng vậy, được bồi đắp một cách rất tự nhiên”.

5. Khát khao thể hiện tốc độ

Môi trường sống khó khăn đòi hỏi sự rèn luyện từ nhỏ, thực phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe, có nhiều giải thể thao học đường mang tính cạnh tranh cao, có nhiều HLV điền kinh giỏi, được chỉ ra như những điểm chung dẫn tới sự thành công của các vận động viên chạy nước rút Jamaica.

Nhưng những yếu tố đó không phải chỉ duy nhất Jamaica có. Vậy hẳn phải có thêm bí mật nào giúp các vận động viên Jamaica chiếm thế thượng phong trên các đường chạy ngắn hiện nay.

Huyền thoại Christie lý giải: “Tốc độ chính là niềm tự hào của người Jamaica. Để trở thành một vận động viên chạy nước rút tốt, bạn phải là người thích phô trương một chút, ý tôi không phải là kiêu ngạo. Cũng giống như các võ sĩ quyền anh hạng nặng, để vô địch thế giới họ cần hiếu chiến một chút. Người Jamaica có bản tính ưa phô trương”.

Chính Usain Bolt cũng thừa nhận: “Tôi là người luôn muốn chứng tỏ bản thân mình, thậm chí ngay từ nhỏ. Tính cách đó đến với tôi rất tự nhiên. Tôi thích thể hiện mình và tôi sớm nhận ra mọi người cũng hưởng ứng nếu tôi làm được như ý muốn thể hiện. Giờ vẫn vậy, tôi thích mọi người đến xem Bolt chạy nhanh ra sao, Bolt sẽ làm điều gì mới ngày hôm nay…”

Infornet
Tag: Olympic 2012 , Olympic London , Jamaica , Usain Bolt , Yohan Blake ,