Bi kịch của người phụ nữ bị nhân tình dùng gạch sát hại
Thứ hai, 24/06/2013 15:34

Dù đã có 2 con nhưng vẻ mặn mà của người phụ nữ vùng sơn cước đã “hạ gục” ông chủ thầu xây dựng. Bi kịch xảy đến đúng lúc chị có ý định rời xa người tình.

Bị cáo Đào Văn Cương tại tòa

Bị cáo Đào Văn Cương tại tòa

Án mạng từ một cuộc điện thoại

Chị Hà Thị Vân (sinh năm 1976, trú tại Khu 19, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), nạn nhân trong vụ án là một phụ nữ đã có 2 con. Chồng cũ của chị là thợ xây dựng, dưới quyền quản lý của chủ thầu Đào Văn Cương (Ba, sinh năm 1973, trú tại Khu 6, xã Kim Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ).

Vào khoảng 18h ngày 13/1/2013, Cương và Vân cùng ăn cơm, uống rượu với vợ chồng anh Lương Văn Chiều (SN 1978, ở khu 3, phường Vân Phú, TP Việt Trì). Cơm nước xong xuôi, cả nhóm đến quán hát karaoke của gia đình ông Dũng gần đó. Tại đây, 4 người vừa hát vừa uống bia đến 21h cùng ngày, thì chị Trình (vợ anh Chiều) bị đau bụng nên Cương ra xe đưa mũ bảo hiểm cho 2 vợ chồng anh Chiều để ra về trước. Trong quán lúc này chỉ còn lại một mình Vân.

Cương gọi điện thoại nhưng Vân không nghe máy nên nhắn tin bảo đưa chìa khóa phòng trọ nếu không Cương sẽ đập cửa. Nhận được tin nhắn, do điện thoại hết tiền nên Vân mượn của chị Liên, ngồi gần đó đi ra ngoài gọi điện cho Toản đến “giải quyết” Cương. Không may, Cương đứng đằng sau nên nghe thấy toàn bộ lời Vân nói. Cơn cuồng giận nổi lên, Cương giật điện thoại ném xuống đất, sau đó túm tóc tát Vân. Vân vùng bỏ chạy vào trong nhà để xe ô tô, Cương vừa đuổi theo vừa nhặt vữa xi măng ném về phía người tình khiến chị ta ngã xuống.

Chưa dừng lại, Cương nhặp tiếp viên gạch đập liên tiếp vào đầu chị Vân đến khi không thấy cử động mới vứt bỏ viên gạch và lên xe bỏ chạy.

Bà Lê Thị Bốn (áo hoa bên trái) và bà Lê Thị Chi tại tòa

Nước mắt của hai bà mẹ

Có lẽ hiếm có phiên tòa nào mà có sự góp mặt của cùng một lúc hai bà mẹ, như phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đào Văn Cương tại Hội trường TAND tỉnh Phú Thọ ngày 12/6/2013.

Hai bà mẹ ấy, một người đã đứt ruột sinh ra kẻ mang tội giết người; người còn lại, đau xót khi mất đi đứa con gái là lao động chính trong gia đình. Hầu như trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, cả hai bà mẹ giàn dụa nước mắt, ngồi cạnh nhau trút bầu tâm sự.

Bà Lê Thị Chi (mẹ ruột của bị cáo Cương) có mặt ở sảnh tòa từ rất sớm. Ngay khi nhìn thấy đứa con trai mang tội được dẫn giải từ xe thùng xuống, bà vội nhìn theo khóc nức nở. Dù rằng, gia đình cực lực phản đối mối quan hệ giữa Cương và chị Vân thế nhưng, cả bà và chồng cũng như anh em, họ hàng đều không ai làm gắt, vẫn để cho Cương dẫn chị Vân về nhà ra mắt. Bi kịch xảy ra, Cương mang trọng tội còn bà chỉ biết nhìn theo con, bất lực.

Ngồi bên hàng ghế dành cho đại diện của bị hại là bà Lê Thị Bốn (mẹ đẻ và là người đại diện hợp pháp tại tòa cho nạn nhân Hà Thị Vân). Ở cái tuổi của bà, hiếm có người phụ nữ nào có được sự minh mẫn, đảm đang được như vậy. Khi được HĐXX đề nghị phát biểu, bà đứng dậy khóc và nói: “Con người ta thì rồi cũng được về với gia đình, còn con tôi đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ về nữa”. Câu nói ngắn gọn nhưng đã làm lay động cả hội trường khiến không ai cầm được nước mắt.

Trong những phút ít ỏi trò chuyện với chúng tôi sau khi phiên xử kết thúc, bà cho biết: “Sau khi con gái tôi dẫn nó (bị cáo Đào Văn Cương - PV) về nhà một, hai lần gì đó, tôi biết chuyện và ra sức ngăn cấm. Lần đầu con tôi không nghe, nhưng đến lần thứ hai thì nó cũng nghe tôi. Thế rồi mặc dù con tôi đã bỏ đi nhưng tên Cương vẫn cứ bám theo”.

Bà Lê Thị Bốn cho biết thêm, chị Hà Thị Vân là lao động chính trong gia đình, chồng của bà hiện đang ốm đau nằm một chỗ, không còn ai chăm sóc ngoài bà. “Hàng tháng con gái tôi nó gửi tiền, quà cáp về để thăm nom bố nó nằm liệt giường gần 3 năm nay. Giờ nó bị người ta lấy mạng đi, gia đình không còn biết trông cậy vào đâu”, bà vừa khóc vừa nói.

Sau khi chị Vân bị sát hại, cuộc sống càng đè nặng hơn lên đôi vai của người phụ nữ già nua vừa chăm chồng, vừa nuôi cháu ngoại khôn lớn. Bà kể rằng, chị Vân còn có một đứa con trai nữa nhưng không may mất mạng trong một vụ tai nạn giao thông khi bé mới 6 tuổi. “Sau khi đám giỗ đầu của cháu được khoảng một tháng thì con gái tôi cũng bị người ta sát hại nốt, hai cái tang liền nhau như thế, bảo sao mà không đau xót cho được”, bà tâm sự.

Bà Bốn đau xót khi kể lại quãng đời bạc mệnh của con gái

Qua câu chuyện của bà Bốn, chúng tôi cũng biết được nạn nhân của vụ án, chị Hà Thị Vân là một người phụ nữ “hồng nhan” nhưng “bạc phận”. Sau khi lấy chồng và sinh được một bé trai, cuộc sống gia đình gặp sóng gió dẫn đến ly hôn. Chồng chị Vân là thợ xây dựng, dưới quyền của chủ thầu Đào Văn Cương. Sau khi chị Vân ly dị, gã chủ thầu động lòng trước “nhan sắc” của chị Vân. Từ đó, hắn theo đuổi người phụ nữ rồi đến khi chị Vân quyết định từ bỏ, hắn đã ra tay tàn độc tước đoạt mạng sống của chị.

Bà còn cho biết thêm, qua lời kể nhiều người chứng kiến, khi chị Vân còn sống chung ở nhà trọ cùng Đào Văn Cương, có lần Cương đuổi con riêng của người tình ra ngoài, đóng cửa rồi đánh đập chị tàn nhẫn. Thậm chí, khi chị Vân dẫn Cương về nhà chơi, Cương còn tiếp tục hành hạ chị ngay tại nhà của người tình.

Biết được mối quan hệ của con gái với bị cáo Cương, bà Bốn đã ra sức ngăn cấm, khuyên nhủ con gái từ bỏ kẻ vũ phu. Sau khi chị Vân nghe lời mẹ, chị đã quyết định dắt con về nhà mẹ đẻ. Tuy nhiên, mẹ con chưa kịp đoàn tụ thì con gái bà Bốn đã bị Cương giết hại.

Kết thúc cuộc trò chuyện, chúng tôi ra về mà trong lòng không khỏi suy nghĩ, xót thương cho số phận của những người phụ nữ bạc mệnh.

Sáng ngày 12/6/2013, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đào Văn Cương về tội Giết người. Xét tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ngoài ra bị cáo còn có mối quan hệ bất chính với nạn nhân, không tuân thủ chế độ 1 vợ 1 chồng, HĐXX tuyên phạt Đào Văn Cương 17 năm tù.

 

Hoàng Mến

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Đào Văn Cương , Phú Thọ , Giết người tình , Án mạng , Hoàn lương , Bi kịch gia đình , Đời sống