Khi có người sắp hoặc đang chết trong bán kính 15 km, người đàn ông này sẽ ngửi thấy mùi hoặc thấy tim đập mạnh, ngực khóc thở. Vì biệt tài không ai muốn này mà dị nhân suýt bị tống vào… trại tâm thần.
|
Chỉ cần lắng tai nghe, lấy mũi ngửi, hoặc thấy tức ngực, khó thở hay tim đập nhanh là có thể nhận biết được có một người sắp hoặc vừa qua đời cách nơi mình đứng trong bán kính khoảng 15 km. Dị nhân có khá nhiều biệt danh như “người mê đưa tiễn hồn ma”, “người trời”, “ông đưa tiễn những linh hồn” là ông Ân Văn Ninh (60 tuổi, người dân tộc Sán Dìu, ngụ thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
“Máy dự báo người chết” Ân Văn Ninh
“Đại sứ” của… thần Chết
Chẳng cần dùng đến điện thoại để nhận thông tin, không được ai thông báo đến, thậm chí cả đời chưa từng một lần biết mặt người đó… nhưng oái oăm một điều là cứ người nào sinh sống trong bán kính 15 km tính từ nơi ông đứng mà sắp chết thì ông đều biết trước.
Biết rồi thì kiểu gì cũng phải mò đến dự đám tang, thế nên chẳng mấy khi ông có mặt ở nhà. Tìm đến nhà ông nhằm tìm hiểu thực hư biệt tài này thì vợ ông cười: “Ông ấy đi liền mấy hôm nay rồi. Hình như hôm nay đang ở đám ma thôn bên. Các anh chị cứ đến đâu nghe thấy kèn đám ma, lần đến đàm là gặp ông ấy”.
Quả đúng là lần theo tiếng kèn đám ma tìm đến, hỏi người nhà đám “ông Ninh đám ma có ở đây không?” thì mọi người chỉ về hướng một người đàn ông trung niên có dáng dong dỏng, đội chiếc mũ lưỡi trai, mặc bộ quần áo cáu bẩn có lẽ là do lăn lộn mấy đám liền nên chưa kịp thay.
“Dị nhân” này khi ấy đang bận túi bụi với việc rót nước mời các đoàn khách đến viếng hương hồn người chết. Khi đã vãn việc ông mới có thời gian tiếp chuyện, mở đầu câu chuyện bằng tiếng chép miệng “than thở”: “Tôi đi liền gần chục ngày nay rồi vì nhiều đám quá”.
Biệt tài của ông “phát lộ” cách đây khoảng hơn chục năm, đêm ấy khi ông đang nằm ngủ thì bỗng thấy tức ngực, bứt rứt không yên và không hiểu có “giác quan thứ sáu” hay không mà cứ dựng dậy lần mò giữa đêm đi sang xã bên.
Không hiểu có phải vì “ma xui đường, quỷ dẫn lối” hay không mà ông lần đến nhà một người chưa từng quen biết khi người ấy đang hấp hối. Giữa đêm khuya khoắt, lại trong cảnh thê lương nên những người trong nhà giật mình sợ “vãi linh hồn” khi thấy một ông lão lạ mặt lù lù hiện ra: “Ở đây có người sắp chết phải không?”.
Cứ tưởng là đêm đó bị “ma nhập” nên cả ông và mọi người đều không để ý đến chuyện ông lão “nghe” được chuyện người sắp chết cách cả chục cây số. Ai dè vài bữa sau đi làm đồng, trong khi mọi người cùng làm chẳng nghe thấy tín hiệu gì thì ông kiên quyết: “Có tiếng kèn trống ở thôn kế bên” và tiếng kèn trống đám ma cứ như đập vào tai ông, thúc giục phải đi đến đó, không đi không được. Thế là ông vất cày cuốc, tìm sang đám ma để giúp người ta.
Từ hôm đó ông bỗng dưng sinh ra cái tật là luôn phải “lắng nghe” tiếng đám ma, không muốn nghe thì cũng như có người bắt phải nghe. Hễ cứ có ai mất là như có người xui khiến ông phải nghe bằng được tiếng kèn, tiếng trống.
Thời gian đầu, khi muốn nghe được ông phải trèo lên cây xoài đầu nhà để nhận biết được. Nhưng càng ngày “trình độ” của ông càng cao, một hai năm sau ông chỉ cần áp tai xuống giường, hay vểnh tai chăm chú một lát là có thể nhận ra chỗ có đám.
Mấy năm gần đây thì ông không phải nghe nữa mà ông dùng mũi ngửi là biết được có người sắp hoặc vừa chết, hoặc cảm nhận được điều đó khi ông thấy tim mình đập nhanh hơn, hơi tức ngực hơn. Thậm chí “giác quan thứ sáu” của ông còn cho phép ông cảm nhận được thời khắc mà người ta sắp đi vào cõi vĩnh hằng như lời ông nói.
Khoảng cách biết được người sắp chết của ông cũng thật đáng nể: Hàng chục cây số. Ông lão có vẻ “tự hào”: “Đám xa nhất tôi phát hiện cách nhà tôi ở khoảng 15 km”. Nghe có vẻ khó tin nhưng khi hỏi những người dân nơi đây thì họ đều công nhận đó là sự thật 100% và ông cũng chẳng có lý do gì để “nổ”. Hãi hùng hơn nữa khi ông lão còn “bật mí” rằng khi nghe “có biến”, ông còn đoán được người sắp chết khoảng bao nhiêu tuổi, nguyên nhân chết.
Bí ẩn chưa thể giải mã
Nếu “trình độ” như vậy mà đem so với những nhà ngoại cảm, chắc ông Ninh sẽ không hề thua kém, thậm chí còn có thể “trội” hơn. Có điều ông không dùng khả năng của mình để lừa bịp người khác hay hành nghề cúng bái mà ngược lại, ông lại tự nhận mình là người rất duy vật khi không tin vào ma quỷ. Lời nguyên văn của ông: “Tôi không tin là có ma quỷ nào. Nếu tin là có thật thì tôi cũng chẳng dám đi đêm hôm như thế làm gì, hoặc tôi đã bị ma quỷ “vật” chết lâu rồi”.
Lý giải về khả năng “nghe”, “ngửi” được người sắp chết của ông Ninh, nhiều người “đoán già đoán non” rằng có thể người sắp chết có tiết ra một thứ chất đặc biệt nào đấy, hoặc phát ra một thứ sóng “siêu âm siêu từ” gì đó và cơ thể ông Ninh lại có một bộ phận giống như chiếc “máy thu” nên hai bên nhận ra nhau; cũng có người mê tín cho rằng ông Ninh bị “trời đày” nên mới phải chuyên “đưa tiễn âm hồn” như thế. Nói về chuyện này, dị nhân thuật lại: “Không biết do có phải trước kia bố mẹ tôi luôn bảo tôi là “lớn lên mày sẽ bị trời đày” hay không mà bây giờ tôi như vậy?”.
Còn có một chi tiết khác người dân vẫn băn khoăn không biết có phải vì chuyện này mà ông “bất thường” như thế không? Được biết ông Ninh là một cựu chiến binh, vào chiến trường miền Nam chiến đấu năm 1972, đến năm 1975 thì xuất ngũ. Về nhà ông lấy vợ, sinh con nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn theo đuổi người lính này khi hai đứa con đầu của ông bị nhiễm chất độc màu da cam, hai người con sau rất may mắn không ảnh hưởng gì.
Thế nên vợ ông đôi khi mới vẩn vơ ngồi tự hỏi: “Không biết có phải do chất độc màu da cam làm ảnh hưởng đến tâm trí của ông ấy hay không mà “lộ” ra cái biệt tài chẳng giống ai như thế?”.
Thời gian đầu khi “tinh hao mới phát tiết”, vợ con thấy ông gàn dở như vậy đã phản đối kịch liệt, không cho dự đoán người chết hay bén mảng đến đám ma nào, nhưng cứ như phản xạ của cơ thể, ông không nghĩ đến thì những “dự báo” vẫn cứ ập đến u u trong đầu. Thấy ông “dở hơi” quá, vợ con ông còn định “lập mưu” tống ông đi bệnh viện tâm thần.
Cũng chẳng trách được vợ con vì gọi là “biệt tài” thì phải có lợi như đoán… xổ số ngày mai về số gì, xem tướng số xem hậu vận ra sao, đằng này lại đi dự đoán cái tai ương đen đủi nhất trên đời là cái chết; mà khổ nỗi “đoán lần nào trúng lần ấy”.
Biết được ý định của vợ nên ông hết thủ thỉ chứng minh mình hoàn toàn bình thường, rồi “lên gân” nhất quyết không đi, khẳng định mình không có vấn đề về tâm thần. Theo dõi mọi sinh hoạt của ông thấy vẫn bình thường, có mỗi bất thường là mê… đám ma nên mọi người dẫn cũng đành chịu, mặc kệ ông với “đam mê” độc nhất vô nhị.
“Nghề” bất đắc dĩ không công
Cũng vì cái biệt tài “chẳng ai muốn có” này mà từ khoảng hơn chục năm nay, ở những khu vực gần xã Quý Sơn khoảng hơn chục cây số, khi nhà ai không may có người xấu số qua đời thì đều thấy một người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần xuất hiện. Mà có khi ông còn đến sớm hơn cả những con cháu trong nhà để giúp nhà có người qua đời những công việc tang ma.
Hình ảnh ông Ninh có mặt trong mọi đám tang tại địa phương đã quá quen thuộc với những người dân nơi đây. Đến mức thậm chí nếu thấy vắng mặt ông trong bất kỳ một đám nào đó thì đó mới là một chuyện lạ, có thể là do ông bị ốm nặng không đi được, hoặc nhiều đám ma quá nên “chạy sô” không kịp.
Tham dự đám ma là “nghề” của ông, thậm chí còn được coi là “nghề chính” vì ngoài đi đám ma thì hầu như ông chẳng còn làm gì được, thời gian “phục vụ” đám đã chiếm phần lớn thời gian, lấy đâu thời gian đi làm vườn tược, đồng áng. Điểm lạ của “nghề” này là không có một đồng tiền công, không một mục đích vụ lợi nhỏ nhất nào.
Ngoài lý do đi nhiều thành “mê”, còn một lý do khác theo lời ông tâm sự là “không đi không được”: “Biết có người sắp chết, biết đang có đám ma mà không đi được thì trong lòng nóng như lửa đốt, buồn bực đứng ngồi không yên, thậm chí còn sinh ra ốm đau”. “Thành quả” của ông sau khi “phục vụ” những đám ma là ông cảm thấy khỏe ra, tâm hồn thanh thản lạ thường. Thế nên đôi lúc mắc “bệnh nghề nghiệp”, không có đám ma lại… thấy nhớ.
Sau khi là “đại sứ của thần Chết”, công việc tiếp theo của ông sẽ là chân “lon ton” phục vụ đám ma, có thể làm bất kỳ công việc nào của nhà đám: Thay thợ kèn đánh trống, đánh “tùng bèng” để đưa tiễn người chết, trông coi bàn thờ bát hương của người chết cho hương lửa không khi nào tắt suốt mấy ngày tang lễ…
Đến đám ma nào ông cũng nhiệt tình như đám ma nào, người lạ không biết chuyện cứ ngỡ ông phải là người ruột thịt trong gia đình người chết: Ông kê bàn ghế, đun nước uống, pha chè mời khách; đêm đến thì ông không ngủ mà thức trông đồ đạc, bàn ghế, trông xe cho gia chủ trong lúc tang gia bối rối sơ xuất…
Đám nào được ông giúp thì gia chủ luôn yên tâm về việc tiếp khách không lo thất lễ, đồ đạc không bao giờ sợ mất mát. Ông giúp đến khi nào gia đình họ hàng đưa người quá cố về nơi “an nghỉ cuối cùng” thì mới về nhà nghỉ; hoặc lại “chạy sô” đến một đám ma khác trong vùng.
Dù sao thì khả năng dự báo… người chết của ông Ninh cũng thường chỉ dừng lại ở “ngưỡng” dự đoán những người bệnh tật, hoặc ốm yếu sắp chết chứ không dự đoán những cái chết “bất đắc kỳ tử”, thế nên may mắn là ông chưa từng bị ai… đánh hay bị người địa phương xa lánh. Ngược lại công việc và biệt tài của ông còn được người dân địa phương cảm ơn và quý trọng vì đã giúp họ bớt được phần nào nỗi đau khi người thân nằm xuống.
“Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của cuộc đời, ông ấy có dự báo trước hay không dự báo trước thì chuyện người bệnh tật rồi chết cũng sẽ xảy ra. Mà chắc chắn người chết cũng được an ủi phần nào khi nhắm mắt xuôi tay mà lại có một người không thân thích giúp đỡ nhiệt tình như vậy”, một người dân địa phương trải lòng.
Và cái biệt danh “đại sứ của thần Chết” cũng chỉ là cách nói vui của bà con khi nhắc về ông Ninh, không ai coi ông là người “có vấn đề” mà còn coi “hành động của ông là một hành động nhân văn, chia sẻ nỗi đau thương”.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%