Báo động tình trạng gây án ở vũ trường
Thứ bảy, 31/03/2012 15:54

Vũ trường, quán bar là nơi tập hợp một bộ phận giới trẻ con nhà giàu chơi bời và các đối tượng tội phạm, tệ nạn, là nơi đã xảy ra khá nhiều vụ án mạng mà nguyên nhân chỉ từ một cái nhìn khó chịu, một lần đạp chân nhau khi nhảy, một câu nói mỉa mai…

Thế nhưng việc xử lý vi phạm của vũ trường, quán bar hiện tại gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng do vướng… luật!

Những vụ án mạng sau 0h

Phùng Anh Thái (Thái "côn", 27 tuổi, ngụ thôn Chu Mật, xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội) là một tay giang hồ cộm cán, từng hoạt động ở Thủ đô Hà Nội. Đầu năm 2011, Thái bị truy tố về hành vi "gây rối trật tự công cộng" nên y trốn vào TP. HCM và tập hợp đám đàn em thuê nhà ở quận 5 trú ngụ.

Thái "côn" nhanh chóng gia nhập vào băng nhóm đòi nợ thuê, mua bán ma túy để kiếm tiền tiêu xài. Và để "đốt" những đồng tiền bẩn, hằng đêm, kể từ sau 0h Thái mò tới các vũ trường để uống rượu, tìm gái và giao du với đám "đầu trộm đuôi cướp" để mở rộng thế lực. Trong số đó, vũ trường 030 (số 21-27, Tôn Thất Hiệp, phường Bến Nghé, quận 1) là nơi mà Thái thường xuyên ghé nhất...

Khoảng 23h30' ngày 11/2, chị Vương Thị Tường Vy (33 tuổi; ngụ phường 2, Tân Bình, TP. HCM) cùng gia đình (gần 20 người) và hai người bạn là ông Phạm Anh Tuấn (45 tuổi; ngụ đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM) và chị Ngô Thị Mỹ Linh (ngụ quận 3, TP. HCM) đến vũ trường 030 để uống rượu. Bên cạnh bàn của chị Vy là bàn của một nhóm khoảng 10 người cũng đang ngồi nhậu, trong đó có Thái "côn". Do bàn của chị Vy đông người nên khi nhảy có đạp chân vào người của Thái, hai bên phát sinh cự cãi, ném ly, chai vào nhau. Thấy vậy, bảo vệ vũ trường can ngăn và đưa nhóm của Thái "côn" ra khỏi vũ trường trước.

Cận cảnh một vũ trường lúc bị kiểm tra.

Tuy nhiên nhóm Thái "côn" không về mà chờ trước cửa. Khoảng 10 phút sau, khi nhóm của chị Vy ra về thì bất ngờ Thái "côn" rút súng nhắm vào cổ anh Tuấn bóp cò rồi bỏ chạy ra xe taxi chờ sẵn tẩu thoát. Ông Tuấn được bạn bè đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và may mắn thoát chết trong gang tấc…

Bên cạnh mâu thuẫn nhỏ trong vũ trường dẫn đến án mạng thì vũ trường, quán bar còn được đám giang hồ chọn làm nơi để thanh toán đối thủ khi giáp mặt. Khoảng 23h ngày 9/11, Nguyễn Thế Tùng (20 tuổi, quê quán Quảng Ngãi), Nguyễn Ngọc Bảo (18 tuổi; ngụ huyện Hóc Môn, TP. HCM), Võ Văn Hết (tự Long, 23 tuổi; quê quán Long An) cùng một số bạn đến quán bar VTD (số 623, đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12) để nhậu.

Tại đây, Hết thấy có anh Hoàng Phi Long (SN 1989, ngụ quận 12, TP. Hồ Chí Minh) ngồi bàn bên cạnh, vốn là đối thủ từng mâu thuẫn trước đây với mình. Quyết định hôm nay phải xử đối thủ, Hết lệnh cho Bảo và Tùng là phải "làm thịt" anh Long. Khoảng 23h30' cùng ngày khi thấy anh Long ra ngoài nghe điện thoại, Hết cùng Bảo và Tùng đi theo.

Anh Long đang đứng trước quán bar nghe điện thoại thì Hết, Bảo nhảy vào đánh đấm túi bụi làm anh Long ngã xuống đường. Cùng lúc, Tùng dùng cây gỗ liên tiếp đập vào đầu anh Long đến khi không còn cựa quậy rồi tẩu thoát. Anh Long được bạn đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đến bệnh viện…

Vì đâu nên nỗi?

Theo quy chế "Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng" ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thì vũ trường không được hoạt động sau 12h đêm đến 8h sáng, trừ quầy bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên và vũ trường trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp nhưng cũng không quá 2 giờ sáng.

Ngoài ra, quy chế cũng quy định khi phát hiện người say rượu, bia, người sử dụng các chất ma túy và các chất kích thích bị cấm sử dụng phải yêu cầu người đó ra khỏi vũ trường. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều vũ trường, quán bar hoạt động thâu đêm suốt sáng, rượu mạnh thì bán vô tư và thậm chí còn tổ chức bán ma túy cho khách. Mà đây chính là mầm mống dẫn đến những vụ đánh nhau.

Theo một cán bộ của Đội Đặc doanh, Phòng CSQLHC về TTXH Công an TP. HCM thì hiện tại trên địa bàn TP. HCM chỉ có trên 10 vũ trường nhưng hầu hết đều nằm trong các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên. Còn quán bar thì chưa có con số thống kê cụ thể vì đây là một hình thức biến tướng của vũ trường. Tức các hộ cá thể hoặc chủ doanh nghiệp xin thành lập nhà hàng, khách sạn có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar này thành vũ trường mini.

Việc kiểm tra hoạt động của vũ trường, quán bar do các Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp thực hiện. Trong thời gian vừa qua, các Đoàn liên ngành này cũng đã kiểm tra nhiều vũ trường, quán bar và phát hiện khá nhiều vi phạm về hoạt động quá giờ, bán rượu mạnh, ánh sáng không đảm bảo…

Tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh do vướng phải Luật Doanh nghiệp. Vì theo tìm hiểu của chúng tôi, các lỗi vi phạm ấy hoàn toàn không nằm trong các trường hợp bị rút giấy phép theo Luật Doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc xử phạt hành chính từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng chẳng thấm thía vào đâu so với mức thu nhập mà hoạt động vũ trường, quán bar đem lại. Đây chính là bất cập dẫn đến việc xử lý sai phạm tại vũ trường, quán bar cũng giống như làm cho có.

DT
Tag: Vũ trường , Quán bar , Án mạng , Giết người , Tệ nạn xã hội , Pháp luật