"Đúng lúc cao điểm nhất của cuộc giải cứu, tôi nhớ rất rõ đó là ngày 28.2, tôi nhận được tin báo từ các em tôi ở Hà Tĩnh rằng người mẹ thân yêu của tôi đã vĩnh viễn ra đi...", Đại sứ Phạm Sỹ Tam hồi tưởng.
|
Một buổi chiều lạnh ngày cuối năm, tại Hà Nội, Đại sứ VN tại Ai Cập - ông Phạm Sỹ Tam đã dành cho PV NTNN cuộc trò chuyện về những ngày lao tâm khổ tứ tham gia giải cứu hàng nghìn lao động VN chạy loạn từ Libya sang Ai Cập.
Đã hơn 10 tháng trôi qua kể từ ngày cuộc giải cứu kết thúc, nhưng hẳn với ông - người đã chỉ đạo và theo sát suốt quá trình giải cứu quy mô lớn này, nó vẫn còn để lại nhiều ấn tượng đặc biệt?
- Cuộc chạy loạn của lao động Việt Nam ở Libya sang Ai Cập diễn ra sau một tháng xảy ra làn sóng bạo lực ở quốc gia láng giềng Libya. Một ngày cuối tháng 2.2011, chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại từ quân đội Ai Cập báo rằng, có khoảng 100 người Việt Nam đang tìm cách vượt biên từ Libya vào Ai Cập. Họ yêu cầu Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam phối hợp để giải quyết vụ việc này.
Phía Ai Cập cũng không muốn đẩy những lao động này trở lại Libya trong tình cảnh bạo loạn ở Tripoli đang gia tăng, mặt khác, họ cũng muốn ĐSQ phải có sự bảo lãnh, xác nhận đây là những công dân Việt Nam và sẽ không tìm cách ở lại Ai Cập.
Sau khi thông báo và xin chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, ĐSQ đã tổ chức họp khẩn và chúng tôi đã thống nhất sẽ hỗ trợ ở mức cao nhất để giải quyết các vấn đề thủ tục và giấy tờ cho những lao động Việt Nam này trở về nước.
Chỉ sau 20 phút nhận được tin báo, một đoàn cán bộ của ĐSQ gồm 4 người đã lên đường đi đến khu vực biên giới giáp Libya. Chặng đường đến biên giới Libya dài hơn 1.000km, nên mọi người phải đi suốt đêm mới đến nơi. Thời tiết lúc đó ở Cairo đã khá lạnh, nhưng không ai ngờ được rằng, ở biên giới cái lạnh lại khắc nghiệt đến vậy.
Dù bị cảm lạnh, họ đã cố gắng vượt qua khó khăn và nhanh chóng tiến hành thủ tục cần thiết để bảo hộ công dân. Tuy nhiên, khi gặp gỡ người Việt, không phải chỉ có 100 lao động như thông báo ban đầu, tại đây các nhóm người Việt nhỏ lẻ từ 50 - 100 người vẫn tiếp tục đổ về khu vực biên giới.
Trong lần giải cứu đầu tiên ấy, ĐSQ đã đưa được 400 người trở về thủ đô Cairo. Lúc đó, chúng tôi dự kiến sẽ có 4.000 - 5.000 lao động Việt nên ĐSQ cũng căng hết sức để chuẩn bị đón và lo cho bà con...
Và cũng đúng lúc đó, Đại sứ nhận được hung tin từ quê nhà rằng thân mẫu mình qua đời? Phải nén tình riêng để lo việc chung, thật khó khăn...
- Đúng lúc cao điểm nhất của cuộc giải cứu, tôi nhớ rất rõ đó là ngày 28.2, tôi nhận được tin báo từ các em tôi ở Hà Tĩnh rằng người mẹ thân yêu của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Tim tôi lúc đó như có ai bóp nghẹt... Tôi nhớ, trước khi nhận nhiệm vụ sang Ai Cập làm đại sứ, mẹ nắm tay tôi và nói rằng, mẹ sẽ chờ tôi trở về. Mẹ cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, không phải lo cho sức khỏe của bà, mà hãy yên tâm làm nhiệm vụ.
Lúc đó, ở ngoài sân bay vẫn còn 400 người Việt đang chờ được trở về Việt Nam, mọi công việc lo giấy tờ, vé máy bay cũng đang rất gấp gáp... mà tôi là người kết nối tất cả các đầu mối và chỉ đạo chung mọi công việc, nên nếu thông báo việc mẹ tôi mất sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần anh em, đặc biệt là vợ tôi - lúc đó cũng đang ngược xuôi lo việc ăn ở cho người lao động.
Vì những lẽ đó, tôi định im lặng... Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ hơn, tôi cũng phải nói sự thật với vợ mình. Cô ấy rất xúc động, nhưng cũng rất bình tĩnh. Chúng tôi chỉ lập được bàn thờ cúng vọng mẹ, thắp những nén nhang tạ hiếu với mẹ từ phương trời xa.
Những người em của tôi cũng thường xuyên gọi điện sang động viên, hứa thay chúng tôi làm tròn chữ hiếu với mẹ cho đến giây phút cuối cùng. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan T.Ư, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh... cũng đã giúp đỡ, động viên để chúng tôi yên tâm ở lại làm tiếp nhiệm vụ.
Trong cuộc chạy loạn đó, hẳn sẽ có những trường hợp lao động rất thương tâm, ông nhớ gì về họ?
- Những người chạy loạn sang Ai Cập không đi tập trung thành đoàn đông mà họ đến thành nhiều nhóm, nhiều đợt khác nhau. Trong số đó, có những người đi bộ suốt 7 ngày mới đến được khu vực biên giới. Có nhiều người gặp cướp, nhiều người thì chưa được nhận lương khi cuộc bạo loạn xảy ra, nên họ không có tiền mua lương thực và nước uống. Rất nhiều người bị đói lả, kiệt sức hoàn toàn khi đến được biên giới...
Trong lúc khó khăn đó, người Việt mình đã phát huy cao độ tinh thần đùm bọc tương trợ lẫn nhau; một mẩu bánh mì đã được chia năm sẻ bảy cho nhiều người... Tổng cộng chúng tôi đã đón 1.300 lao động.
Những ngày đó, các cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán hẳn không một phút ngơi nghỉ?
- Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3.2011, ở Cairo, chiếc xe buýt của ĐSQ đã làm việc hết công suất chỉ với việc đi mua bánh mì, thực phẩm, nước uống về cung cấp cho các lao động. Vì sứ quán ít người, nên tất cả các nhân viên, các phu nhân của cán bộ ngoại giao và cả lưu học sinh Việt Nam ở Cairo đều tích cực vào cuộc lo chỗ ăn, ở cho anh em lao động.
Cho đến khi nhận được tin ở nhà cử chuyên cơ sang đón lao động và đích thân Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cùng các cán bộ cấp cao khác sang đảm nhận việc hỗ trợ giải cứu, chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm một chút... Sự động viên để chúng tôi vượt qua những thời khắc khó khăn đó chính là số phận của hàng nghìn lao động Việt đã được an toàn. Càng vui hơn là cộng đồng quốc tế đã đánh giá rất cao tinh thần của người Việt...
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?