Án hi hữu: Kẻ trộm trâu kiện ngược... chủ nhà náo loạn xứ Tuyên
Thứ sáu, 12/10/2012 22:49

Hài hước ở chỗ, người bị kiện chính là chủ nhân của con trâu. Người kiện được xác định là kẻ có hành vi trộm trâu...

Chị Phạm Thị Vẻ bên chuồng trâu của gia đình

Chị Phạm Thị Vẻ bên chuồng trâu của gia đình

Vụ kiện hy hữu xảy ra tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, đang khiến các CQ chức năng địa phương lúng túng.

Vừa mất trâu, vừa bị kiện

Mất “đầu cơ nghiệp”, chủ nhân đang trình báo với CQCA thì con trâu tự dưng tìm được đường về nhà. Ngay lập tức, người bị tố là “kẻ trộm trâu” cũng làm đơn kiện gửi đến TAND huyện Na Hang và TAND tỉnh Tuyên Quang, về việc “mất trâu”.

Ngày 23/8, TAND tỉnh Tuyên Quang đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản, giữa nguyên đơn là ông Quan Thanh Hưng, SN 1951, trú tại tổ 6, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang và bị đơn là chị Phạm Thị Vẻ, SN 1968, trú tại thôn Yên Thượng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Điều bất ngờ trong vụ án này, chủ nhân của con trâu là chị Vẻ qua các phiên tòa xét xử đều bị thua kiện, bị TAND tỉnh Tuyên Quang bắt bồi thường cho ông Hưng (14 triệu đồng), đến phiên phúc thẩm tăng lên 17 triệu đồng, theo giá trị của con trâu thời điểm hiện hành.

Cho là tòa án xử không công minh, chị Phạm Thị Vẻ không chấp nhận quyết định của TAND tỉnh Tuyên Quang và tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên TAND tối cao.

Buồn bã rời phòng xử án, chị Vẻ cho biết, gia đình nghèo nên chị vay mượn tiền mua một con trâu đực và nuôi từ nhỏ. Đến ngày 23/2/2010, con trâu của chị chăn thả trên đồi bị mất. Sự việc xảy ra, chị Vẻ làm đơn trình báo lên CA xã Thanh Tương và CA huyện Na Hang về vụ mất trộm trâu. Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2010, gia đình chị Vẻ phát hiện con trâu của mình đang ở chung đàn trâu nhà ông Quan Thanh Hưng. Ngay lập tức, chị Vẻ đã báo cáo với CA xã Thanh Tương đến lập biên bản tại lều của ông Hưng.

Trong thời gian từ ngày 4/3 đến 17/6, UBND xã Thanh Tương giải quyết theo vụ án tranh chấp dân sự, chị Vẻ không đồng tình vì theo chị vụ án có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Do vậy, chị làm đơn gửi lên CA huyện Na Hang để yêu cầu giải quyết theo Luật Hình sự. Trong quá trình chờ đợi các CQ chức năng vào cuộc giải quyết, thì đột nhiên, sáng 5/12/2010, con trâu bị mất trở về chuồng. Tại thời điểm con trâu về chuồng, chị Vẻ đã trình báo các CQ chức năng huyện Na Hang tới để lập biên bản xác nhận.

Quá trình xác nhận có đầy đủ 36 hộ dân lân cận và đại diện UBND xã Thanh Tương, trưởng thôn bản, sau đó, thống nhất giao con trâu cho gia đình chị Vẻ quản lý. (Thời điểm tháng 12/2010, UBND xã Thanh Tương cũng xử lý sung công một con trâu được coi là không xác định được chủ nhân).

Từ khi tìm được đường trở về với gia đình chị Vẻ, con trâu bị ốm, gia đình chị cũng gặp khó khăn, nên chị Vẻ đã báo cáo UBND xã Thanh Tương để có hướng giải quyết. Nhưng hơn 7 tháng sau, xã vẫn không có hướng giải quyết nên gia đình chị Vẻ đã bán con trâu để trang trải cuộc sống gia đình. Cũng từ đây mọi rắc rối đổ lên đầu gia đình chị Vẻ. Ông Quan Thanh Hưng đã khởi kiện chị Vẻ ra tòa án dân sự huyện Na Hang để đòi lại con trâu, mà ông Hưng cho rằng đáng ra nó phải thuộc về gia đình ông. Chị Vẻ từ chủ nhân của con trâu, lại trở thành bị đơn trong một vụ kiện được coi là hy hữu của xứ Tuyên.

Ai là kẻ trộm trâu?

Ngày 30/12/2011, TAND huyện Na Hang mở phiên sơ thẩm, xử thắng kiện đối với ông Quan Thanh Hưng và buộc chị Phạm Thị Vẻ phải bồi thường con trâu của gia đình chị đã bán và toàn bộ án phí. Điều khó hiểu là trong phiên tòa, các nhân chứng, trong đó có cả ông Phạm Ngọc Thuận, trưởng thôn Yên Thượng, đều đưa ra đầy đủ bằng chứng chứng minh con trâu đi lạc chính là của gia đình chị Vẻ, nhưng TAND huyện Na Hang lại bỏ qua tình tiết này? Không đồng ý với phán quyết trên, gia đình chị Vẻ làm đơn kháng cáo.

Tiếp đến, ngày 23/8/2012, TAND tỉnh Tuyên Quang đã mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản và tiếp tục tuyên thắng kiện cho ông Hưng, buộc gia đình chị Vẻ phải bồi thường theo giá trị con trâu và các chi phí án. TAND tỉnh Tuyên Quang bác đơn kháng cáo của chị Vẻ, giữ nguyên quyết định của phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Na Hang trước đó.

Theo LS Đàm Quốc Cường, Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang: “Vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, chúng tôi đã đề nghị hủy án sơ thẩm với nội dung: thời điểm tranh chấp có một con trâu khác đã được UBND xã Thanh Tương xử lý sung công vì không xác định được chủ. Do đó, UBND xã Thanh Tương là đơn vị có liên quan đến vụ kiện nhưng cấp sơ thẩm không đưa vào tham gia tố tụng là thiếu sót”.

Phía ông Quan Thanh Hưng và gia đình chị Phạm Thị Vẻ cũng đưa ra hàng loạt lý lẽ chứng minh con trâu trên là của gia đình mình, thông qua các biên bản thẩm định của đại diện Phòng Chăn nuôi thuộc Sở NN&PTNT. Thẩm định trên cơ sở đo vòng ngực của trâu, số răng, đặc điểm ngoại hình của trâu, qua đó ai cũng khẳng định con trâu là của nhà mình. Mặt khác, TAND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, do 2 gia đình đều đã tiếp xúc với con trâu nên về tuổi trâu và các đặc điểm dấu vết trên con trâu không thể dùng làm căn cứ xác định con trâu là của bên gia đình nào.

Dù vậy, đa phần các nhân chứng trong phiên tòa khẳng định, con trâu mà hai gia đình đang tranh chấp chính là của nhà chị Vẻ. Nhiều nhân chứng bày tỏ sự ngán ngẩm khi tòa phán quyết chị Vẻ mất quyền sở hữu con trâu của gia đình mình, và người được cho rằng trộm trâu không những không bị xử lý về hành vi trộm cắp mà còn thắng kiện, được tiền bồi thường?

Lý do gia đình chị Phạm Thị Vẻ bị thua kiện được TAND tỉnh Tuyên Quang xác định, chị Vẻ tuy có con trâu bị mất nhưng không có đủ căn cứ để xác định con trâu đang tranh chấp là của gia đình chị. Bởi lẽ con trâu đang tranh chấp, gia đình chị Vẻ đem bán nhưng không cung cấp địa chỉ người mua để tòa xác minh?

Khi các nhân chứng chứng minh con trâu đang tranh chấp là của chị Vẻ, thì TAND tỉnh Tuyên Quang cho rằng thời điểm trên, con trâu vẫn đang thuộc quyền quản lý của gia đình ông Hưng? Hơn nữa, điều khó hiểu ở đây còn thể hiện, TAND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục bác bỏ những ý kiến được coi là nhân chứng của vụ án, vì cho rằng khu bãi chăn thả của ông Hưng cách nhà chị Vẻ khoảng 10km. Để về đến nhà chị Vẻ thì không ai biết được con trâu đó như thế nào? Và việc chị Vẻ bán con trâu là định đoạt tài sản một cách trái pháp luật?

Vừa bị mất trâu vừa bị kiện đòi bồi thường, suốt thời gian theo kiện, gia đình chị Vẻ lâm vào điêu đứng. Gia đình đã nghèo, lại ốm đau bệnh tật nên nhiều lúc chị muốn buông xuôi cho xong chuyện, song vấn đề hiện nay là gia đình chị không biết chạy vạy nơi đâu để kiếm đủ 20 triệu, tiền đền trâu và các khoản chi phí cho các phiên tòa?

Ông Phạm Ngọc Thuận, trưởng thôn Yên Thượng cho biết: “Suốt thời gian chị Vẻ quản lý con trâu, do khó khăn về kinh tế, hơn nữa con trâu lại bị ốm chẳng thấy cơ quan nào đến giải quyết, nên gia đình chị cũng không biết làm thế nào. Bản thân tôi cũng như một số cán bộ thú y thôn từ thời điểm năm 2009 đã biết gia đình chị Vẻ có con trâu đực khoảng 3 năm tuổi. Xét về đặc điểm trâu và thói quen chăn dắt của gia đình, con trâu của đó chắc chắn là của gia đình chị”.

PLXH
Tag: Trộm cắp , Tuyên Quang , Kỳ án , Tin 113 , An ninh hình sự , Tòa tuyên án