Trời Hà Nội càng xầm xì, càng lạnh, các hàng lẩu càng hân hoan và thực khách cũng phấn chấn lạ thường.
Món lẩu bò rất thông dụng - Ảnh: Ngọc Thắng |
Lựa chọn cuối cùng cho mỗi bữa tụ tập tại các quán xá thường kết thúc bằng món lẩu. Tuy nhiên từ khoảng nửa tháng nay, do trời lạnh, lựa chọn này đã mau chóng trở thành món chính. Thậm chí có nhóm chỉ đi quán để ăn lẩu và chấm hết.
“Mùa này, khách ăn cơm canh giảm hẳn, thay vào đó là lẩu. Một món thường được gọi là cá chép om dưa cũng giảm. Lẩu bán nhiều hơn hẳn”, một phục vụ quán bia trên phố Ngọc Hà, Hà Nội nói.
So với cách đây gần hai chục năm, khi lẩu bắt đầu xuất hiện đại trà tại Hà Nội, thì giờ chúng đã phong phú hơn trước rất nhiều. Từ chỗ chỉ có thịt bò, tim, cật nhúng tái với nước xương ninh, giờ vị nước dùng biến hóa từ mặn sang chua, và cả mặn ngọt nữa.
“Nhân” lẩu cũng có thêm cá, tôm, cua, ốc, ếch, bê, dê, chó… Nhờ thế, lẩu càng rõ tính chất “thập cẩm” hơn. Nói cách khác, các nhà hàng kết hợp đủ thứ thức ăn trên nền một món nước dùng. Món nước dùng này thậm chí có thể sền sệt - như ở lẩu cháo. “Ăn lẩu thích nhất là được đổi món, đổi vị liên tục. Cũng tiện khi đi đông người vì càng đông càng rẻ”, chị Ngọc Minh, nhân viên văn phòng nói.
Lẩu Hà Nội nhiều lựa chọn thật. Lẩu ốc béo giòn đường Trường Chinh. Lẩu gà ghi danh phố Trần Nhân Tông với hương thơm dịu dịu của dấm bỗng, lại được pha chế thêm rượu nếp của nhà tự nấu. Muốn ăn lẩu ếch ngon mời đến phố Trúc Bạch, nhà Ngân béo. Ếch thịt tươi, nhúng vào nước dùng chua tự dưng săn lại, thu hết vị ngọt vào trong. Phố Phó Đức Chính nức tiếng lẩu riêu cua giá ngon - bổ - rẻ bất ngờ. Lẩu cháo sườn Quán Sứ. Lẩu rau củ quả Trần Hưng Đạo. Đến cả món lẩu phương Nam là lẩu mắm, trên phố Văn Cao cũng có luôn.
Đông khách nên nhân viên chạy bàn mướt mồ hôi. Một số nơi phục vụ không chu đáo như mùa nóng - mùa lẩu chậm, mỗi nhóm khách xác định phải chờ thêm 15-20 phút so với thời gian bình thường. Thậm chí, có những nơi còn “ép” khách.
Theo các bác sĩ, trời mùa đông, ăn lẩu giúp giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, người ăn lẩu cần chú ý 2 điều. Thứ nhất, nước lẩu có hàm lượng đạm cao nên khi ăn cần chú ý uống thêm nhiều nước. Thứ hai, việc tăng ớt (qua sa tế) có thể khiến da bị khô. Nếu cần ấm thêm, nên sử dụng thêm gừng vào nước lẩu, tất nhiên phải thích hợp với vị nước dùng.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?