Dự thảo Quy chế Tuyển sinh đi học ở nước ngoài vừa được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.
Học viên bồi dưỡng tiếng Anh trước khi du học bằng ngân sách |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với PV về những thông tin quan trọng sẽ đưa vào quy chế này
* Phóng viên: Theo quy định mới, sẽ có bao nhiêu diện học bổng do Bộ GD-ĐT tổ chức tuyển sinh đi học ở nước ngoài, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sẽ có 3 diện học bổng. Một là, học bổng từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước theo các đề án, dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp thực hiện cùng các đơn vị khác (học bổng ngân sách Nhà nước). Hai là, học bổng theo các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ nước ngoài, với các tổ chức quốc tế (học bổng hiệp định).
Cuối cùng là các loại học bổng khác do chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ. Với học bổng ngân sách Nhà nước, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện theo phương thức xét tuyển. Với học bổng hiệp định và học bổng khác, Bộ GD-ĐT sơ tuyển trước khi gửi hồ sơ để phía nước ngoài xét duyệt, tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển và quyết định cấp học bổng.
* Ông có thể nói rõ hơn về đối tượng và điều kiện cụ thể đối với ứng viên dự tuyển các học bổng này?
Học bổng ngân sách Nhà nước dự kiến bao gồm học bổng ĐH và học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh. Ứng viên dự tuyển học bổng ĐH là những học sinh được Bộ GD-ĐT cử đi dự thi và đoạt giải Olympic quốc tế, người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao, đã đoạt các giải thưởng quốc tế về nghệ thuật và thể thao. Cả hai đối tượng này phải có kết quả học tập các năm THPT và điểm tốt nghiệp đạt loại khá trở lên. Chúng tôi cũng dự kiến một số đối tượng khác cũng được nhận học bổng này.
Học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh dành cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng đang công tác tại các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trung tâm công nghệ cao hoặc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách, học viên tốt nghiệp cao học và sinh viên tốt nghiệp ĐH.
Dự kiến ứng viên là học viên cao học, sinh viên ĐH vừa tốt nghiệp và đăng ký học chuyển tiếp trình độ cao hơn (trong vòng 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp) cần phải có kết quả học ĐH chính quy, thạc sĩ đạt loại giỏi. Ứng viên phải có điểm trung bình đạt 8 trở lên và điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ hoặc đồ án tốt nghiệp ĐH đạt từ 8 trở lên (tính theo thang điểm 10) hoặc tương đương thang điểm 10 đối với người tốt nghiệp tại Việt Nam. Nếu họ tốt nghiệp tại nước ngoài thì căn cứ quy định xếp loại giỏi của nơi đào tạo.
* Nếu ứng viên đã trúng tuyển từ phía Việt Nam nhưng phía nước ngoài không tiếp nhận thì sẽ giải quyết thế nào?
Trường hợp này, thậm chí trường hợp phía nước ngoài tiếp nhận nhưng ứng viên không đi học thì ứng viên vẫn tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục đang theo học hoặc làm việc tại cơ quan cũ. Trường hợp người dự tuyển trúng tuyển học bổng diện hiệp định nhưng vì các lý do cá nhân xin rút, không đi học ở nước ngoài, làm mất chỉ tiêu học bổng của phía nước ngoài dành cho Việt Nam thì ứng viên không được phép đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng khác cùng trình độ đào tạo trong thời gian 1 năm kể từ ngày có đơn xin rút đi học.
* Nếu ứng viên đi học nhưng không theo nổi chương trình phải về nước thì có phải bồi hoàn kinh phí không, thưa ông?
Trường hợp các ứng viên trúng tuyển đi học tại nước ngoài đã được Bộ GD-ĐT cử đi và cấp kinh phí, nếu chưa hoàn thành khóa học phải về nước vì các lý do khác nhau thuộc diện phải bồi hoàn kinh phí thì sẽ phải bồi hoàn khoản tiền đã được dùng để cử đi học, trừ các trường hợp bất khả kháng.
- Những chiêu trò lừa đảo mới dịp cận Tết, cần cảnh giác kẻo lại mất tiền oan
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí