Ai đã 'chống lưng' cho những 'sản phẩm chết người' tuồn vào Việt Nam?
Thứ sáu, 21/11/2014 20:44

Trong hai năm trở lại đây, lực lượng hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài "sờ gáy" ra nhiều lô hàng là thiết bị y tế cũ, tuồn vào Việt Nam.

Lô thiết bị cũ, đã qua sử dụng của Công ty Bảo Trân bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Lô thiết bị cũ, đã qua sử dụng của Công ty Bảo Trân bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Những lô hàng này là thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng ở nước ngoài, thậm chí chính hãng sản xuất của nó đã dừng sản xuất được 10-15 năm rồi nhưng trên Hồ sơ nhập vào nước ta, nó vẫn mới 100%. Vậy tại sao những thiết bị này lại "lọt" qua nhiều "cửa" đến như thế?

Những mánh kiếm tiền rợn người

Thời gian vừa qua, người dân biết một số vụ nhập khẩuthiết bị y tế cũ đơn lẻ do Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan "sờ gáy". Người dân chỉ biết sơ qua thế thôi, còn đi sâu vào tìm hiểu mới thấy, trước đó đã có không ít lô thiết bị y tế cũ đã nhập vào Việt Nam mà không bị "sờ" gì cả. Liệu đây có phải là nguyên nhân của việc chẩn đoán bệnh sai, dẫn đến công tác khám, chữa bệnh trong không ít trường hợp chưa chuẩn, những cái chết không đáng có của người bệnh. Điều này đã thôi thúc chúng tôi đi tìm lời giải, vì sao lại như vậy? Thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng ở nước ngoài ấy được doanh nghiệp nhập vào Việt Nam ra sao? Vì sao, chủ Doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị này, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đã bỏ trốn...

Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với một số cơ quan chức năng đã khám và tạm giữ lô thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng (tại sân bay Nội Bài - Hà Nội) của công ty TNHH Kỹ thuật và thiết bị y tế Bảo Trân (gọi tắt là công ty Bảo Trân); Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A. Hai công ty này đều có hồ sơ, tờ khai, "giấy thông hành" nhập khẩu thiết bị y tế của Bộ Y tế là máy xét nghiệm sinh hoá nhập từ Đức, Mỹ, Nhật, Pháp... mới 100%.

Được biết, công ty Bảo Trân do Trần Thị Ánh Hồng làm giám đốc. Lô hàng này được gửi từ nước ngoài về, người nhận lô thiết bị cũ này là Nguyễn Xuân Tưởng - Phó giám đốc công ty. Khi lô hàng bị kiểm tra, Tưởng đã "bỏ của chạy lấy người". Vì, khi khám xét, cơ quan chức năng phát hiện, lô hàng này thực tế là máy soi dạ dày, máy in phim đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu chứ không phải thiết bị y tế nhập khẩu mới 100% như tờ khai.

Một cán bộ trực tiếp thực hiện vụ khám xét này đã tiết lộ rằng: Cơ quan chức năng đã theo dõi công ty này từ năm 2010 và phát hiện ra rất nhiều hoạt động không bình thường trong việc nhập khẩu trang thiết bị y tế. Qua theo dõi, cơ quan chức năng phát hiện, từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2013, cùng với thủ đoạn "hô biến" thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng thành mới 100% trên hồ sơ và "giấy thông hành" được phép nhập khẩu, công ty này đã "mạnh dạn" nhập 7 lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng về bán cho một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế.

Lần bị phát hiện này là tờ khai nhập khẩu thiết bị y tế của Bảo Trân với 2 máy xét nghiệm sinh hoá tự động nhãn hiệu Hitachi M901 Nhật. Tờ khai nhập thiết bị y tế từ Pháp về Việt Nam của công ty A.N.N.A là máy xét nghiệm sinh hoá 100% mới. Nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện là máy xét nghiệm sinh hoá, hoá chất và phụ kiện Hitachi 904 nhưng lại có nhãn ở ngoài là của hãng Diamond (Mỹ) và FAMICO (Pháp).

Khi bị kiểm tra, Giám đốc Phạm Hồng Anh của A.N.N.A bao biện rằng, công ty đối tác đã gửi nhầm hàng. Giám đốc Hồng Anh cam kết với cơ quan chức năng là sẽ chuyển trả lại công ty đối tác lô hàng thiết bị y tế cũ, yêu cầu đối tác gửi thiết bị mới như đã ký kết. Và, "cao tay" hơn, vừa bị khám xét, vị giám đốc này đã trình được một "giấy thông hành" khác như thể đã được chuẩn bị từ trước để sẵn sàng đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện. Đó là công văn gửi về từ Pháp của doanh nghiệp đối tác, khẳng định gửi nhầm lô thiết bị y tế cũ cho A.N.N.A, thực chất là gửi cho bạn hàng ở một đất nước Đông Nam Á nào đó...?!

Công ty là... nhà nghỉ, quán nét (!?)

Khi đã bị lật tẩy, doanh nghiệp tìm mọi thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Để tìm hiểu ngọn ngành những "mánh lừa" này, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ mà công ty Bảo Trân và A.N.N.A đăng ký trong giấy phép kinh doanh. Địa chỉ của A.N.N.A được đối tác gửi về từ Pháp là số 10/18 khu Trung Hoà, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Tìm đến địa chỉ này, chúng tôi hốt hoảng, đó là... nhà nghỉ. Chủ nhà nghỉ khẳng định, không có công ty thiết bị y tế nào ở đây. Tìm đến địa chỉ của Bảo Trân ghi trong giấy phép kinh doanh, chúng tôi hốt hoảng, đó là... quán nét. Chủ quán khẳng định, "nhà của tôi, tôi tự tổ chức kinh doanh, chưa cho thuê mặt bằng bao giờ".

Vậy, thực chất, những doanh nghiệp có "giấy thông hành", họ hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào? Anh Nguyễn Trường An, có 10 năm làm việc trong lĩnh vực thiết bị y tế (đã chuyển công việc khác) bật mí: "Phải có đường dây mới hoạt động được. Lô thiết bị y tế cũ và lớn như thế, cứ tằng tằng qua mặt cơ quan chức năng, thẩm thấu vào trong nước, đến các bệnh viện, phòng khám được thì tất nhiên chủ nhân của nó phải ma quái rồi".

Cũng theo anh An, nếu không có đường dây, có "người bảo lãnh", có "giấy thông hành" thì đem được thiết bị về cũng bị đắp chiếu mà thôi, chẳng ai dám mua sử dụng. Tôi thắc mắc, có nghĩa là thế nào? Anh An giải thích: "Có nghĩa là máy cũ, đã qua sử dụng, giá rẻ nhưng muốn nó vào được bệnh viện, phòng khám đa khoa thì trên hồ sơ, giấy tờ phải là máy mới. Giấy phép nhập khẩu thiết bị là mới, có cả hội đồng hàng chục người duyệt đấy. Thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng đã bị cấm nhập. Thậm chí, có doanh nghiệp còn "sáng tạo" ra được những bộ hồ sơ mới đến mức, khi khổ chủ được thụ hưởng thiết bị đó, kiểm tra thông tin, chẳng phát hiện ra được điều gì, vì thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị là không có thực".

Chuyện nực cười khác nữa là Bảo Trân được cấp "giấy thông hành" nhập khẩu thiết bị y tế lâu rồi, vậy mà ngành chủ quản vẫn không biết "mánh" làm ăn "bẩn" của họ thì cũng lạ. Những thiết bị y tế cũ mà Bảo Trân và A.N.N.A nhập về này, chính hãng của nó đã ngừng sản xuất cách đây 10 đến 15 năm rồi thì làm gì có thiết bị mới mà nhập.

Người mới của ngành y tế họ còn biết tên FAMICO (của Pháp) và Diamond (Mỹ) là hai thương hiệu nổi tiếng về sửa chữa, làm mới hay như chúng ta gọi là tút tát lại thiết bị y tế đã qua sử dụng rồi bán, họ không sản xuất thiết bị y tế bao giờ thì người cũ - như những người trong hội đồng thẩm định cấp giấy chứng nhận nhập khẩu thiết bị y thì có lẽ nào lại không biết. Thế mà Bảo Trân và A.N.N.A và nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng khác cũng qua mặt được ngành y tế với tờ khai nhập thiết bị y tế mới 100% của Diamond và FAMICO thì quả là "thần thông quảng đại".

Năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào thanh tra việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị y tế

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về cơ bản Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Thanh tra Chính phủ. Theo Kế hoạch này, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào việc thanh tra việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị y tế; trách nhiệm của một số Bộ, ngành trong công tác chống buôn lậu, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, mua sắm tài sản; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; đối với một số UBND tỉnh, thành phố về quản lý sử dụng đất đai, quản lý vốn đầu tư....

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: thiet bi y te , thiet bi y te da qua su dung , thiet bi y te nhap lau , buon lau , hai quan , tiep tay cho buon lau , tin , bao