ACB gửi tiền vào ngân hàng khác là hoàn toàn trái luật
Thứ tư, 10/12/2014 20:09

Chiều 10/12, tại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, đại diện VKS cho rằng các tổ chức tín dụng chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép.

Bầu Kiên tự bào chữa trước tòa sáng 10/12

Bầu Kiên tự bào chữa trước tòa sáng 10/12

Tranh luận lại với các bị cáo và luật sư về hành vi cố ý làm trái, đại diện VKS khẳng định chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền vào ngân hàng khác là hoàn toàn trái luật.

Theo đại diện VKS, các bị cáo là lãnh đạo ngân hàng nhưng lại chỉ đạo nhân viên mang tiền đi gửi lòng vòng qua ngân hàng khác để kiếm lời. Các bị cáo đã không thực hiện tốt chức năng của ngân hàng là huy động tiền gửi trong dân cư.

Việc ủy thác phải thực hiện theo theo luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng chứ không thể dựa vào Bộ Luật dân sự, Luật dân sự không có chế định ủy thác mà chỉ có chế định ủy quyền.

Trước ý kiến của các bị cáo và luật sư cho rằng thời điểm năm 2010 và 2011, luật không cấm hoạt động ủy thác nên các bị cáo được phép thực hiện, đại diện VKS cho biết: “Các tổ chức tín dụng không được làm các điều pháp luật không cấm mà chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Rà soát các quy định không có điều khoản nào cho phép hoạt động ủy thác”.

Về ý kiến của luật sư cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn thì các bị cáo được phép thực hiện, đại diện VKS cho biết cách hiểu này là không đúng. Thời điểm ACB ủy thác, Ngân hàng Nhà nước chưa hướng dẫn, trình tự thực hiện ra sao chưa có nên không được làm.

“Việc các luật sư và bị cáo nói chưa xác định được thiệt hại của ACB, VKS căn cứ vào lời khai của ACB, của VietinBank, của bị án Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa thì có đủ cơ sở xác định ACB ủy thác cho nhân viên đi gửi 718 tỉ đồng và đến nay chưa thu hồi được. ACB không giao dịch gửi tiền tại VietinBank nên không có quyền khởi kiện đòi tiền tại VietinBank. Hành vi làm trái đã được xác định rõ” - đại diện VKS nói.

Về hành vi đầu tư cổ phiếu gây thất thoát cho ACB hơn 600 tỉ đồng, đại diện VKS cho rằng bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo các giao dịch lòng vòng nhằm che giấu các hợp đồng giả tạo để Công ty ACBS đầu tư vào chính cổ phiếu của ACB.

Đối đáp lại, các luật sư đã đề nghị đại diện VKS phải đưa ra những luận điểm cụ thể để tranh luận với từng vấn đề mà các luật sư đưa ra.

Luật sư Lưu Văn Tám cho rằng bị cáo Lý Xuân Hải không phải chủ thể của tội cố ý làm trái vì Hải không phải là người có chức vụ quyền hạn, không phải là người có quyền lực công, ACB là doanh nghiệp sở hữu 100% vốn tư nhân.

Các luật sư cũng cho rằng việc tòa xác định Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo là nói chung chung. Luật sư yêu cầu VKS xác định Huyền Như gian dối với ai, lừa của ai, điều này chưa được làm rõ.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ cho bị cáo Kiên) đề nghị VKS có quan điểm tại sao cứ áp đặt ACB có thiệt hại trong khi ACB không có thiệt hại? Nếu cho rằng Bầu Kiên có quyền lực cao nhất tại ACB thì căn cứ vào đâu, đề nghị VKS đưa ra căn cứ để chứng minh nguồn tiền mua cổ phiếu của ACB là của chính Công ty ACBS…

Sáng 11/12, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: vu bau kien , bau kien , ngan hang acb , nguyen duc kien , bi cao kien , kinh doanh trai phep , lua dao , tin , bao