70 tuổi vẫn có thể bị áp dụng hình phạt tử hình
Thứ ba, 07/04/2015 16:53

Sáng 7.4, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người 70 tuổi, tuy nhiên đa số ý kiến đều không đồng tình và đề nghị chỉ áp dụng đối với những trường hợp 80 tuổi.

Sáng 7.4, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người 70 tuổi, tuy nhiên đa số ý kiến đều không đồng tình và đề nghị chỉ áp dụng đối với những trường hợp 80 tuổi.

Xử lý hình sự những loại tội phạm mới

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị cần giải thích thêm quy định những loại tội phạm mới nảy sinh là gì (từ 2009 đến nay). Trong luật phải thể hiện tính răn đe, giáo dục, ngăn chặn. Giải trình về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng có nhiều tội danh mới được bổ sung vào dự án luật. Có những điểm cơ quan thẩm tra chưa đồng tình, nhưng theo ông Cường là cần thiết. Ví dụ bổ sung tội cố tình rải đinh ra quốc lộ, đường cao tốc để vá xe trục lợi, gây bức xúc, sẽ bị xử lý hình sự; kể cả trộm chó, mặc dù chưa nói đến giá trị, nhưng gây mất trật tự an toàn xã hội. Hay việc dây dưa cố tình không đóng bảo hiểm cho người lao động cũng sẽ bị xử lý hình sự.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Xuân Hải)

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi băn khoăn về ý kiến trong Báo cáo thẩm tra cho rằng, một số quy định hiện hành qua thực hiện còn nhiều vướng mắc nhưng chưa được sửa đổi. Ngược lại, một số luật hiện hành đang phát huy tốt, phù hợp với Hiến pháp thì lại sửa đổi. Nói thế nhưng tìm ra được chưa?”

Về việc này, ông Hà Hùng Cường cho biết, Ban soạn thảo cố hết sức để đảm bảo bám sát tinh thần Hiến pháp. Ví dụ như Hiến pháp nói về quyền tự do ngôn luận, biểu tình…, thì khi ai cản trở người dân thực hiện quyền đó thì phải bị xử lý; hoặc người nào lạm dụng tự do ngôn luận, biểu tình sẽ bị trừng trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu câu hỏi: “Đối với tội tự chuyển hóa, tội lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức… cũng gây nguy hiểm cho xã hội thì có phải tội danh mới không, có cấu thành tội hình sự không và có đưa vào luật này không?”

Về việc này, ông Cường cho biết, các hành vi tội chuyển hóa chống lại nhà nước, suy thoái đạo đức lối sống, trong bộ luật cũng thể hiện khá đầy đủ. Tội lợi ích nhóm liên quan hối lộ, chạy chính sách, tội phạm kinh tế, tham nhũng, Chính phủ đã mạnh dạn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Đề nghị bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình

Đối với đề nghị bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình gồm: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh - đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Xuân Hải)

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, hiện nay đối tượng bị kết án tử hình đa số liên quan đến tội ma túy, trong đó tội vận chuyển ma túy bị xử nặng và nhiều nhất. Bị cáo là người làm thuê vì lợi nhuận cao, do vậy nên nghiên cứu xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh, bỏ dần và bỏ hẳn mức tử hình đối với tất cả các tội này. Bên cạnh đó, một số tội cần xét xử, xử lý ngay khi phát hiện ở giai đoạn chuẩn bị chứ không chờ bắt quả tang như tội khủng bố. Bởi vì tội này gây hậu quả khôn lường.

Riêng Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị vẫn giữ tử hình với các tội: Chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Chỉ bỏ tử hình đối với hai tội cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Ông Sơn đề nghị giữ lại 5/7 tội danh có hình phạt tử hình mà Chính phủ đề nghị bỏ. Ông Sơn cho rằng, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là từng bước bỏ án tử hình chứ không phải bỏ hoàn toàn.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh lại đồng tình phương án cơ bản giữ 15/22 tội có hình phạt tử hình. Theo ông Khánh, đối với tội liên qua đến ma túy nên tách ra, chỉ xử tử hình với người cầm đầu, tổ chức vận chuyển trên quy mô lớn kéo dài, chứ không áp dụng với người vì mưu sinh mà phạm tội.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng không tán thành với quy định của dự thảo, không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc tại thời điểm thi hành án.

Vê vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, nên tăng độ tuổi này lên thành 80 tuổi, bởi vì hiện nay tuổi thọ trung bình của ta đã tăng, chứ người 70 tuổi còn khỏe lắm, chưa gọi là già được. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi vị thành niên cần cần nhắc giảm tội cho các cháu.

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Hình phạt tử hình , áp dụng hình phạt tử hình , 70 tuổi vẫn áp dụng hình phạt tử hình