Đầu năm mới, tuy hoạt động buôn chưa mấy khởi sắc, nhưng nhiều dịch vụ lại hái ra tiền.
|
Dịch vụ cúng Tết
Theo phong tục của người Việt Nam, những ngày đầu năm mới, các gia đình thường tất bật chuẩn bị các mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà, thần Thổ Công, Thổ Địa.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh và sở thích của từng gia đình, từng vùng miền khác nhau nên có nhiều kiểu cúng khác nhau. Cũng chính vì thế nên có muôn hình vạn trạng chuyện cúng kiếng.
Nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ không biết bắt đầu cúng từ đâu, sắp xếp, mua sắm cho đủ bộ mâm cỗ cúng như thế nào...
Vì vậy, nhiều gia đình dịp đầu năm này thường tìm thuê các thầy cúng, vừa để các thầy bày cách mua sắm đồ lễ cúng, vừa nhờ thầy cúng sao hạn đầu năm.
Chị Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Việc cúng sao đầu năm là rất quan trọng. Gia đình tôi làm ăn kinh doanh, vì vậy càng quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn. Nếu cả năm làm ăn thuận lợi, tránh được các xui xẻo thì rất may mắn”.
Cũng theo chị Lan Anh, chi phí để thuê thầy về cúng mỗi lần từ 500 – 700 nghìn đồng.
“Gia đình tôi thường hay nhờ một thầy ở chùa gần nhà, thầy cúng mấy năm rồi, nên cũng khá quen thân. Nhà tôi có lễ Tết hay giỗ chạp gì là lại mời thầy đến”, chị Lan Anh cho biết.
Những ngày đầu năm mới này, nhiều thầy cúng có tiếng ở Hà Nội thường xuyên kín lịch hẹn. Vì vậy, không ít các gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìm thầy về cúng sao giải hạn đầu năm.
Bún riêu, bún ốc, bún cá đắt khách
Sau những ngày tết tràn ngập thịt, giò, bánh chưng, nhiều người thèm ăn một bát bún riêu, ốc vào bữa sáng cho đỡ ngấy.
Bún riêu, bún ốc đắt hàng
“Cả nhà tôi, sáng nào cũng ăn bánh chưng đến phát ngấy. Vì vậy, từ 2 hôm nay, cả gia đình quyết định ra ngoài ăn sáng. Một bán bún riêu nóng để thay đổi khẩu vị vừa dễ ăn lại có cảm giác ngon miệng”, chị My (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết.
Tuy giá của mỗi bát bún riêu, bún ốc cũng được đội lên gấp đôi, gấp ba ngày thường, nhưng tại các quán này, khách hàng vẫn tấp nập ra vào.
Một số khu phố ở Hà Nội như: Hào Nam, Xã Đàn, Kim Liên,…đều tập trung rất nhiều các quán bún riêu, bún ốc. Đặc biệt, nhiều quán ngày thường bán bún ngan, phở… thì ngày tết xoay sang làm “thời vụ” với bún riêu, bún ốc, bún cá để phục vụ nhu cầu đổi món của khách hàng.
Dịch vụ trông nhà ngày Tết
Do kỳ Tết năm nay được nghỉ dài này, nên nhiều gia đình khá giả ở Hà Nội thường tổ chức những chuyến đi du lịch xa nhà. Cũng chính vì thế, dịch vụ thuê vệ sĩ trông nhà cũng rất đắt khách.
Chị Nhung ở đường Trần Thái Tông (Hà Nội) nhăn nhó: “Năm nay có điều kiện, cả nhà tôi định giao thừa xong sẽ lên Đà Lạt nghỉ dưỡng. Nhưng do không tìm được người trông nhà, nên đành phải đi du lịch loanh quanh gần Hà Nội”.
Chị Nhung cho biết, mấy ngày đầu năm này, hầu như gọi đến công ty vệ sỹ nào cũng bị từ chối vì hết người rồi.
Theo các công ty bảo vệ thì năm nay, danh sách khách hàng được chốt trước Tết khá lâu. Vì vậy, sau Tết khách hàng gọi thì rất khó đáp ứng.
Do lượng khách hàng tăng mạnh, vì vậy, giá của dịch vụ này cũng tăng từ từ 40 – 50% so với năm ngoái.
Thông thường, mỗi khách hàng thuê người, công ty thường phải bố trí ít nhất 2 nhân viên thay nhau trực. Dịp Tết, nhiều nhân viên cũng về sum họp cùng gia đình, vì vậy rất thiếu người làm việc.
Hiện giá thuê phổ biến ở mức 200.000 đồng một giờ hoặc 1,5 triệu đồng một ngày, tùy từng công ty. Đối với khách hàng thuê theo hình thức hợp đồng trong một tháng, hoặc dài hạn, giá có giảm hơn và chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng.
Dịch vụ trông xe
Đây được coi là một trong những dịch vụ hái ra tiền vào dịp Tết. Đầu năm, rất nhiều gia đình ở Hà Nội thường dành thời gian để đi lễ, chùa. Cũng chính vì thế, tại nhiều điểm trông giữ xe xung quanh khu vực chùa chiền thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải.
Dịch vụ trông xe chặt chém khách ngày Tết. Ảnh: N.Y
Đây cũng là cơ hội để các bài trông, giữ xe được dịp ăn nên làm ra. Mặc dù không đến nỗi quá “chát” như một số dịp Noel hay lễ hội phố hoa và bắn pháo hoa thời khắc giao thừa, nhưng việc gửi xe tại các đền chùa nững dịp này cũng khiến nhiều khách phải hụt hơi.
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, bãi đỗ xe được tăng cường ra hết khuôn viên phía ngoài và tràn ra cả khu vực vỉa hè ở bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách gửi.
Ở phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), bãi gửi xe không còn một chỗ trống. Phí gửi xe vào dịp này cũng tăng lên chóng mặt, thường từ 10.000 – 20.000 đồng/xe máy và 100.000 – 150.000 đồng/ô tô.
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu
Đầu năm mới, hầu hết chị em phụ nữ nào cũng muốn đẹp hơn để đi du xuân, chúc Tết. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên mở hàng, nhiều quán cắt tóc, gội đầu ở Hà Nội đã nườm nượp các chị em ra vào.
Hầu hết chị em cho hay, họ đi làm đầu mới chỉ theo thói quen: Tết là dịp ăn chơi nên phải đẹp. Chị Thu, một khách đến làm tóc tâm sự: “Đi làm đầu cũng là một cách thư giãn. Bởi kèm với cắt, uốn, sấy... thợ cắt tóc còn massage mặt, bấm huyệt đầu. Một số nơi còn kết hợp làm dịch vụ chăm sóc da mặt, tăng cường vitamin, chữa mụn nhẹ, uốn mi, xăm lông mày, sửa móng tay...”.
Tuy nhiên, giá của dịch vụ này đầu năm cũng khá “chat”. Gội đầu là 50.000 – 70.000 đồng/lần (ngày thường là 30.000 – 40.000 đồng/lần), các dịch vụ khác như rửa mặt, làm móng, sấy tóc tạo kiểu, trang điểm,…cũng tăng từ 30 – 50% so với ngày thường.
Nếu khách hàng có nhu cầu ép thẳng tóc hay làm xoăn, giá thường từ 1 – 2 triệu đồng cho 1 đầu.
Dù đắt, nhưng dường như dịch vụ làm đẹp đầu năm này vẫn thu hút rất đông các chị em phụ nữ. Tại một số quán làm tóc có tiếng ở Hà Nội, khách muốn làm thường phải xếp hàng và chờ nhau đến vài tiếng đồng hồ.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?