Xuất hiện ngày càng nhiều ‘nhà đạo đức Facebook'
Thứ năm, 19/12/2013 14:32

Khi tấm hình hậu trường vụ bảo mẫu đánh đập trẻ bị đưa lên Facebook, ngay lập tức, các "nhà đạo đức" nhảy vào phân tích, mổ xẻ.

Ngày càng xuất hiện nhiều

Ngày càng xuất hiện nhiều

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử loài người, những “nhà đạo đức” lại nhiều như hiện nay. Họ mổ xẻ vấn đề ở tất cả mọi khía cạnh "nhân văn" nhất.

Điển hình nhất là vụ Sapa tuyết rơi trắng xóa thời gian gần đây. Nhiều khách du lịch tỏ ra thích thú, liên tục tung những tấm hình “tự sướng” lên Facebook. Cũng đúng thôi, họ đi du lịch, mục đích của họ là tìm kiếm niềm vui, tìm những hình ảnh mới lạ. Trong mắt những khách du lịch miền nhiệt đới, tuyết rơi là hiện tượng mà từ bé tới giờ họ mới được chứng kiến.

Ấy vậy mà sau khi những tấm hình đó được công khai trên Facebook, những “nhà đạo đức” liên tục nhảy vào tấm hình để chửi bới, để lăng mạ tác giả. Họ đưa ra những luận điểm hết sức duy ý chí. Sao giới trẻ bây giờ vô tâm quá, sao không lo cho những con bò Sapa đang chết, sao không lo cho những cánh đồng hoa màu đang tàn lụi…

Điều này cực kỳ vô lý, nếu khách du lịch không tung những tấm hình đó lên Facebook, liệu tuyết Sapa có ngừng rơi? Liệu người nông dân có bớt thiệt hại hoa màu? Liệu những con bò có ngừng chết? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy tại sao lại bắt họ tung những dòng cảm xúc giả tạo trên Facebook trong khi họ đang rất vui vẻ với chuyến đi.

Một vấn đề thứ hai được đặt ra là nếu Sapa không có tuyết, liệu ngành du lịch Sapa có phát triển? Liệu mỗi năm hàng triệu lượt khách có tiếp tục đổ về đây?. Chắc chắn, không có tuyết, đời sống người dân nơi đây sẽ rất khổ cực, vậy phải vui vì tuyết rơi mới đúng chứ.

Câu chuyện thứ hai tôi muốn nhắc tới là mới đây, trên Facebook đang chia sẻ tấm hình hậu trường các phóng viên chụp ảnh hai bảo mẫu hành hạ trẻ em. Sẽ không có gì để nói nếu người ta coi đó là việc nên làm. Lên án, đẩy lùi cái xấu là việc của các phóng viên, nhà báo.

Ấy vậy mà chỉ sau khi tấm hình được tung ra, các "nhà đạo đức" tiếp tục lao vào mổ xẻ, phân tích. Nào là sao lại đứng lên bàn khi tác nghiệp, nào là sao lại cười khi chụp ảnh… Nhưng họ đâu biết rằng, nếu không có những nhà báo đó, liệu công luận có được nhìn thấy những hình ảnh trẻ em bị hành hạ dã man để rồi lên án, đánh động dư luận. Liệu những đứa trẻ kia sẽ phải ở “tù” bao nhiêu năm nữa, và liệu bao nhiêu thế hệ trẻ em tiếp theo sẽ tiếp tục bị hành hạ?.

Họ ở đâu khi các phóng viên phải mai phục trong những điều kiện có thể nói là khó khăn nhất để tác nghiệp. Biết đâu, họ phải nằm chờ cả ngày ở những nơi cực kỳ nguy hiểm, chật chội. Để rồi khi sự thật bị lôi ra ánh sáng, họ lại nhảy vào phân tích mổ xẻ như mình là người trong cuộc.

Còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp mà tôi không thể kể hết. Nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ trước mắt chúng ta.

Tôi không muốn dùng từ “anh hùng bàn phím” để miêu tả những người này, nhưng thực tế đúng là như vậy, đã đến mức báo động, tất cả chúng ta hãy cùng suy nghĩ lại, hãy trở nên văn minh hơn trên cộng đồng ảo. Hãy tỏ ra là người có trách nhiệm hơn với những việc chung của cộng đồng. Và hãy thôi những triết lý đạo đức thiếu thực tế, nếu không muốn nói là đạo đức giả.

Vnexpress.net (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Người hùng Facebook , Mạng xã hội , Lạm dụng mạng xã hội , Anh hùng bàn phím , Đạo đức giả