Xót thương hai cháu bé xin ăn từng bữa nuôi cha tai nạn nằm liệt giường
Thứ ba, 06/05/2014 15:40

Hai đứa trẻ hàng ngày sau giờ tan trường lại phải lang thang khắp xóm xin ăn nuôi cha bị bại liệt sau khi mẹ bỏ nhà ra đi.

Bé gái đút cơm cho cha ăn

Bé gái đút cơm cho cha ăn

Tai họa ập đến

Đó là trường hợp của anh Đinh Văn Lai (SN 1976, ngụ thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Dưới cái nắng như đổ lửa, ngôi nhà lụp xụp trống huơ trống hoác, cửa mở banh, im ắng đến lạ thường. Phải lên tiếng gọi một hồi lâu mới nghe giọng nói khó nhọc của một người đàn ông đáp lại từ căn phòng phía sau. Có khách vào nhà nhưng anh Lai toàn thân bất động nên chỉ có thể nằm trên giường gắng gượng quay đầu ra hiệu chào.

Anh Lai mở lời: “Buổi sáng, hai đứa nhỏ đi học vẫn thường để cửa trống cho gió trời lùa vào giúp tôi đỡ nóng. Nếu trộm có vào thì trong nhà cũng đâu có gì giá trị nên không lo”. Nhắc lại quá khứ, gương mặt người đàn ông bất hạnh bỗng trở nên trầm mặc. Anh Lai đã từng có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai đứa con một gái một trai ngoan hiền. Nhưng mái ấm ấy, giờ đây chỉ còn là hồi ức mà mỗi lần nhắc lại đều khiến anh phải rơi nước mắt.

Là con trai đầu trong một gia đình nông dân có tới 5 anh chị em, nhà nghèo khổ lại chẳng được học hành nên ngay từ bé anh Lai đã phải trải qua bao nỗi cơ cực. Sau khi các em đã khôn lớn, người anh cả mới tính đến chuyện lập gia đình. Năm 2002, anh kết duyên cùng cô gái ở xã bên tên Tô Thị Lan (SN 1986). Dù cưới trước yêu sau nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng cũng rất mặn nồng. Một năm sau, anh Lai vỡ òa trong niềm vui được làm cha khi người vợ sinh đứa con gái đầu lòng. Hai năm sau, chị Lan sinh cho chồng đứa con trai kháu khỉnh giống cha như đúc khiến niềm vui nhân lên gấp bội.

Với bản tính cần cù, anh Lai quần quật làm lụng với mong muốn cho vợ con có một cuộc sống no đủ. Thế nhưng giữa lúc gia đình nhỏ đang đầm ấm, yên vui thì tai nạn bất ngờ ập đến. Buổi sáng một ngày tháng 2/2009, hai vợ chồng đi cắt dưa thuê ở chỗ xa. Trong màn sương mờ mịt, anh Lai điều khiển xe máy đi trúng ổ gà khiến hai vợ chồng ngã nhào ra đường. Lúc này lại có một chiếc ôtô lao tới tông phải anh Lao khiến anh hôn mê bất bỉnh. Mặc dù nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng nên anh vẫn bị liệt toàn thân.

Anh Lai kể: “Các bác sĩ cho biết, tôi bị dập đốt sống cổ, dập tủy sống và phải phẫu thuật. Nhưng lúc đó gia đình quá nghèo nên không lo nổi tiền phẫu thuật. Mãi một tháng sau mới gom đủ được 30 triệu thì bệnh đã quá nặng nên chẳng thể phẫu thuật được nữa. Cơ hội chữa trị thành công cũng tan biến. Sau 4 tháng nằm viện, tôi được xuất viện trong tình trạng liệt toàn thân”. Quá sốc trước tai nạn xảy ra với chồng, người vợ sau gần một năm “cơm bưng nước rót” phục vụ chồng cũng không thể chịu đựng được nữa nên bỏ nhà đi biệt xứ.

Anh Lai đau đớn kể: “Đầu năm 2010, vợ tôi vì cực khổ nên thường hay cáu gắt, chửi bới chồng. Có hôm, hai vợ chồng mâu thuẫn, cô ấy ra nằm trên đường ray xe lửa sau nhà với ý định tự tử nhưng được mọi người ngăn can. Lại có lần cô ấy uống thuốc sâu nhưng cũng được cứu chữa kịp thời rồi sau đó lại nói với gia đình rằng bị ma ám. Gia đình bên ngoại đưa về đi chữa trị rồi ở hẳn bên đó. Thế nhưng đến tháng 6/2010 thì vợ tôi cũng bỏ nhà đi biệt tích cho đến nay”.

Ông Tô Văn Đây (77 tuổi, cha vợ anh Lai) buồn bã thở dài: “Khi biết Lan có ý định bỏ nhà đi, tôi cũng đã nhiều lần khuyên can nhưng không được. Ban đầu con Lan kiếm đủ cớ để ra đi nhưng không được nên sau đó lén bỏ nhà đi vào Sài Gòn làm thuê. Sau này tôi có liên lạc nhiều lần nhưng nó đều trốn tránh nên cũng đành bất lực”. “Một ngày vợ chồng nên nghĩa trăm năm” thế nhưng hỏi anh Lai có trách vợ không, anh thật thà bảo: “Trách sao được mà trách. Mình không lo nổi cho vợ con thì cũng phải để cô ấy tự lo cho cuộc sống chứ”.

Cha bệnh tật sống nhờ hai con nhỏ

Thời gian đầu con dâu bỏ nhà đi, mẹ của anh Lai đưa con và hai cháu về nhà chăm sóc. Thế nhưng cuộc sống bên nội quá khó khăn, anh Lai cũng không muốn làm gánh nặng cho mẹ và gia đình người em nên ở được 2 tháng rồi xin về lại nhà cũ sống nương nhờ vào hai đứa con nhỏ dại. Người thân bên ngoại dù thương xót con cháu nhưng cũng chỉ có thể thăm nom chứ không thể chăm sóc anh hàng ngày. Thế là ngoài sự giúp đỡ từ hai bên gia đình, 3 cha con phải tự lo cho bản thân.

Vì còn quá nhỏ không thể lao động kiếm tiền nên suốt 4 năm qua hai chị em cháu Đinh Thị Mỹ Huệ (SN 2003) và Đinh Văn Châu (SN 2005) đành phải lang thang khắp đầu làng cuối xóm xin gạo, xin mắm sống qua ngày. Nhắc đến hai đứa con đáng thương, anh Lai rưng rưng: “Tội nghiệp hai đứa nhỏ. Cứ sáng đi học, hai chị em lại mang theo hai cái hộp nhựa tròn để lúc tan trường đi xin gạo mắm về nấu cơm trưa. Thấy con làm vậy tôi đau lòng lắm nhưng cũng chỉ biết giấu nước mắt chứ không nói được gì hơn”.

Lúc này đã là gần 12h trưa, cháu Huệ chở em về nhà trên chiếc xe đạp cà tàng. Gương mặt hai đứa trẻ gầy đét, mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng thiêu đốt. Hai chiếc hộp nhựa treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp. Bé Huệ mang hai chiếc hộp vào nhà nhìn cha với gương mặt buồn thiu vì hôm nay không xin được mắm để nấu cơm. Anh Lai gượng cười với ánh mắt vỗ về hai con rồi nhìn vào trái mít ở góc nhà nói hai con lấy mà ăn. Đó là quả mít chín héo mà người hàng xóm thương tình cho lúc sáng. Hai cháu bé mừng rỡ cất cặp rồi cùng nhau xẻ trái mít ăn cho đỡ đói.

Vừa ăn được mấy miếng, cô bé lớn chợt nhớ đến bữa cơm nên vội đi nhóm lửa. Nồi cơm nguội đã thiu nhưng vẫn còn hơn nửa nên cô bé không nỡ đổđi. Em lấy cơm cũ đổ ra chảo xào nóng lại rồi cho thêm ít nước mắm với xì dầu cho dễ nuốt. Bữa cơm ngày thường của mấy cha con chỉ có vậy. Cô bé thật thà kể: “Bữa nay con đi học về xin mắm nhưng người ta không có để cho nên phải chiên cơm ăn. Những bữa không có dầu, mắm thì ba cha con phải ăn cơm trắng với xì dầu. Con đút cơm cho ba ăn rồi đi học phụ đạo xong lại đi xin mắm để chiều về nấu cơm”.

Lúc trước hai đứa trẻ thường về họ hàng hai bên nội ngoại xin ăn nhưng sau này họ cũng không đỡ đần được nữa. Ngày nào 2 đứa trẻ đi học cũng mang theo cái hộp nhựa để học xong thì đến nhà này nhà kia trong xóm xin gạo về nấu cơm. Mọi người thấy tội nên người ít người nhiều cũng rộng lòng giúp đỡ ba cha con. Khổ nỗi người dân ở đây cũng đa phần nghèo khó nên nhiều khi hai cháu tới cũng chẳng có gì mà cho”, một người dân gần đó tâm sự.

Dù vừa phải đi học vừa phải lo cho cha bệnh hoạn nhưng hai chị em vẫn chăm ngoan và mấy năm đều là học sinh tiên tiến. “Em Huệ 5 năm liền đều là học sinh khá của trường. Em Châu thì từng là học sinh giỏi nhưng kết quả học tập thời gian gần đây có phần sa sút. Biết được hoàn cảnh éo le của hai em nên nhà trường đã tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để tránh việc hai em phải bỏ học”, ông Trần Quốc Bảo (Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Canh Vinh) chia sẻ.

Ông Hồ Văn Sung (Trưởng thôn Tân Vinh) cũng cho hay: “Gia đình anh Lai thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ba cha con sống nhờ vào số tiền trợ cấp hơn 300.000 đồng dành cho trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng số tiền đó thì làm sao nuôi sống được 3 người nên hai cháu bé ngoài giờ học phải lang thang xin ăn. Trong thôn không có ai là không biết hai cháu nhưng mọi người ở đây cũng nghèo nên chỉ cho được lon gạo, con cá chứ chẳng thể giúp gì hơn”.

Bạn đọc có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ cha con anh Lai có thể liên hệ: anh Đinh Văn Lai (Xóm 3, thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) SĐT: 01693355705.

Đại Chơn – Uyên Thu (Câu chuyện pháp luật)

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: cha bai liet , hoan canh kho khan , xin an , tin , bao